'Nỗi đau lớn nhất là thiếu người giỏi đồng hành và thiếu tiền'

Theo The Leader

Dáng vẻ thư sinh, nho nhã, nụ cười lúc nào cũng thường trực trên môi, GS. Vũ Ngọc Tâm được giới nghiên cứu khoa học và giới startup công nghệ đánh giá là người sở hữu động lực nghiên cứu mạnh mẽ, tính sáng tạo tuyệt vời, khả năng ứng biến linh hoạt và sự kiên định trong cả kinh doanh và nghiên cứu khoa học.

Đại dịch Covid-19 đã khai tử hàng loạt startup nhưng cũng giúp định hình lại các xu hướng hiện có và tạo ra các xu hướng hoàn toàn mới. 

Trong bức tranh tương lai đó đã có mặt Việt Nam với những tên tuổi đầy ấn tượng, đó là giáo sư Vũ Ngọc Tâm, CEO Earable với công nghệ tai nghe thông minh cải thiện chất lượng giấc ngủ; TS. Cao Anh Tuấn, đồng sáng lập Genetica với cuộc cách mạng về phân tích gene người châu Á; Mai Sao - CEO Lixibox, một startup kinh doanh mỹ phẩm dựa trên nền tảng công nghệ được đầu tư bởi những cá nhân xuất sắc từ Sillicon Valley…

Họ là những nhân tài đất Việt đang vẽ lại bản đồ khởi nghiệp của tương lai.

Ngày 12/2/2020, Quỹ Alfred P. Sloan đã trang trọng công bố danh sách 126 nhà nghiên cứu có những thành công vượt trội trong giai đoạn mở đầu của sự nghiệp nghiên cứu khoa học đạt giải thưởng Sloan Research Fellowships năm 2020. 

Được trao tặng hàng năm kể từ năm 1955, giải thưởng Sloan Research Fellowships vinh danh các học giả tại Mỹ và Canada sở hữu tính sáng tạo, khả năng lãnh đạo và các thành tựu nghiên cứu độc lập nổi bật, khiến họ trở thành một trong những nhà nghiên cứu triển vọng nhất đang cống hiến hiện nay.

Giáo sư Vũ Ngọc Tâm
Giáo sư Vũ Ngọc Tâm

Giáo sư Vũ Ngọc Tâm, một giáo sư trẻ người Việt Nam thuộc thế hệ 8X hiện đang làm việc tại khoa khoa học máy tính Đại học Colorado Boulder (Mỹ) đồng thời là Giám đốc điều hành Công ty Earable, đã vinh dự được nhận giải thưởng danh giá này.

Ông Daniel L. Goroff, Giám đốc chương trình Sloan Research Fellowships cho biết: “Mỗi một đơn vị nghiên cứu có nhà khoa học trẻ đạt được giải thưởng năm nay đều đã rất thành công trong việc thu hút, giữ chân và tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu trẻ, triển vọng của họ phát triển.

Quỹ Alfred P. Sloan tự hào được đồng hành cùng các tổ chức khoa học đó để phát hiện và hỗ trợ cho các nhà khoa học hàng đầu trong tương lai này”.

Giải thưởng Sloan Research Fellowships năm nay được trao tặng cho GS. Vũ Ngọc Tâm là sự ghi nhận cho các nghiên cứu khoa học của anh trong lĩnh vực công nghệ không dây và đeo được, tập trung vào việc phát minh ra các thiết bị mới giúp chăm sóc và nâng cao chất lượng sức khoẻ và cuộc sống của con người.

Anh Tâm đã phát minh và đang phát triển một loại thiết bị đeo tai không dây sử dụng công nghệ Earable, có chức năng thu thập, theo dõi và phân tích các tín hiệu sóng não, chuyển động của mắt, cơ mặt và một loạt các tín hiệu sinh học khác. 

Trong tương lai rất gần, thiết bị này có thể giúp cho các bác sỹ theo dõi và phân tích chất lượng giấc ngủ của bệnh nhân, qua đó đưa ra các phác đồ điều trị cần thiết cho một số bệnh về rối loạn giấc ngủ, tăng động giảm tập trung.

Earable được kỳ vọng sẽ tiếp cận đến đối tượng khách hàng cá nhân mắc các vấn đề về giấc ngủ (ước tính có 26 triệu người tính riêng tại Mỹ và 2,1 tỷ người trên toàn thế giới). 

Ngoài ra, tai nghe Earable còn có thể phát hiện cơn buồn ngủ của tài xế khi đang lái xe, qua đó làm giảm và ngăn ngừa tai nạn giao thông, phát hiện sớm các cơn động kinh, cảnh báo khả năng mất tập trung của nhân viên đang làm việc trong công sở hoặc dây chuyền sản xuất, hỗ trợ giảm căng thẳng, thiền tập, giảm đau và rất nhiều tác dụng hữu ích khác.

Earable còn được kỳ vọng sẽ tiến tới ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực khác như giúp người dùng tăng tương tác với máy tính, điều khiển máy trợ thính, phát hiện sớm sự mất tập trung của lái xe và giảm tai nạn giao thông.

Góp phần mang lại một cuộc sống khoẻ mạnh, năng động, hiệu quả hơn cho mọi người, và anh rất muốn người Việt được thụ hưởng thành quả này trước tiên.

Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, sang Mỹ lấy bằng tiến sĩ khoa học máy tính Đại học Rutgers năm 2013, ngay sau tốt nghiệp, anh được mời làm giảng viên Đại học Colorado Denver.

Đến năm 2017 anh trở thành phó giáo sư tại Đại học Colorado Boulder, một trong những trường đại học công nghệ có truyền thống nhất nước Mỹ. Tại đây, anh đã lập ra phòng thí nghiệm "hệ thống di động và hệ thống mạng", từ đó, hàng loạt dự án đoạt giải thưởng lớn ra đời.

Dự án "xác định vị trí của điện thoại trong xe ô tô" để giảm thiểu tai nạn giao thông do nghe điện thoại khi đang lái xe đã đạt giải thưởng xuất sắc nhất tại ACM MobiCom. 

Năm 2014, anh tiếp tục gây tiếng vang ở Mỹ với sáng chế chiếc nhẫn bảo mật có thể lưu trữ gần như không giới hạn các loại mật khẩu, và đạt giải thưởng xuất sắc nhất tại ACM MobiCom lần hai, nhận giải "Google Faculty Research Award" của Google với tài trợ 55.000 USD cùng tài trợ của chính phủ Mỹ.

VinTech Fund thuộc Vingroup vừa tài trợ 10 tỷ đồng cho sản phẩm tai nghe thông minh cải thiện chất lượng giấc ngủ Earable - Thiết bị đeo tai thông minh giám sát và cải thiện chất lượng giấc ngủ của Vũ Ngọc Tâm.

Chia sẻ về suất tài trợ 10 tỷ đồng của VinTech Fund, anh Tâm cho rằng giá trị VinTech Fund mang lại cho Erable không thể tính bằng tiền.

VinTech Fund mang đến cho Earable cơ hội tiếp cận hệ sinh thái đa ngành và mạng lưới đối tác vô cùng lớn của Vingroup, tạo nhiều điều kiện có thể thử nghiệm, cải tiến trước khi được thương mại hóa. Cụ thể những đối tác tiềm năng có thể hợp tác và hỗ trợ cho Earable trong Vingroup có thể kể đến VinBrain, VinSmart, Vinmec...

Bên cạnh đó, đơn vị quản lý VinTech Fund là VinTech City cũng có rất nhiều chương trình hợp tác với các trường đại học tại Việt Nam để tìm kiếm tài năng công nghệ. Đội ngũ chuyên gia của quỹ và VinTech City cũng có nhiều kinh nghiệm hỗ trợ khởi nghiệp cũng như có mạng lưới đối tác trong hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam và khu vực.

Tại diễn đàn Shark Tank 2020, tiết lộ về lý do một giáo sư chuyên dạy học lại quyết định khởi nghiệp Earable và trở thành một doanh nhân, anh Tâm cho biết: “Chúng tôi bắt đầu với Earable từ một dự án đã làm cùng các cộng sự ở trường đại học. Khi vào bệnh viện, thấy cách chữa trị mất ngủ vẫn còn rất sơ khai từ 20-30 năm trước, tôi nghĩ phải làm sao thay đổi, khi 1/3 số dân thế giới có vấn đề giấc ngủ?

Nghiên cứu công nghệ mới làm cho con người ngủ tốt hơn, tôi đã làm ra 5 sáng chế về giấc ngủ. Nhưng nếu chỉ trong môi trường nghiên cứu ở đại học thì sẽ không giải quyết triệt để các vấn đề, và tôi đã quyết định khởi nghiệp công ty ở Mỹ, để làm ra những sản phẩm thiết thực, hoàn thiện giấc ngủ cho mọi người. 

Sau hơn một năm ở Mỹ, Earable đã nhận được vốn từ các quỹ đầu tư uy tín, số lượng nhân sự đã lên đến 30 người”.

Chọn khởi nghiệp tại Mỹ để tiếp cận được nhiều nguồn lực và môi trường hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp công nghệ, từ khâu nghiên cứu, thiết kế, các quỹ đầu tư và đặc biệt là nhân lực, cả về chuyên gia lẫn đội ngũ cố vấn… anh Tâm muốn Earable có thể thương mại hoá ở nhiều thị trường khác nhau. 

Khi nhận thấy môi trường khởi nghiệp tại Việt Nam đang ngày càng tốt hơn, đặc biệt chính phủ đang chú trọng và tạo nhiều chính sách khuyến khích các công ty khởi nghiệp, anh đã trở về khởi nghiệp ở Việt Nam.

“Chúng tôi chọn ra mắt thị trường Mỹ trước, tiếp theo là châu Âu. Nhưng sau đó quyết định vào Việt Nam trước, vì dây chuyền sản xuất nhà máy ở Việt Nam rất tiên tiến, nhân công rất rẻ, chúng tôi đã tìm được đối tác ở đây. Việt Nam kiểm soát dịch bệnh rất tốt, ngoài ra nhân công rẻ, các bạn làm công nghệ lại rất nhiệt tâm, năng lực rất cao…

Tôi tin Earable có thể trở thành thiết bị công nghệ sáng chế bởi người Việt, sản xuất bằng công nghệ ưu việt của người Việt và tiên phong được sử dụng, hỗ trợ người Việt”.

Bàn về chuyện xác định giá thành, nỗi khó nhất với các startup, anh Tâm nhận định chuyện giá chỉ đúng với một số dịch vụ sản phẩm, ví dụ như Nokia bán 10 USD, nhưng iphone có thể bán 1.000 USD. Khi startup đã có sản phẩm rồi, công ty anh mới tính chuyện giá. Theo anh, để startup thành công thì đầu tư vào con người là nền tảng tốt nhất.

“Các startup nên tự tin, nếu chúng ta cung cấp cho khách hàng một dịch vụ tốt nhất thì chúng ta có quyền đòi hỏi mức giá tương xứng.

Khi dấn thân vào startup, có thể bạn không phải là người thông minh nhất nhưng phải có tư duy mở và tìm được đam mê. Bản thân tôi không được thông minh như nhiều người đã từng gặp nhưng tôi chăm chỉ và quyết tâm. Khi đã xác định được điều hứng thú, sẽ theo đuổi đến cùng và đặt mục tiêu phải làm tốt nhất.

Thứ hai là tư duy mở, mỗi người phải mở được rất nhiều cánh cửa trước khi đi đến thành công. Hãy luôn luôn nhìn thế giới với cái đầu mở, không ngừng lắng nghe, quan sát và luôn đặt câu hỏi là một cách hợp logic để khám phá chính mình, từ đó tìm ra những con đường phù hợp cho bản thân.

Nhưng đừng đánh đồng giữa trải nghiệm và hưởng thụ. Một khi đã tìm ra được động lực và mục tiêu, hãy làm việc thật quyết tâm và chăm chỉ để đạt được mục tiêu đó một cách xuất sắc nhất và hiệu quả nhất", anh Tâm nói.

Khi nào biết mình đang sai, phải thay đổi? Làm thế nào để lọt vào mắt xanh của nhà đầu tư cá mập? Làm thế nào để bước ra toàn cầu? Theo anh Tâm, đó là những câu hỏi quan trọng mà startup phải trả lời được. 

Startup sẽ gặp nhiều nhiều sai lầm trong quá trình khởi nghiệp, nhưng quan trọng phải biết khi nào mình sai, phải biết lắng nghe người khác, nhưng chính mình phải tự tìm ra câu trả lời. 

Riêng với công ty của mình, cách anh Tâm làm là tìm những người cố vấn thật tốt, đó có thể là những người đã thành công, đã làm việc đó nhiều lần, để trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm cùng họ, nhưng cuối cùng mình phải biết chắt lọc ra những kinh nghiệm nào phù hợp nhất với mình.

Tiền là cách trả công rẻ nhất cho ban cố vấn, có rất nhiều cách mời được Top các nhà đầu tư, tư vấn, phải cho họ thấy tầm nhìn của mình là gì? Nếu chỉ khơi khơi đến xin họ đầu tư, tư vấn thì rất khó, phải chuẩn bị rất kỹ cho lần giao tiếp đầu tiên, cho họ thấy giá trị, năng lực của mình.

Những nhà tư vấn, đầu tư ấy không chỉ là người giỏi hơn mình, mà có khi người ta muốn được đứng vào một hệ sinh thái win-win, phải cho họ thấy mình cần gì và hiểu lợi ích của họ là gì để đổi lấy lợi ích họ đem lại cho mình… mới tìm được nhà cố vấn phù hợp.

Trong từng thời điểm, startup cần nhà cố vấn khác nhau, có người hỗ trợ kinh doanh, có người hỗ trợ kêu gọi vốn, có người giúp kết nối và mở rộng các mối quan hệ…

Để giải quyết vấn đề mang tính toàn cầu, phải có tầm nhìn toàn cầu. Làm cái mới là “húc đầu vào tường” nên rất cần có tư vấn để giúp va đầu nhẹ hơn.

Khi đã thành công ở Việt Nam, giải quyết được những vấn đề thị trường cần, chúng ta sẽ có cơ hội “đánh” sang toàn cầu, lúc này, phải hiểu thế giới như nhà của mình.

Đối với những khó khăn khi khởi nghiệp ở thị trường Việt Nam, anh Tâm cho biết: “Tôi chỉ mới bắt đầu nên có lẽ chưa thấy khó khăn. Khi kiểm tra chất lượng cho sản phẩm ở thị trường Việt Nam, tôi chỉ tốn chi phí khoảng 20 - 30 USD/1 đầu người, mất khoảng 2 - 3 ngày, còn ở Mỹ phải trên 1.000 USD… Tuy nhiên, nỗi đau lớn nhất là thiếu người giỏi để đồng hành, cùng tầm nhìn để giải quyết những vấn đề quan trọng, và nỗi đau thiếu tiền”.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục