Nữ Chủ tịch Vimedimex: Doanh nhân nhiều tham vọng, sở hữu cơ nghiệp đa ngành nghìn tỷ trước khi “ngã ngựa” ở tuổi 51

Quỳnh Chi

Trước khi bị bắt giữ vì "Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản" xảy ra trên địa bàn huyện Đông Anh, bà Nguyễn Thị Loan – Chủ tịch Vimedimex, đã và đang nắm giữ vị trí quan trọng trong nhiều doanh nghiệp có vốn hàng nghìn tỷ đồng, trải rộng trong nhiều lĩnh vực: từ chứng khoán, ngân hàng, y dược đến bất động sản.

Nữ doanh nhân mới nổi sở hữu cơ nghiệp đa ngành

Bà Nguyễn Thị Loan sinh năm 1970 xuất thân là Tiến sĩ Kinh tế và có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Những năm từ 1991 – 1994, từ vị trí kế toán viên, bà Loan lên chức kế toán trưởng công ty TNHH Thịnh Phát. 10 năm sau đó, bà Loan làm chuyên viên Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Nữ Chủ tịch Vimedimex: Doanh nhân nhiều tham vọng, sở hữu cơ nghiệp đa ngành nghìn tỷ trước khi “ngã ngựa” ở tuổi 51 - Ảnh 1

Năm 2006 – 2007, bà Loan giữ chức Phó trưởng phòng Quản lý rủi ro, sau đó lên chức trưởng phòng này của BIDV. Năm 2009, bà Loan nghỉ việc ở ngân hàng và thành lập Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex, hoạt động trong 3 lĩnh vực chính là dược phẩm, tài chính và bất động sản. Từ tháng 4/2009 đến năm 2012, bà Loan giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT của Vimedimex rồi được bổ nhiệm là Chủ tịch công ty từ ngày 21/9/2012.

Từ năm 2008 đến nay, bà Loan còn giữ ghế Chủ tịch HĐQT của Công ty cổ phần Chứng khoán Hoà Bình (Mã CK: HBS) và Công ty cổ phần Quản lý quỹ Quốc tế. Trong đó, công ty cổ phần Chứng khoán Hoà Bình có vốn điều lệ là khoảng 330 tỷ, hoạt động kinh doanh không có gì nổi bật khi lãi ròng những năm gần đây chỉ đạt con số vài tỷ đồng. Tại công ty này, bà Loan sở hữu khoảng 3.370 cổ phiếu.

Là nữ doanh nhân mới nổi trong khoảng 10 năm trở lại đây, bà Nguyễn Thị Loan đã xây dựng được một “hệ sinh thái” đa ngành, từ dược phẩm, thương hiệu bất động sản Vimefulland cho tới một công ty chứng khoán có "bóng dáng" đằng sau VietABank.

Tính tới hết tháng 6/2021, bà Loan đang nắm trong tay khoảng 85.556 cổ phiếu của Công ty cổ phần Y Dược phẩm Vimedimex (Mã CK: VMD), tương ứng tỷ lệ 0,55% vốn. Trong khi đó, con trai của bà Loan hiện đang là cổ đông lớn của Vimedimex, sở hữu hơn 1,14 triệu cổ phiếu, tương đương 7,39% vốn.

Tuy nhiên, tối ngày 9/11/2021, bà Nguyễn Thị Loan - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex và cũng là Chủ tịch Công ty cổ phần Y Dược phẩm Vimedimex là một trong 8 bị can bị khởi tố về tội: "Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản" xảy ra trên địa bàn huyện Đông Anh, gây thiệt hại tài sản nhà nước khoảng 200 tỷ đồng.

Tham vọng trong cả lĩnh vực ngân hàng

Không chỉ hoạt động trong mảng dược, bất động sản và chứng khoán, bà Loan còn lấn sân sang cả lĩnh vực ngân hàng. Năm 2011, bà Loan từng giữ chức Phó Chủ tịch của Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) và rút khỏi ngân hàng này chỉ sau một năm.

Nữ Chủ tịch Vimedimex: Doanh nhân nhiều tham vọng, sở hữu cơ nghiệp đa ngành nghìn tỷ trước khi “ngã ngựa” ở tuổi 51 - Ảnh 2

Tuy nhiên, đáng lưu ý là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Hòa Bình nơi bà Loan giữ ghế Chủ tịch HĐQT lại từng là một cổ đông lớn, nắm hơn 32 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ 9,14% vốn của VietABank trước khi thoái sạch vốn vào năm 2019.

Đầu năm 2010, bà Loan là cổ đông sáng lập, Chủ tịch HĐQT của của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Hòa Bình. Doanh nghiệp này hoạt động chính trong lĩnh vực in ấn, có vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng năm 2017. Thời điểm năm 2015, bà Loan từng nắm tới 62,19% vốn công ty này. Tới tháng 11/2016, bà Loan đã chuyển nhượng hết vốn tại Công ty Đầu tư và Phát triển Hoà Bình. Tuy nhiên cơ cấu cổ đông mới không được tiết lộ.

Tháng 11/2012, bà Loan đã thế chấp 40 triệu cổ phần của Công ty cổ phần Đầu Tư và phát triển Hoà Bình tại chi nhánh ngân hàng VietABank. Dù rút khỏi Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Hoà Bình từ lâu song đây vẫn là một mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái của bà Loan. Hiện nay, bà Trịnh Ngọc Duyên (SN 1988), Phó Tổng Giám đốc của Vimedimex đang làm Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Hoà Bình.

Lấn sân bất động sản với khu biệt thự giá trăm tỷ mỗi căn

Thương hiệu bất động sản Vimefulland ra đời năm 2014, thuộc Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex. Các dự án lớn mang thương hiệu Vimefulland đều tập trung ở nhiều “khu đất vàng” trong nội thành Hà Nội, gồm: Helianthus Center Red River (4,9 ha, Đông Anh); Jade Orchid (gần 4,97 ha, Bắc Từ Liêm); The Lotus Center Ciputra Tây Hồ, Iris Garden (22.492 m2, Nam Từ Liêm); The Emerald (5,7 ha, Nam Từ Liêm); The Eden Rose (8 ha, Thanh Trì); Athena Fulland phân khu Larissa (27 ha, Kim Giang); Athena Fulland phân khu Athens (22.263 m2); Belleville Hà Nội (15.716 m2, Cầu Giấy).

Nữ Chủ tịch Vimedimex: Doanh nhân nhiều tham vọng, sở hữu cơ nghiệp đa ngành nghìn tỷ trước khi “ngã ngựa” ở tuổi 51 - Ảnh 3

Bên cạnh đó, Vimedimex cũng được biết tới là đơn vị đứng sau Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Hạ tầng và Đô thị Vĩnh Hưng thực hiện dự án xây dựng tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường vành đai 2,5 theo hình thức hợp đồng BT với chiều dài 1,65 km. Tổng mức đầu tư khoảng 1.574 tỷ đồng.

Đổi lại, Vimedimex và công ty liên danh cùng là Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Phát triển nhà số 7 Hà Nội được phép khai thác gần 60 ha đất để hoàn vốn, bao gồm: Khu nhà ở Ao Mơ với tổng diện tích khoảng 22,9 ha; các ô đất thuộc dự án xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khu di dân tổ 24, 25 diện tích khoảng 11,29 ha.

Sáng 10/11, ngay sau khi thông tin Chủ tịch Vimedimex bị khởi tố được công bố, cổ phiếu VMD đã nằm sàn còn 43.050 đồng/cp. Trước đó, cổ phiếu VMD bất ngờ có 4 phiên tăng trần liên tiếp.

Trong tháng 8/2021, cổ phiếu VMD từng gây sốc khi tăng trần liên tiếp trong nhiều phiên và tăng gấp hơn 3 lần giá chỉ trong một tháng. Đầu tháng 9, cổ phiếu VMD đạt đỉnh là 82.400 đồng/cp trước khi trượt dốc giảm tới nửa giá trị.

Tin Cùng Chuyên Mục