Ông lớn H&M, Zara hay Uniqlo “móc” hầu bao khách hàng như thế nào?

Thu Hằng

Giá rẻ, hợp mốt, dễ tìm được cửa hàng mua sắm là cách thức mà các nhãn hàng thời trang nhanh đang học tập nhau để bành trướng trong ngành kinh doanh trị giá hàng trăm tỷ USD.

“Bà tôi chỉ có một cái áo trong tủ quần áo. Mẹ tôi có 3. Đến con gái tôi, 50. Và 48% trong số đó, nó không bao giờ mặc”, đó là chia sẻ của Jack Ma, ông chủ tập đoàn bán lẻ Alibaba

Thời trang là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất trên thế giới và nó đang phát triển với tốc độ nhanh chóng mặt. Một trong những xu hướng đang lên ngôi trong ngành thời trang là fast fashion hay còn gọi là thời trang nhanh. Xu hướng này cho phép các cửa hàng liên tục bán ra số lượng lớn quần áo với giá rẻ.

Những thương hiệu tiêu biểu cho xu hướng thời trang nhanh
Những thương hiệu tiêu biểu cho xu hướng thời trang nhanh

H&M, Zara, Forever 21 hay Uniqlo chính là những cái tên tiêu biểu cho xu hướng thời trang nhanh. Công ty mẹ Zara - Inditex - đã tạo ra doanh thu 31,5 tỷ USD và lợi nhuận ròng 4 tỷ USD trong năm tài chính kết thúc vào tháng 1/2020, trong khi Fast Retailing - công ty mẹ Uniqlo - có doanh thu 20,7 tỷ USD và lợi nhuận ròng 1,4 tỷ USD trong năm tài chính kết thúc vào tháng 8/2019.

Vậy cách mà các nhãn hàng này thu hút khách hàng để họ dễ dàng móc hầu bao mua sắm là gì?

Bắt kịp xu hướng 

Theo truyền thống, ngành công nghiệp thời trang thường tung bộ sưu tập mới thành hai mùa rõ ràng: thu đông và xuân hè. Thời trang nhanh xuất hiện vào cuối những năm 70 và đầu những năm 80, vào thời điểm mà các xu hướng trở nên được săn đón nhiều hơn. Ý tưởng ban đầu của xu hướng này rất đơn giản: làm cho thời trang trở nên dễ dàng và đại chúng hơn bao giờ hết.

Theo đó, các nhà thiết kế thường xuyên cập nhật những xu hướng mới ở những buổi trình diễn thời trang hay mạng xã hội. Say đó, ngay lập tức lên ý tưởng và cho ra đời những bộ sưu tập bắt kịp xu hướng một cách nhanh nhất.

Một cửa hàng của thương hiệu H&M
Một cửa hàng của thương hiệu H&M

Với nguồn nguyên liệu sẵn có dồi dào và lực lượng nhân công rải rác khắp nơi trên thế giới, các hãng thời trang như H&M có thể hoàn thiện quy trình và tung sản phẩm mới ra thị trường tất cả chỉ trong một tuần. Hay như Zara trong vòng 2 tuần có thể thiết kế, sản xuất, tiếp thị và phân phối một mặt hàng mới đến tất cả 2.213 cửa hàng trên 93 quốc gia mà công ty quần áo khổng lồ này đang hoạt động.

Liên tục tung bộ sưu tập mới

Khác với phần lớn thương hiệu thường "ngâm" và úp mở bộ sưu tập mới trong khoảng thời gian khá dài, mỗi mùa, Zara cho ra thị trường vài bộ sưu tập mới. Cách vài tháng xu hướng lại thay đổi, và họ cũng lại xuất ra một loạt đồ mới. Nếu có xu hướng gì đang ăn khách thì một thời gian rất ngắn thôi, chúng sẽ xuất hiện tại Zara.

Trên thực tế, các nhà bán lẻ thời trang nhanh thậm chí có thể ra mắt sản phẩm mới nhiều lần trong một tuần để theo kịp xu hướng. Chiến lược này khiến khách hàng "nghiện" thời trang nhanh, tạo cảm giác phải liên tục mua sắm. 

Giá rẻ

Một trong những điều kiện tiên quyết khiến khách hàng quyết định dốc hầu bao có thể kể đến giá cả. Một đôi giầy bốt Balenciaga với hình dáng giống như một chiếc tất chính hãng có giá khoảng 770 USD khi mới tung ra thị trường. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, khách hàng có thể mua một sản phẩm tương tự ở Zara với giá chỉ khoảng 60 USD.

Giá rẻ, mẫu mã hợp thời trang là đặc điểm của những thương hiệu thời trang nhanh
Giá rẻ, mẫu mã hợp thời trang là đặc điểm của những thương hiệu thời trang nhanh

Việc đạo nhái trong làng thời trang, đặc biệt là thời trang nhanh đã không còn hiếm. Khách hàng có thể bắt gặp rất nhiều sản phẩm na ná nhau ở nhiều nhãn hàng.

Thực tế, đội ngũ thiết kế của Zara hay H&M không cần phải mất quá nhiều chất xám để sáng tạo mà chỉ cần khéo léo tập hợp những yếu tố hay ho hoặc mô phỏng lại các thiết kế từ nhiều nhãn hiệu cao cấp. Không tốn quá nhiều thời gian cho việc may một sản phẩm hay chất liệu vải quá đắt tiền, những thương hiệu này đã tạo nên các sản phẩm thời trang giá rẻ nhưng vẫn hợp mốt và thanh lịch. 

Và bởi vì quần áo rẻ (và được sản xuất với chi phí thấp), các công ty rất dễ dàng khuyến khích người tiêu dùng thường xuyên quay lại cửa hàng để mua quần áo với kiểu dáng mới nhất.

Độ “phủ sóng” cao 

Thời trang nhanh cũng không khác thức ăn nhanh: sản phẩm dễ gây nghiện, phù hợp, rẻ và có thể tìm thấy ở gần như bất cứ đâu. 

Năm 2020, Uniqlo có khoảng 1.920 cửa hàng trên toàn cầu với hơn 1000 cửa hàng không nằm ở Nhật Bản, Zara có khoảng 2.250 và H&M có 5.018 cửa hàng trên toàn thế giới. Và những thương hiệu này đều có kế hoạch mở rộng thêm mạng lưới cửa hàng của mình.

Zara có khoảng 2.250 cửa hàng trên toàn cầu
Zara có khoảng 2.250 cửa hàng trên toàn cầu

Đây là một trong những chiến lược quan trọng của những đối thủ cạnh tranh trong ngành công nghiệp thời trang nhanh. Lãnh thổ là yếu tố quan trọng để theo đuổi sự hiện diện thuận lợi trên thị trường và tăng nhận diện thương hiệu đến khách hàng.

Khách hàng có thể dễ dàng tìm thấy các cửa hàng của Zara, H&M Forever 21 hay Uniqlo tại những khu trung tâm thương mại sầm uất, theo đó cũng dễ dàng móc hầu bao để mua sắm.

Tin Cùng Chuyên Mục