Sài Gòn Thương Tín (SCR) thoát lỗ quý II nhờ phạt vi phạm hợp đồng

Trung Hiếu

CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land, mã SCR - sàn HoSE) ghi nhận lãi 3,98 tỷ đồng trong quý II, luỹ kế 6 tháng đầu năm ghi nhận lãi 5,9 tỷ đồng, giảm 95,2% so với cùng kỳ.

SCR thoát lỗ quý II nhờ phạt vi phạm hợp đồng
SCR thoát lỗ quý II nhờ phạt vi phạm hợp đồng

Thoát lỗ trong quý II/2023

Quý II/2023, Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land, HoSE: SCR ) đạt doanh thu thuần hợp nhất 68,7 tỷ đồng, giảm 31,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu SCR đạt 149,7 tỷ đồng, chỉ bằng 30% so với nửa đầu năm 2022.

Đáng chú ý, trong vòng 6 tháng, SCR không phát sinh doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản và dịch vụ xây dựng trong kỳ. Doanh thu của doanh nghiệp đến từ 3 nguồn tương đối đồng đều: dịch vụ cho thuê, dịch vụ bất động sản và dịch vụ khác.

Với lợi nhuận gộp chỉ hơn 29 tỷ vào quý II và lũy kế 50 tỷ 6 tháng đầu năm, trên thực tế doanh nghiệp đã không đủ bù đắp chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp phát sinh. Chênh lệch doanh thu tài chính và lợi nhuận tài chính cũng bị thu hẹp do chi phí lãi vay tăng (22,4% quý II và 36,8% trong 2 quý đầu năm) và doanh thu tài chính giảm (50% quý II và 40,6% trong 2 quý đầu năm).

Phải cần đến "cứu cánh" là lợi nhuận khác đột biến trong quý II, SCR mới có thể báo lãi gần 4 tỷ đồng sau thuế. Theo diễn giải chi tiết, SCR ghi nhận lợi nhuận khác là 13 tỷ đồng, chủ yếu đến từ thu nhập phạt vi phạm hợp đồng 25,7 tỷ đồng.

Trong điều kiện tình hình kinh doanh chung khó khăn, đã có nhiều hơn một doanh nghiệp thoát lỗ bằng những thu nhập ngoài kinh doanh chính. Chẳng hạn như Xây dựng Hòa Bình bất ngờ ghi nhận lãi trong kỳ nhờ thanh lý số lượng lớn tài sản cố định.

Hay trước đó, Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, mã DIG) cũng thoát lỗ quý II nhờ phạt vi phạm hợp đồng. DIG đạt doanh thu thuần hợp nhất 161 tỷ đồng trong quý 2/2023, giảm 72% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là doanh thu kinh doanh bất động sản chỉ đạt 33 tỷ đồng, giảm tới 91%. Trong kỳ, công ty có thêm 28 tỷ đồng doanh thu tài chính, tăng 12%.

Tuy nhiên, chừng đó là không đủ để bù đắp cho các loại chi phí: Chi phí tài chính 22 tỷ đồng (giảm 82%), chi phí bán hàng 9 tỷ đồng (giảm 35%), chi phí quản lý 34 tỷ đồng (giảm 17%). Kết quả, DIG lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi thuần 87 tỷ đồng.

Đây là lần đầu tiên DIG có quý lỗ thuần trong vòng 2 năm qua. Tuy nhiên, công ty có được khoản lãi khác 22 tỷ đồng, trong đó phạt vi phạm hợp đồng 18 tỷ đồng. Nhờ đó, DIG đã có thể kết thúc quý 2/2023 với khoản lãi sau thuế 9 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần hợp nhất của DIG đạt 358 tỷ đồng, giảm 67% so với cùng kỳ 2022; lãi sau thuế 85 tỷ đồng, giảm 40%.

Dòng tiền âm kỷ lục từ năm 2008 tới nay

Bên cạnh kinh doanh lao dốc, trong 6 tháng đầu năm 2023, SCR còn ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 1.182,2 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 601,3 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư ghi nhận dương 366,9 tỷ đồng và dòng tiền tài chính ghi nhận dương 817,1 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh.

Trước đó, năm 2022, Công ty ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 630,96 tỷ đồng.

Ngoài ra, theo dữ liệu iBoard của Chứng khoán SSI, từ năm 2008 đến năm 2022, chưa năm nào dòng tiền kinh doanh chính của SCR âm vượt 1.182,2 tỷ đồng. Trong đó, năm 2008 là năm dòng tiền âm lớn nhất với giá trị âm 1.179,15 tỷ đồng.

Tính tới 30/6/2023, tổng tài sản của SCR tăng 6,2% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 598,67 tỷ đồng, lên 10.289,97 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 3.832,9 tỷ đồng, chiếm 37,2% tổng tài sản; tồn kho ghi nhận 2.853,9 tỷ đồng, chiếm 27,7% tổng tài sản; các khoản phải thu dài hạn ghi nhận 1.041,2 tỷ đồng, chiếm 10,1% tổng tài sản.

Trong kỳ, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 28,6% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 852 tỷ đồng, lên 3.832,9 tỷ đồng. Như vậy, việc các khoản phải thu tăng cao, đây là một phần dẫn tới dòng tiền kinh doanh âm kỷ lục.

SCR cho biết phải thu ngắn hạn tăng chủ yếu liên quan khoản mục trả trước cho các bên liên quan tăng từ 25,7 tỷ đồng, lên 921,5 tỷ đồng. Về phần nguồn vốn, tính tới cuối quý II, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 42,8% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 817,5 tỷ đồng, lên 2.726,8 tỷ đồng và chiếm 26,5% tổng nguồn vốn (đầu năm chỉ chiếm 19,7% tổng nguồn vốn).Đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/7, cổ phiếu SCR tăng 50 đồng lên 9.050 đồng/cổ phiếu.

Tin Cùng Chuyên Mục