“Soi” mức lương khủng của nhân viên các công ty bảo hiểm

Trung Hiếu

Manulife Việt Nam chi trả nghìn tỷ tiền lương cho nhân viên, bình quân mỗi người 1 tỷ đồng/năm, vượt trội so với các ngân hàng, tập đoàn trả lương cao nhất.

Lương nhân viên Manulife gấp vài lần nhân viên ngân hàng

Theo báo cáo tài chính của Công ty TNHH Manulife (Việt Nam), hãng bảo hiểm nhân thọ này chi hơn 1.133 tỷ đồng tiền lương cho nhân viên trong năm 2022. Tính đến cuối năm 2022, Manulife có 1.153 nhân viên. Như vậy, bình quân lương mỗi người lao động tại Manulife Việt Nam khoảng 1 tỷ đồng/năm.

Con số này có thể bao gồm một phần lương của cộng tác viên. Nhưng cũng là một con số rất cao nếu so sánh với mức lương trung bình 400-500 triệu đồng/người ở những ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam như Vietcombank, Vietinbank…

Đó là chưa kể tới khoản chi phí hoa hồng bảo hiểm mà Manulife Việt Nam trả cho người lao động cũng như cộng tác viên. Trong năm 2022, Manulife Việt Nam chi trả tổng cộng hơn 3.190 tỷ đồng cho hoa hồng bảo hiểm. Bên cạnh đó, chi phí khen thưởng, hỗ trợ đại lý cũng rất cao, tổng cộng gần 4,2 nghìn tỷ đồng trong năm 2022.

Như vậy, nếu một nhân viên của Manulife Việt Nam vừa làm việc vừa có được các hợp đồng bảo hiểm của riêng mình thì thu nhập sẽ rất lớn, ở mức hàng đầu trong các ngành nghề lao động tại Việt Nam. Có thể ngang bằng với một giám đốc của doanh nghiệp quy mô tương đối lớn.

Liên tục 3 năm từ 2020-2022, Manulife Việt Nam đều chi trả lương quanh mức 1 tỷ đồng/người, chưa tính đến hoa hồng bảo hiểm.

“Soi” mức lương khủng của nhân viên các công ty bảo hiểm - Ảnh 1

Trong năm 2021, Manulife Việt Nam chỉ có 999 người lao động (tính vào thời điểm cuối năm) nhưng cũng chi rất đậm cho lương, hoa hồng và khen thưởng. Cụ thể, Manulife Việt Nam chi gần 958 tỷ đồng cho tiền lương; 3,36 nghìn tỷ đồng cho hoa hồng bảo hiểm và hơn 4.572 tỷ đồng tiền chi phí khen thưởng, hỗ trợ đại lý.

Trong năm 2020 Manulife Việt Nam chi hơn 867 tỷ đồng tiền lương, gần 3,1 nghìn tỷ đồng tiền hoa hồng bảo hiểm và hơn 3,9 nghìn tỷ đồng tiền khen thưởng, hỗ trợ đại lý. Vào cuối năm 2020, Manulife Việt Nam có 1.004 nhân viên.

Thu nhập của nhân viên Manulife Việt Nam cao hơn rất nhiều so với các ngân hàng tại Việt Nam cho dù lương thưởng của người lao động tại các tổ chức tín dụng là mơ ước so với các ngành nghề khác.

Trong năm 2022, người lao động tại Techcombank có thu nhập cao nhất, đạt hơn 500 triệu đồng/người/năm. Vietcombank đứng thứ 2 với gần 430 triệu đồng/năm. Thu nhập của nhân viên VietinBank và BIDV ở quanh mức 370 triệu đồng/năm…

Bên cạnh đó, nhân viên Manulife Việt Nam có thể kiếm bộn tiền từ hoa hồng. Thông thường, mức phí hoa hồng được hưởng cho mỗi hợp đồng là 30-40% phí bảo hiểm trong năm đầu.

Thu nhập cao của người lao động Manulife Việt Nam cũng được thể hiện ở khoản mục tổng số thuế thu nhập cá nhân mà nhân viên doanh nghiệp này đóng. Chỉ hơn 1.000 nhân viên của Manulife đóng thuế tương đương hàng chục nghìn người lao động tại Vietnam Airlines hay Hòa Phát.

Manulife Việt Nam nằm trong top 3 công ty bảo hiểm nhân thọ lớn nhất trên thị trường Việt Nam (sau Prudential và Bảo Việt Life), với tổng tài sản hơn 106 nghìn tỷ đồng. Việc chi đậm lương, thưởng và hoa hồng… là yếu tố giúp Manulife Việt Nam tăng trưởng mạnh.

Bảo hiểm Prudential chi lương bình quân 900 triệu/người

Đối thủ lớn của Manulife là Prudential cũng có chi phí lương bình quân vào khoảng 900 triệu đồng/người trong năm 2022. Cụ thể, tính đến cuối năm 2022, Prudential có 1.615 nhân viên (cuối năm trước là 1.518 người) nhưng  công ty chi tới 1. 440  tỷ đồng chi phí lương, tức bình quân  892  triệu đồng/người.

Con số này có thể bao gồm cả những khoản chi phí bắt buộc theo lương nhưng cũng là mức cao trong ngành tài chính nói chung. Ngoài ra con số này cũng có thể bao gồm một phần lương của cộng tác viên.

Bên cạnh đó, nhân viên của Prudential còn nhận được hoa hồng khi bán được các hợp đồng bảo hiểm.

Báo cáo của Prudential cũng cho thấy trong năm 2022 công ty chi hơn 5.165 tỷ đồng cho chi phí đại lý. Trong đó, phần lớn là tiền thưởng và trợ cấp 3.032 tỷ đồng, chi phí hỗ trợ 2.093 tỷ đồng và chi phí tuyển dụng và đào tạo hơn 40 tỷ đồng. Báo cáo không cho thấy có bao nhiêu trong số tiền này trả cho các đại lý là nhân viên công ty hay là các đại lý bên ngoài.

Bên cạnh lương, một phúc lợi đáng mơ ước khác của nhân viên Prudential đó là cho phép nhân sự nghỉ phép có lương đến 30 ngày/năm.

Theo giới thiệu trên website, Prudential có hơn 360 Văn phòng Tổng Đại lý, Văn phòng giao dịch và Trung tâm phục vụ khách hàng tại 63 tỉnh thành trên cả nước, và Hệ thống bảo lãnh viện phí tại hơn 366 bệnh viện và phòng khám.

Được biết, hiện đang hợp tác bảo hiểm liên kết với các ngân hàng như VIB, MSB, PVComBank, SeABank và các ngân hàng nước ngoài như Standard Chartered Bank, Shinhan Bank và UOB.

Theo báo cáo tài chính năm 2022, doanh thu phí bảo hiểm của công ty này đạt hơn 31.000 tỷ, tăng 8,3% so với 2021.

Lợi nhuận sau thuế của Prudential tăng đột biến lên cao nhất thị trường, với lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 4.504 tỷ, gấp 8,7 lần năm 2021; lợi nhuận sau thuế đạt 3.637 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối năm 2022 của công ty bảo hiểm này lên tới 12.377 tỷ.

Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của công ty đạt 161.750 tỷ đồng - tăng 9,2% so với năm trước. Tiền mặt và các khoản tương đương tiền giảm xuống còn 6.755 tỷ đồng.

Phần lớn tài sản của Prudential là các khoản đầu tư tài chính dài hạn 108.924 tỷ đồng trong đó chủ yếu là trái phiếu Chính phủ với hơn 56.000 tỷ đồng và hơn 30.000 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng dài hạn. Trong năm qua, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của công ty tăng 60% lên 31.984 tỷ đồng.

BIDV Metlife, MB Ageas, Phú Hưng Life... chỉ từ 300 triệu đồng/người

Tính đến cuối năm 2022, BIDV Metlife có 193 nhân viên (cuối năm trước là 169 người), và công ty chi gần 78 tỷ đồng chi phí cho nhân viên, tức bình quân 410 triệu đồng/người.

Con số này có thể bao gồm cả những khoản chi phí bắt buộc theo lương nhưng cũng là mức cao bất ngờ trong ngành tài chính nói chung. Ngoài ra con số này cũng có thể bao gồm một phần lương của cộng tác viên.

Trong năm 2022, Công ty còn chi gần 96 tỷ đồng cho việc khen thưởng. So với các công ty ngoại quốc, con số lương thưởng của doanh nghiệp nội địa có phần khiêm tốn hơn nhiều.

Đáng chú ý, Báo cáo của BIDV Metlife cho thấy mức chi phí hoa hồng cho phía ngân hàng liên kết, đó là hoạt động cung cấp dịch vụ bảo hiểm thông qua Ngân hàng BIDV, trong đó tổng phí hoa hồng công ty chi trong năm 2022 là 187 tỷ đồng.

Còn Bảo hiểm Nhân thọ Phú Hưng, năm 2022 công ty chi khoảng 173 tỷ đồng chi phí cho nhân viên (ghi nhận tại chi phí quản lý) trên tổng số 570 người, tương đương mỗi người nhận về 303,5 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, năm qua Phú Hưng chi đến 424 tỷ đồng hỗ trợ đại lý và thưởng cho nhân viên, cùng với hơn 19 tỷ đồng thưởng cho nhân viên.

Được biết, Bảo hiểm Phú Hưng là công ty bảo hiểm tư nhân được lập vào năm 2006, tiền thân là Công ty Bảo hiểm Bảo Tín. Đến năm 2013, công ty chính thức gia nhập ngành bảo hiểm nhân thọ với khoảng 50 văn phòng tính đến hiện tại (ghi nhận trên website Công ty). Tháng 12 năm qua, Bảo hiểm Phú Hưng vừa tăng vốn lên 2.493 tỷ đồng.

Cuối cùng, khối nội còn có Bảo hiểm Nhân thọ MB Ageas. Đơn vị này được thành lập vào tháng 7/2016, xây dựng trên cơ sở liên doanh giữa 3 đối tác gồm: Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank) của Việt Nam, Tập đoàn Ageas từ Bỉ và Công ty bảo hiểm nhân thọ Muang Thai từ Thái Lan.

Hiện, kênh Bancassurance của MB Ageas Life được triển khai với 300 chi nhánh, phòng giao dịch MB. Công ty chưa công bố BCTC năm 2022.

Dù vậy, ghi nhận tại BCTC 2021, mỗi nhân viên của MB Ageas Life có mức lương khá hậu hĩnh (so với mặt bằng các thương hiệu nội) với 628 triệu đồng/năm.

Tin Cùng Chuyên Mục