Startup Việt làm snack, đồ ăn vặt từ dế quảng bá đủ đạm cho cả bữa ăn, tham vọng doanh số đạt 700.000 USD năm 2024 gọi vốn thành công tại SharkTank

Giang Phạm

Shark Erik đề nghị khoản vay chuyển đổi trị giá 100.000 USD với định giá doanh nghiệp tối đa là 1 triệu USD với startup "độc lạ" này và Bicky Nguyễn đồng ý chốt deal.

Mang đến một loại snack độc lạ làm từ con dế khiến các Shark người e ngại, người dè dặt nếm thử, Bicky Nguyễn - Đồng sáng lập kiêm Giám đốc Rec Rec kêu gọi đầu tư tối đa 250.000 USD chuyển đổi cổ phần cho vòng gọi vốn tiếp theo với định giá tối đa 1,5 triệu USD.

Bicky cho biết, Rec Rec ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu tìm kiếm các dòng sản phẩm thân thiện với môi trường, tốt cho sức khỏe mà vẫn mang lại cảm giác thích thú khi thưởng thức.

Startup Việt làm snack, đồ ăn vặt từ dế quảng bá đủ đạm cho cả bữa ăn, tham vọng doanh số đạt 700.000 USD năm 2024 gọi vốn thành công tại SharkTank - Ảnh 1

Rec Rec hiện có các sản phẩm như dế sấy nguyên con các vị, bánh phồng dế trên cạn với định lượng đạm từ 4 - 14 gam trong mỗi đơn vị sản phẩm, tương đương khẩu phần đạm trong một bữa ăn của một người lớn.

Tuy nhiên, với một sản phẩm lạ như thế này, các Shark đã đặt nhiều câu hỏi cho Bicky Nguyễn để làm rõ về lợi ích, độ an toàn cũng như lợi thế cạnh tranh của sản phẩm.

Nêu lý do sử dụng nguyên liệu là dế, nữ đồng sáng lập cho biết con dế đã được chứng minh bởi khoa học và nhiều hiệp hội là nguồn bổ sung đạm cho con người nhưng không để lại tác động tiêu cực trên trái đất. Ngoài ra nếu đưa đạm dế về dạng thể ướt thì giá thành rẻ hơn các nguyên liệu khác như heo, bò, gà.

Bên cạnh đó, sản phẩm của Rec Rec được sản xuất bởi một doanh nghiệp cổ đông chiếm 50% cổ phần là CricketOne.

Theo Bicky Nguyễn, CricketOne hiện đứng đầu thế giới về quy mô sản xuất, khả năng cung cấp nguyên liệu dế và cũng là công ty duy nhất bên ngoài châu u nhận được giấy phép tiêu thụ dế tại thị trường EU vào thời điểm này. Ngoài ra đơn vị này cũng được cấp chứng nhận FSSC 22000 về an toàn thực phẩm.

Với quan ngại của Shark Minh Beta về khả năng gây dị ứng cho người tiêu dùng, Bicky Nguyễn giải đáp vấn đề này phụ thuộc vào cơ địa, cũng như có người dị ứng đậu phộng, có người dị ứng với hải sản. Vì thế thương hiệu bắt buộc phải đưa khuyến cáo lên bao bì sản phẩm.

Tiếp đó, Shark Tuệ Lâm đặt vấn đề về hành vi của người tiêu dùng, đó là ăn snack để ăn chơi và cần bổ sung đạm thì sẽ có những sự lựa chọn khác như ức gà, thịt bò, hạt. Rec Rec sẽ làm thế nào để educate thị trường và giúp người tiêu dùng vượt qua rào cản tâm lý?

Về nhu cầu của người dùng, Bicky Nguyễn lấy dẫn chứng từ nghiên cứu của Kanta rằng người tiêu dùng mong muốn sản phẩm lành mạnh, giàu dinh dưỡng và ngon. Nhà đồng sáng lập cũng cho biết Rec Rec luôn thu thập dữ liệu để biết người tiêu dùng mong muốn gì ở sản phẩm tiếp theo.

Trong đó có 30% người muốn dùng đạm dế nhưng không ở trong hình hài của con dế. Vì vậy Rec Rec đã có bánh phồng tôm cracker dành cho những ai thấy dế nguyên con quá hard-core (khó sử dụng).

Chia sẻ về bức tranh doanh thu, Bicky Nguyễn cho biết Rec Rec ra mắt thị trường từ đầu năm 2023. Doanh số của thương hiệu tăng từ 2.000 USD đến hiện nay là khoảng 7.000 USD. Dự kiến doanh thu năm 2024 là 700.000 USD từ kênh modern trade (kênh bán hàng hiện đại), các quán nhậu, bar… Ngoài ra, Bicky Nguyễn cũng phân tích thêm về lợi thế thương mại hóa sản phẩm của Rec Rec.

Xuất phát điểm của Rec Rec khác với các startup cũng như các thương hiệu khác là đã có sẵn đơn vị gia công. Trong khi đó các thương hiệu khách trong ngành sẽ phải mất từ 9 – 12 tháng để R&D (nghiên cứu và phát triển sản phẩm), xây dựng chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng.

Vì không am hiểu về lĩnh vực này nên Shark Hùng Anh, Shark Bình và Shark Tuệ Lâm lần lượt từ chối đầu tư. Dữ kiện từ thị trường chưa rõ nét và công ty còn mới nên Shark Minh Beta cũng từ chối đầu tư.

Startup Việt làm snack, đồ ăn vặt từ dế quảng bá đủ đạm cho cả bữa ăn, tham vọng doanh số đạt 700.000 USD năm 2024 gọi vốn thành công tại SharkTank - Ảnh 2

Chỉ có Shark Erik có hứng thú với mô hình kinh doanh này. Ông đặt câu hỏi tìm hiểu về cơ cấu cổ đông của Rec Rec và được biết rằng CricketOne và một nhà bán lẻ trên sàn thương mại điện tử đang nắm giữ cổ phần của startup với tỷ lệ 50% - 50%. Bicky Nguyễn hiện đang nắm 50% cổ phần của CricketOne nên nói một cách khác, chị đang gián tiếp nắm giữ 25% cổ phần của Rec Rec. Và Shark sẽ đầu tư trực tiếp vào Rec Rec chứ không phải CricketOne hay nhà bán lẻ thương mại điện tử kia.

"Sản phẩm với nguyên liệu sản xuất từ CricketOne thì không lý do gì Rec Rec không bán được ở châu Âu, Mỹ, Nhật hay Hàn Quốc”, Bicky Nguyễn tự tin.

Cuối cùng, Shark Erik đề nghị khoản vay chuyển đổi trị giá 100.000 USD với định giá doanh nghiệp tối đa là 1 triệu USD. Bicky Nguyễn đồng ý chốt deal.

Tin Cùng Chuyên Mục