Sữa Quốc tế (IDP) nợ bảo hiểm, 'ế' cổ phiếu ESOP dù giá bán 'rẻ'

Trung Hiếu

Theo phương án phát hành, ban đầu, IDP dự kiến phát hành 1,179 triệu cổ phiếu, nhưng tổng số cổ phiếu được Công ty phân phối được là 454.000 cổ phiếu.

Sữa Quốc tế (IDP) nợ bảo hiểm, “ế” cổ phiếu ESOP dù bán rẻ như cho
Sữa Quốc tế (IDP) nợ bảo hiểm, “ế” cổ phiếu ESOP dù bán rẻ như cho

Hơn 61% cổ phiếu ESOP bị "ế"

Ngày 14/3/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) công bố nhận được đầy đủ Tài liệu báo cáo kết quả phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong công ty của Công ty cổ phần Sữa Quốc tế (Mã CK: IDP). Theo Báo cáo kết quả phát hành, tổng số cổ phiếu được Công ty phân phối là 454.000 cổ phiếu.

Theo phương án phát hành, ban đầu, IDP dự kiến phát hành 1,179 triệu cổ phiếu, tương ứng 1,9% tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Như vậy, số cổ phiếu ESOP còn lại chưa phân phối là 725.528 cổ phiếu. Đối với số cổ phiếu này, IDP quyết định không phân phối tiếp.

Giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn đáng kể so với thị giá 253.000 đồng/cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là 4,54 tỷ đồng. Số cổ phiếu ESOP này bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.

Mục đích của đợt phát hành này nhằm ghi nhận và thưởng cho sự đóng góp của các nhân viên đối với sự phát triển của công ty, đồng thời khuyến khích nhân viên chủ chốt gắn bó với công ty, cùng nỗ lực và phấn đấu để đạt mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, tăng vốn điều lệ để bổ sung vốn chủ sở hữu phục vụ nhu cầu kinh doanh.

Tháng 2 mới đây, IDP cũng đã thanh toán cổ tức bằng tiền mặt đợt 1/2023 cho cổ đông với tỷ lệ thực hiện là 85%, tương ứng cổ đông sở hữu mỗi 1 cổ phiếu được nhận 8.500 đồng. Với hơn 61 triệu cổ phiếu đang lưu hành, IDP cần chi hơn 521 tỷ đồng để thanh toán.

IDP được biết đến với mức chi trả cổ tức hàng năm tương đối cao. Năm 2022, doanh nghiệp sữa này chi trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 60%, tương đương 6.000 đồng/cp. Trước đó trong năm 2021, tổng mức cổ tức của IDP lên tới 90% và cũng bằng tiền mặt.

Bị ‘nhắc’ nợ bảo hiểm đầu năm 2024

Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.Hà Nội mới đây đã công khai danh sách đơn vị sử dụng lao động chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN từ 1 tháng trở lên trên địa bàn TP tháng 1/2024 (số liệu tính đến hết 31/1/2024 theo C12-TS lấy ngày 5/2/2024).

Theo danh sách này, trên địa bàn TP có 56.247 doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm với số tiền chậm đóng từ hơn 1 triệu đồng đến hơn 56,7 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế (MCK: IDP, địa chỉ: xã Trường Yên, Chương Mỹ, Hà Nội) cũng “có tên” trong danh sách chậm đóng bảo hiểm tháng 1/2024 của BHXH TP.Hà Nội.

Cụ thể, Sữa Quốc tế chậm đóng 1 tháng với số tiền chậm đóng là gần 3,9 tỷ đồng.Hiện tại, Sữa Quốc Tế đang sở hữu 3 nhà máy chế biến sữa tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội), Ba Vì (Hà Nội) và Khu công nghiệp Tây Bắc, Củ Chi, TP.HCM. Ngoài ra, Công ty đang tiến hành xây dựng một nhà máy chế biến sữa tại Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng, xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.

Theo báo cáo quản trị năm 2023, tính đến thời điểm cuối năm, ông Tô Hải (sinh năm 1973)- Chủ tịch HĐQT và vợ là bà Trương Nguyễn Thiên Kim- thành viên HĐQT đều không nắm giữ cổ phiếu IDP nào. Tuy nhiên, Công ty CP Chứng khoán Vietcap- doanh nghiệp do ông Hải làm Chủ tịch HĐQT, lại sở hữu hơn 8,8 triệu cổ phiếu IDP, tương ứng 14,41% vốn tại Sữa Quốc tế.

Trên thương trường, bà Trương Nguyễn Thiên Kim cũng được biết đến là nữ doanh nhân nghìn tỷ đứng sau chuỗi Katinat Saigon Kafe và từng được xem như “cánh tay phải” của ông Nguyễn Cao Trí tại Capella Holdings.

Quay trở lại với IDP, đầu tháng 2/2024, doanh nghiệp đã thông qua Nghị quyết HĐQT về việc miễn nhiệm chức danh Tổng Giám đốc đối với bà Đặng Phạm Minh Loan, đồng thời bổ nhiệm ông Bùi Hoàng Sang giữ vị trí này nhiệm kỳ 3 năm.

Ông Sang cũng trở thành Người đại diện theo pháp luật của công ty cùng với ông Tô Hải- Chủ tịch HĐQT.

Trong một diễn biến khác, hồi tháng 10/2023, Sữa Quốc tế đã thông qua nghị quyết HĐQT về việc góp 100% vốn thành lập công ty con là Công ty TNHH Sữa Quốc Tế - Hưng Yên (IDP Hưng Yên) với vốn điều lệ 600 tỷ đồng.

IDP Hưng Yên sẽ hoạt động trong lĩnh vực chính là chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa. Trụ sở của Công ty đặt tại đường N2A, khu công nghiệp Yên Mỹ II mở rộng, xã Trung Hưng, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.

HĐQT Sữa Quốc Tế bổ nhiệm ông Tô Hải giữ chức vụ Chủ tịch Công ty IDP Hưng Yên, đồng thời cũng là người đại diện sở hữu 70% phần vốn góp của IDP tại công ty con này.

Hai người đại diện pháp luật cho doanh nghiệp là bà Đặng Phạm Minh Loan được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc và bà Chu Hải Yến được bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc IDP Hưng Yên.

Trong đó bà Loan là người đại diện 30% phần vốn góp còn lại của IDP.Về kết quả kinh doanh, năm 2023, IDP ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.655 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 924 tỷ đồng, lần lượt tăng 9% và 14% so với năm 2022.

Tin Cùng Chuyên Mục