Tập đoàn Hoa Sen "buông" siêu dự án thép Cà Ná 10 tỷ USD

Toàn bộ vốn góp của tập đoàn đã được chuyển nhượng, đồng thời 6 công ty thành lập để phát triển dự án khu liên hợp thép 10 tỷ USD cũng bị giải thể.

Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoa Sen (mã CK: HSG) vừa thông qua chủ trương chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp, cổ phần tại Công ty Cảng tổng hợp quốc tế Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận và Công ty Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận.

Cả hai doanh nghiệp đều do Hoa Sen sở hữu 100% vốn, và lần lượt là chủ đầu tư dự án cảng biển và khu công nghiệp Cà Ná. Đồng thời, công ty cũng giải thể 4 công ty con được lập để triển khai dự án này.

Hội đồng quản trị thống nhất giá trị chuyển nhượng không được thấp hơn chi phí thực tế mà tập đoàn đã góp vốn. Chủ tịch và Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen sẽ làm việc với các đối tác có năng lực tài chính và quan tâm đến Dự án Cà Ná để xúc tiến việc chuyển nhượng. Trước mắt, Hoa Sen tập trung vào các đối tác lớn, có năng lực tài chính đang triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Phối cảnh siêu dự án thép Hoa Sen - Cà Ná dự kiến triển khai ở tỉnh Ninh Thuận.
Phối cảnh siêu dự án thép Hoa Sen - Cà Ná dự kiến triển khai ở tỉnh Ninh Thuận.

Lý giải về quyết định trên, Hoa Sen cho biết trong bối cảnh hiện nay, sự chuyển biến của tình hình khách quan đã không còn phù hợp với mục tiêu chiến lược ban đầu khi tập đoàn xúc tiến đầu tư dự án.

Ở góc độ nội tại, Hoa Sen đã có sự điều chỉnh đối với chiến lược phát triển trung, dài hạn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư dự án. Cụ thể, công ty ưu tiên tập trung nguồn lực vào mảng sở trường là tôn – thép – nhựa, kéo giảm dư nợ vay về mức 3.000-4.000 tỷ đồng trong vài năm tới, ...

Cách đây 4 năm, cổ đông Hoa Sen đã thông qua chủ trương đầu tư tổ hợp dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận, công suất 6 triệu tấn/năm. Tổng vốn đầu tư dự án ước tính 10,6 tỷ USD, trong đó riêng phân kì đầu tiên cần số vốn khoảng 500 triệu USD.

Dự án được Bộ Công thương đưa vào dự thảo quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035. Tuy nhiên, sau sự cố nhà máy thép Formosa, Thủ tướng đã yêu cầu tỉnh Ninh Thuận và các cơ quan tạm dừng đề xuất dự án này để làm rõ một số vấn đề về an toàn môi trường.

Tại đại hội cổ đông thường niên hồi tháng 1, dự án thép Cà Ná vẫn được Chủ tịch Hoa Sen Lê Phước Vũ nhắc tới như một mũi nhọn đột phá cho tập đoàn. Ông Vũ còn quả quyết: “Nếu không mở được Cà Ná, chúng ta phải quay lại ngành tôn, không có con đường khác“. 

Tin Cùng Chuyên Mục