Tập đoàn KIDO sắp mua lại thương hiệu bánh bao Thọ Phát

Túc Mạch

Thông qua hoạt động đầu tư và M&A này, KDC đặt kế hoạch doanh thu cho Thọ Phát cùng với mảng bánh của Tập đoàn, dự kiến sẽ đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận kế hoạch là 200 tỷ đồng năm 2023.

Tập đoàn KIDO (KDC) vừa công bố thông tin sẽ đầu tư để nắm quyền chi phối tại công ty sở hữu Thương hiệu Thọ Phát.

Tập đoàn KIDO sắp mua lại thương hiệu bánh bao Thọ Phát - Ảnh 1

Cụ thể, KDC sẽ đầu tư vào DN sở hữu thương hiệu Thọ Phát thông qua 2 giai đoạn, gồm:

+ Giai đoạn 1: Mua 25% cổ phần;

+ Giai đoạn 2: Mua đến 51% và tối đa lên đến 70% để chi phối và sở hữu thương hiệu Bánh bao Thọ Phát.

Theo KDC, nằm trong chiến lược phát triển mở rộng, hướng đến trở thành đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực thực phẩm thiết yếu tại Việt Nam và vươn ra các nước trên thế giới, Tập đoàn doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Thọ Phát sau thời gian dài đàm phán đã chính thức đi đến thỏa thuận chiến lược.

Ông Trần Lệ Nguyên – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc KDC cho biết: “ Việc đầu tư để nắm quyền chi phối doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Thọ Phát là một trong những chiến lược quan trọng của KDC trong việc tiếp tục mở rộng danh mục thực phẩm. Qua thời gian thảo luận, chúng tôi đã đi đến cam kết chung là KDCsẽ đầu tư và mua 25% cổ phần từ Công ty sở hữu thương hiệu Thọ Phát trong giai đoạn 1. Kế tiếp, trong giai đoạn 2, chúng tôi sẽ tăng tỷ lệ đầu tư lên từ 51% đến 70%”.

Thông qua hoạt động đầu tư và M&A này, KDC đặt kế hoạch doanh thu cho Thọ Phát cùng với mảng bánh của Tập đoàn, dự kiến sẽ đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận kế hoạch là 200 tỷ đồng năm 2023, đây là khoản đóng góp quan trọng vào tổng doanh thu và lợi nhuận theo kế hoạch của Tập đoàn trong năm nay.

Được biết, Thọ Phát là một thương hiệu hàng đầu về sản xuất bánh bao tại Việt Nam. Thọ Phát hiện tại có hơn 4.000 điểm bán hàng trên các kênh GT, MT & CVS tại Việt Nam với các dòng sản phẩm: Bánh bao (Bánh bao ngọt, bánh bao mặn, bánh bao chay, bánh bao không nhân, bánh bao tạo hình…); Bánh giò – Xôi; Bánh nướng – Bánh chiên (Bánh Dorayaki ); Dimsum (Há cảo, Hoành thánh, Xíu mại)…

Thọ Phát hiện sở hữu diện tích hơn 22.000m2, nhà máy sản xuất Thọ Phát tại Tp.HCM với công suất 10.000 tấn sản phẩm cung cấp ra thị trường mỗi năm.

Còn KDC là Tập đoàn kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm, hiện đang dẫn đầu thị trường ở ngành kem lạnh với thị phần nắm giữ chiếm 44,5% ( Theo số liệu mới nhất từ Euromonitor) , trong đó thương hiệu Merino chiếm 24,2% và thương hiệu Celano chiếm 19,2%. Với thị phần 74,9%, KIDO đang dẫn đầu ngành bơ thực vật tại Việt Nam, đồng thời xếp vị trí thứ 2 ở ngành dầu ăn với khoảng 30% thị phần (theo tỷ lệ sở hữu và chi phối) .

Năm 2021, Tập đoàn chính thức quay lại ngành hàng bánh, KIDO’s Bakery là thương hiệu được tập đoàn đầu tư và đẩy mạnh kinh doanh và hướng đến vị trí số 2 trong ngành hàng bánh tại Việt Nam trong vòng 3 đến 5 năm tới.

Hiện, KDC có hệ thống kênh phân phối với 450.000 điểm bán ngành hàng khô, 120.000 điểm bán ngành hàng lạnh trên toàn quốc….

Kết quả kinh doanh, báo cáo tài chính quý IV/2022 của KIDO ghi nhận với doanh thu thuần đạt 2.950,8 tỷ đồng giảm 3% so với cùng kỳ.

Giá vốn hàng bán tăng 9% lên 2.664 tỷ đồng khiến biên lãi gộp co lại, từ 20% xuống 10%.

Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính của Kido tăng vọt lên 177 tỷ đồng, gấp gần 89 lần quý IV/2021 nhờ chuyển nhượng khoản đầu tư. Bên cạnh đó, chi phí tài chính cũng tăng 119% lên 125 tỷ đồng, phần lớn là chi phí lãi vay tăng.

Trừ đi các chi phí, lợi nhuận sau thuế quý IV/2022 của công ty đạt gần 5 tỷ đồng, giảm 97% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận quý thấp nhất của Kido trong vòng 5 năm trở lại đây.

Tập đoàn KIDO sắp mua lại thương hiệu bánh bao Thọ Phát - Ảnh 2

Lũy kế cả năm 2022, Kido ghi nhận gần 12.520 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 19%. Lợi nhuận trước thuế đạt 510 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế là 374 tỷ đồng - giảm 43% so với năm trước. 

Năm 2022, công ty đặt mục tiêu 14.000 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế là 900 tỷ đồng. Với kết quả trên, Kido mới hoàn thành 57% kế hoạch lợi nhuận, 89% chỉ tiêu doanh thu.

Tại ngày 31/12/2021, tổng tài sản của KDC đạt 14.035 tỷ đồng cuối quý IV/2022, không biến động nhiều so với đầu năm. Khoản tiền, tương đương tiền, đầu tư nắm giữ tới ngày đáo hạn khoảng 1.628 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn là tiền gửi ngân hàng, công ty chỉ đầu tư trái phiếu khoản hơn 496 tỷ đồng.

Hàng tồn kho của công ty giảm 11% so với đầu năm xuống 2.214 tỷ đồng, chủ yếu là nguyên vật liệu và hàng hoá.

Tổng nợ vay của KDC cuối quý IV/2022 là 4.920 tỷ đồng, phần lớn là các khoản vay tín chấp ngắn hạn tại các ngân hàng thương mại nhằm mục đích tài trợ vốn lưu động. Dư nợ trái phiếu là 992 tỷ đồng, trong đó đến hạn phải trả xấp xỉ 248 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu tại cuối quý IV/2022 của Kido là 7.051 tỷ đồng, bao gồm 1.607 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. 

Tin Cùng Chuyên Mục