Tập đoàn Sao Mai (ASM) dự kiến không chia cổ tức năm 2022, kế hoạch lãi sau thuế 2023 giảm 43%

Túc Mạch

ĐHĐCĐ thường niên 2023 sắp tới dự kiến tổ chức ngày 15/04 với hàng loạt tờ trình quan trọng về kế hoạch kinh doanh và thay đổi nhân sự cấp cao.

CTCP Tập đoàn Sao Mai (mã CK: ASM) vừa trình HĐQT tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 với kế hoạch doanh thu thuần đạt 15,250 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2022. Tuy nhiên, lãi sau thuế dự kiến giảm 43%, còn 545 tỷ đồng. Đồng thời, Công ty cũng dự kiến không trả cổ tức năm 2022.

Một nội dung khác đáng chú ý, ASM công bố tờ trình hủy phương án phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn điều lệ, đã được ĐHĐCĐ thường niên 2022 thông qua ngày 09/04/2022. Lý do Công ty đã tìm được nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng để bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo kế hoạch ban đầu, ASM dự định phát hành hơn 168 triệu cp cho cổ đông hiện hữu bằng phương thức thực hiện quyền mua. Tỷ lệ thực hiện quyền là 2:1; với giá phát hành dự kiến là 12,000 đồng/cp. Nếu phát hành thành công, doanh nghiệp có thể thu về hơn 2,019 tỷ đồng; qua đó nâng vốn điều lệ lên gần 5,048 tỷ đồng. Thời gian dự kiến trong năm 2022.

Nhằm đáp ứng kịp thời nguồn vốn cho việc đầu tư các dự án mà Công ty sắp triển khai cũng như đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh, ASM dự trình cổ đông thông qua việc vay vốn các tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, ASM còn trình cổ đông thông qua miễn nhiệm chức Chủ tịch HĐQT của bà Lê Thị Nguyệt Thu; Thành viên HĐQT của ông Lê Thanh Thuấn, cùng nộp đơn từ nhiệm ngày 24/03/2023. Ngoài ra, miễn nhiệm Thành viên HĐQT đối với ông Nguyễn Văn Phụng, từ nhiệm từ ngày 21/06/2022.

Ở chiều ngược lại, HĐQT trình cổ đông thông qua bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019-2024 là ông Lê Văn Thành giữ chức Chủ tịch HĐQT.

ĐHĐCĐ thường niên 2023 sắp tới dự kiến tổ chức ngày 15/04 tại số 9 đường Lương Văn Cù, Phường Mỹ Long, TP Long Xuyên, Tỉnh An Giang.

Về kết quả kinh doanh, riêng quý 4/2022, ASM ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.184 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn hàng bán cũng tăng cao nên lãi gộp đạt 333 tỷ đồng giảm nhẹ so với quý 4 năm ngoái, theo đó biên lãi gộp giảm từ 12,5% xuống còn 10,5%.

Trong kỳ doanh thu tài chính giảm 12,5% xuống còn 56 tỷ đồng, chi phí tài chính tăng mạnh từ 97 tỷ đồng lên hơn 181 tỷ đồng chủ yếu do tăng mạnh chi phí lãi vay. Chi phí bán hàng tăng nhẹ trong khi chi phí QLDN tăng cao từ 45,7 tỷ đồng lên gần 83 tỷ đồng. 

Kết quả Sao Mai lãi sau thuế gần 66 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ, trong đó LNST thuộc về công ty mẹ là gần 44 tỷ đồng. Đây là mức lãi ròng theo quý thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại của doanh nghiệp.

Tập đoàn Sao Mai (ASM) dự kiến không chia cổ tức năm 2022, kế hoạch lãi sau thuế 2023 giảm 43% - Ảnh 1

Lũy kế năm 2022, doanh thu thuần đạt 13.749 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước. Cơ cấu doanh thu cho thấy sự tăng trưởng ở các mảng chủ lực như: thức ăn cá 5.521 tỷ đồng, tăng 21%, chiếm 40% tổng doanh thu; cá xuất khẩu 3.696 tỷ đồng, tăng 58%, chiếm 27%, thương mại 3.370 tỷ đồng, tăng 7%, chiếm 24%; sự chững lại của mảng điện mặt trời 609 tỷ đồng, tăng 2,5% và sự suy giảm của mảng bất động sản 368 tỷ đồng, giảm 42%.

Lợi nhuận gộp đạt 1.930 tỷ đồng, tăng 48%. Biên lợi nhuận gộp đạt 14,03%, tăng đáng kể so với năm trước là 11,39%.

Hoạt động tài chính trong năm mang về 285 tỷ đồng doanh thu, tăng 42%. Bên cạnh đó, công ty có 32 tỷ đồng lợi nhuận khác.

Vì thế, dù các loại chi phí cũng đều tăng: chi phí tài chính tăng 21%, đạt 559 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng 56%, đạt 371 tỷ đồng, chi phí quản lý tăng 29%, đạt 247 tỷ đồng, song kết năm 2022, ASM vẫn có lợi nhuận trước thuế 1.071 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 963 tỷ đồng, đều tăng 36% so với năm trước.

Về tài sản, tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của ASM đạt 19.111 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Cơ cấu tài sản nổi bật ở việc tiền và tương đương tiền đạt giá trị lớn, 817 tỷ đồng, tăng 39% so với đầu năm. Trong khi đó, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 39%, xuống còn 981 tỷ đồng.

Các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho không có biến động lớn, lần lượt là 4.165 tỷ đồng, chiếm 21,8% tổng tài sản và 3.190 tỷ đồng, chiếm 16,7% tổng tài sản.

Đáng kể khác là khoản chi phí xây dựng cơ bản dở dang, đã tăng 36%, đạt 1.204 tỷ đồng; trong đó lớn nhất là: khu đô thị Bình Long 401 tỷ đồng, khu dân cư Lam Sơn Sao Vàng 132 tỷ đồng, mua đất Mỹ Thới 160 tỷ đồng…

Về nguồn vốn, nợ phải trả tại ngày kết thúc năm 2022 là 11.270 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Nợ vay đạt 9.816 tỷ đồng, tăng 24% và chiếm 87% nợ phải trả. Điều này có nghĩa hơn 51% tổng tài sản của ASM được hình thành từ nợ vay.

Vốn chủ sở hữu của ASM đạt 7.804 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm. Như vậy, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 1,44 lần.

Dòng tiền kinh doanh năm 2022 của ASM âm 263 tỷ đồng do chủ yếu tăng các khoản phải thu 475 tỷ đồng, tăng hàng tồn kho chiếm 333 tỷ đồng, giảm các khoản phải trả là 715 tỷ đồng và chi trả lãi vay là 455 tỷ đồng.

Trong bối cảnh đó, ASM vẫn tăng cường mua sắm tài sản, chi cho vay, mua công nợ của đơn vị khác, dẫn đến dòng tiền đầu tư âm 559 tỷ đồng.

Vì vậy, không có gì khó hiểu khi quy mô dòng tiền vay/trả tiếp tục tăng lên so với năm trước, đạt 13.713 tỷ đồng/11.984 tỷ đồng, lần lượt tăng 6% và giảm 10%.

Kết quả, lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 963,3 tỷ đồng tăng gần 37% so với năm 2021 trong đó lợi nhuận sau thuế công ty mẹ là 631 tỷ đồng.

Trong năm, Tập đoàn Sao Mai lên kế hoạch năm 2022 đạt doanh thu 14.700 tỷ đồng, tăng 28% và lợi nhuận sau thuế 1.630 tỷ đồng, gấp 2,2 lần thực hiện 2021. Tỷ lệ cổ tức dự kiến 20-30%. 

Như vậy mặc dù kết quả kinh doanh năm 2022 tăng trưởng mạnh nhưng so với kế hoạch thì ASM mới chỉ hoàn thành được 93,5% kế hoạch về doanh thu và 59% kế hoạch lợi nhuận.

Kết phiên 28/03, giá cổ phiếu ASM ở mức 8.350 đồng/cp, giảm 64% so với đỉnh lịch sử 22.990 đồng/cp (ngày 01/04/2022).

Tin Cùng Chuyên Mục