Thế Giới Di Động (MWG) đóng thêm hàng loạt cửa hàng

Trung Hiếu

Sau Bách Hóa Xanh và chuỗi AVA, Điện Máy Xanh/Thế Giới Di Động bước vào giai đoạn tái cấu trúc của MWG với 200 cửa hàng bị cân nhắc đóng trong quý IV.

Thế Giới Di Động đóng thêm hàng loạt cửa hàng
Thế Giới Di Động đóng thêm hàng loạt cửa hàng

Có thể đóng thêm 200 cửa hàng trong quý IV

CTCP Đầu tư Thế giới Di động (Mã CK: MWG) đã công bố kết quả kinh doanh tháng 10 với doanh thu là 11.190 tỷ đồng và có tháng đầu tiên đạt mức tăng trưởng dương trong năm; lũy kế 10 tháng đạt 70.200 tỷ - giảm 21% so với cùng kỳ.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh tháng 10, Đầu tư Thế Giới Di Động (mã: MWG) cho biết sẽ cân nhắc đóng khoảng 200 cửa hàng trong quý IV. Đây là những cửa hàng không hiệu quả về doanh thu và lợi nhuận. Ban lãnh đạo sẽ theo dõi sát sao kết quả để có sự điều chỉnh cho phù hợp tại từng thời điểm.

Tính đến cuối tháng 10, MWG có 5.751 cửa hàng, giảm 27 so với đầu năm. Trong đó, doanh nghiệp giảm 32 cửa hàng Thế Giới Di Động, 3 cửa hàng Điện Máy Xanh, 22 cửa hàng Bách Hóa Xanh và 12 cửa hàng AVASport. Ngược lại, MWG tăng 40 nhà thuốc An Khang lên 540 và tăng 2 cửa hàng AVAKids.

Theo đó, những cửa hàng bị đóng là cửa hàng Thế Giới Di Động (TGDĐ) và Điện Máy Xanh (ĐMX) kém hiệu quả, EBITDA về chạm mức hòa vốn. Đại diện công ty khẳng định việc đóng cửa hàng không khiến doanh thu mất đi mà dịch chuyển sang cửa hàng khác của MWG gần đó. Nhà bán lẻ sẽ cố gắng xử lý dứt điểm những điểm chưa tối ưu trong năm nay.

Chuỗi TGDĐ/ĐMX vốn là “gà đẻ trứng vàng” trụ cột đem lại doanh thu lợi nhuận chính cho MWG. Trong nhiều năm qua, đại gia bán lẻ vẫn luôn theo đuổi chiến lược liên tục mở rộng cửa hàng, mở ồ ạt nhằm chiếm lĩnh thị phần. Song, từ năm ngoái, MWG đã nhìn lại chiến lược mở rộng của mình và bắt đầu với việc tái cấu trúc chuỗi Bách Hóa Xanh. Chỉ trong vòng vài tháng, hơn 400 cửa hàng Bách Hóa Xanh đóng cửa. Đồng thời, MWG chú ý đến chất lượng sản phẩm, trải nghiệm khách hàng, tối ưu hóa chi phí vận hành và logistics.

Với những thay đổi đó, doanh thu trên mỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh dần cải thiện, tính đến tháng 10 vượt 1,7 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 1,1 tỷ thời điểm tháng 5/2022. Doanh thu lũy kế chuỗi 10 tháng năm nay đạt 25.300 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ; riêng tháng 10 tăng 29% lên 3.000 tỷ đồng.

Sau tái cấu trúc Bách Hóa Xanh, MWG cũng đã đóng loạt chuỗi mới mở trong năm 2022 như AVASport, AVAFashion, AVACycle, AVAJi. Trong quý I/2023, MWG tuyên bố đóng toàn bộ chuỗi Bluetronics tại Campuchia do thị trường nhỏ và chính sách thuế khóa phức tạp. Nhà bán lẻ phát triển hoạt động tại Campuchia từ 2017 và từng kỳ vọng là bước đệm cho tham vọng mở rộng ra Đông Nam Á.

Trong các chuỗi mà MWG đã xây dựng, chỉ duy nhất TGDĐ/ĐMX mang lại lợi nhuận. Chuỗi Bách Hóa Xanh lỗ lũy kế tính đến tháng 9/2023 là 8.300 tỷ đồng, riêng 9 tháng năm nay lỗ thêm 905 tỷ. Chuỗi Bluetronics lỗ 701 tỷ, An Khang lỗ 553 tỷ đồng.

Những mục tiêu mà tập đoàn hướng đến hiện nay là vận hành tinh gọn, đảm bảo khả năng tài chính lành mạnh và sẵn sàng nắm bắt cơ hội khi nhận thấy những tín hiệu khả quan.

Tính đến 30/9, doanh nghiệp có 68.374 nhân viên, giảm 5.634 người so với đầu năm, tiết kiệm được 535 tỷ đồng chi phí nhân viên.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng tăng mạnh khoản tiền và tiền gửi lên 23.200 tỷ đồng, tăng 55% so với đầu năm. Giảm lượng hàng tồn kho từ 25.696 tỷ đồng xuống 22.853 tỷ đồng. Tuy nhiên, MWG đang có khoản nợ vay gần 23.000 tỷ đồng, gồm 17.000 tỷ vay ngắn hạn và 5.900 tỷ vay dài hạn.

Lợi nhuận giảm gần 100%

Công ty CP Đầu tư và Thế giới Di động (mã chứng khoán: MWG) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2023 ghi nhận doanh thu quý III đạt 30,52 tỉ đồng, giảm 5,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế 38,8 tỉ đồng, giảm 96%.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, MWG cho biết doanh thu ở mức 87,58 tỉ đồng, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến ngày 30/9, danh mục tiền và các khoản tương đương tiền của MWG có giá trị khoảng 2.351 tỉ đồng. Trong đó, tiền mặt là 805 tỉ đồng, tiền gửi ngân hàng là 1.163 tỉ đồng và tiền đang chuyển khoản 382 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, trị giá các khoản đầu tư ngắn hạn của MWG gần 21.000 tỉ đồng (tương đương gần 1 tỉ USD). Trong mục này, tiền gửi có kỳ hạn chiếm tỉ trọng 96,8% (tương đương 20.251 tỉ đồng), các khoản đầu tư khác chiếm 3,1% (tương đương 650 tỉ đồng).

Nhờ khoản đầu tư trên, MWG ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính 1.563 tỉ đồng, đến từ lãi tiền gửi, lãi chênh lệch tỉ giá, chiết khấu thanh toán, lãi trái phiếu,… Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2023 của MWG chỉ đạt 77,5 tỉ đồng, giảm 98% so với cùng kỳ.

Giải trình lý do lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý III/2023 giảm 96% và lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm giảm 98% so với cùng kỳ, MWG cho biết nguyên nhân là do sức mua điện thoại và điện máy còn yếu và chưa có dấu hiệu phục hồi đáng kể. Khách hàng vẫn còn dè dặt, cẩn trọng hơn trong quyết định chi tiêu.

Bên cạnh đó, xu hướng tiêu dùng tiết kiệm vẫn đang diễn ra đối với các mặt hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh và dược phẩm.

Tin Cùng Chuyên Mục