Thợ may Việt Nam tranh tài tại cuộc thi may trang phục Kimono

Hà Chi

Các thợ may lành nghề tại TP.HCM vừa cùng nhau thi tài Kimono - trang phục truyền thống của Nhật Bản.

Cuối tuần qua, các thợ may lành nghề tại TP.HCM cùng nhau thi tài may Kimono. Đây là nội dung nằm trong khuôn khổ cuộc thi "Wasai NTC Cup" lần 2 do công ty Nihonwasou tổ chức. 

Được biết, cuộc thi năm nay đã quy tụ hơn 30 chị em là những người thợ may lành nghề đến tham gia.

Theo chia sẻ của TGĐ công ty Nihonwaso - đơn vị tổ chức thì may Kimono là một việc làm đòi hỏi rất nhiều kỹ năng, sự kiên nhẫn và nghệ thuật. Theo như truyền thống tất cả các loại áo Kimono đều được may bằng tay. Những thợ may Kimono là những nghệ nhân khéo léo. 

Được biết, để hoàn thành 1 trang phục kimono, đòi hỏi người thợ phải có nhiều kĩ năng và thuần thục trong thao tác, điều này đòi hỏi rất nhiều thời gian. 

Thợ may Việt Nam tranh tài tại cuộc thi may trang phục Kimono - Ảnh 1

Đông đảo thợ may lành nghề dự thi cuộc thi Kimono.

Áo Kimono truyền thống sẽ được may 100% bằng tay. Một thợ may Kimono có năng khiếu sẽ mất khoảng 1 tuần để học cách cầm kim, và mất khoảng 2 năm để học được cách may 1 loại áo Kimono hoàn chỉnh.

Áo Kimono phải may trong điều kiện có lắp điều hòa nhiệt độ khoảng 25 độ C. Vì nhiệt độ của Việt Nam nóng hơn Nhật, nếu vải để ở nhiệt độ thường sẽ bị co dãn làm sai số đo của áo khi ra thành phẩm.

Theo quan niệm của người Nhật, những thợ may Kimono là nghệ nhân và mỗi chiếc áo Kimono được may ra là tác phẩm nghệ thuật duy nhất.

Thợ may Việt Nam tranh tài tại cuộc thi may trang phục Kimono - Ảnh 2

 Các thợ may thuần thục làm nên những trang phục kimono thủ công.

Chính vì những yêu cầu khắc khe của thành phẩm áo Kimono, người thợ may cũng phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt. 

Thợ may Kimono không được đeo nhiều trang sức, vì đeo trang sức dễ làm xước vải khi may và khi rửa tay nước đọng trong trang sức nếu lau không kỹ sẽ dính lên áo khiến áo có vết “lỗi dơ”.

Ngoài ra thợ may Kimono còn không được trang điểm, làm móng tay, tóc phải buộc gọn để không có bất kỳ vết bẩn nào dính lên áo trong quá trình may.

Thợ may Việt Nam tranh tài tại cuộc thi may trang phục Kimono - Ảnh 3

TGĐ công ty Nihonwasou chia sẻ lý do chọn Việt Nam tổ chức cuộc thi. 

Tại Nhật có rất nhiều cuộc thi may Kimono và những giải thưởng nhằm tôn vinh những nghệ nhân may Kimono lưu giữ truyền thống. Tuy nhiên tại Việt Nam rất hiếm có những cuộc thi như vậy. Vì thế, sân chơi này được tổ chức dành cho tất cả những thợ may Kimono tại Việt Nam cùng nhau thi thố, tranh tài.

Nội dung thi là các kỹ thuật may Kimono như: đường may đẹp, độ chính xác, lên áo đẹp của các loại áo Kimono, và các kỹ thuật được chuyên gia Nhật Bản chuyển giao.

Từ khi bắt đầu hoạt động tại Việt Nam đến nay, Công ty TNHH MTV TM Nihonwasou (chuyên ngành may Kimono) bắt đầu hoạt động từ T10/2012 đến nay đã hỗ trợ một số người Việt Nam thành lập công ty may gia công Kimono. Công ty cung cấp nguồn hàng ổn định, hỗ trợ thiết bị và kỹ thuật.

Thông qua cuộc thi, nhà tổ chức hy vọng nghề may Kimono sẽ nhận được sự quan tâm và chú ý của nhiều người. Xa hơn, may Kimono có thể trở thành một nghề phát triển tại Việt Nam, thu hút nhiều lao động tham gia.——

Tin Cùng Chuyên Mục