Thời trang kỹ thuật số: Khi những chiếc giày ảo có giá đắt hơn cả giày thực

Như Quỳnh

Trong bài phỏng vấn với tạp chí Vogue Business hồi tháng 3, một đại diện từ Gucci tuyên bố: "việc các nhà mốt lớn tham gia vào xu hướng NFT chỉ là vấn đề thời gian".

Các vật phẩm NFT (Non-Fungible Token hay NFT Token) đang tạo nên một cơn sốt trong giới sưu tầm toàn cầu. Về cơ bản, NFT là một chứng chỉ xác thực kỹ thuật số không thể sao chép, được lưu trữ trên blockchain và dùng để đại diện cho quyền sở hữu các loại hàng hóa điện tử. Hồ sơ quyền sở hữu NFT luôn có sẵn, không thể sửa đổi và đảm bảo rằng chỉ có một người sở hữu một loại vật phẩm NFT nhất định tại một thời điểm.

Thời trang trong xu hướng kinh tế số 

The Fabricant, một hãng thời trang kỹ thuật số, đã bán chiếc váy ‘Iridescence’ này trên blockchain với giá 9.500 USD vào năm 2019. Ảnh: The Fabricant
The Fabricant, một hãng thời trang kỹ thuật số, đã bán chiếc váy ‘Iridescence’ này trên blockchain với giá 9.500 USD vào năm 2019. Ảnh: The Fabricant

Thế giới thời trang cũng không nằm ngoài cơn sốt NFT. Trong một ngành công nghiệp nơi hàng chính hãng và độc quyền luôn được đặt lên hàng đầu thì các vật phẩm NFT đáp ứng gần như mọi tiêu chí mà các tín đồ thời trang mong ước. 

Josh Ong, một nhà tư vấn truyền thông ở New York đã chi 500 USD để mua một đôi giày thể thao NFT màu bạc và anh không có ý định dừng lại ở đó. 

"Ví dụ khi tôi đang chơi Atari Zed Run (trò chơi đua ngựa ảo) hay Bored Ape (câu lạc bộ du thuyền ảo), tôi sẽ muốn hình đại diện của mình thu hút hơn với một số vật phẩm đi kèm", Ong giải thích lý do chọn mua đồ NFT.

Bloomberg ước tính nền kinh tế kỹ thuật số hiện đã có quy mô lên tới hơn 2,7 tỷ người và các ông lớn ngành thời trang chắc chắn không muốn đi sau xu hướng số hóa đang thịnh hành này. 

Mới đây, Gucci đã bán thành công phiên bản kỹ thuật số của chiếc túi Dionysus trên nền tảng Roblox với giá 4.115 USD - nhiều hơn cả giá một chiếc túi thực. Balenciaga thì giới thiệu bộ sưu tập mùa thu 2021 thông qua một trò chơi điện tử. Trước đó nữa vào năm 2019, Louis Vuitton ra mắt một bộ sưu tập lấy cảm hứng từ trò chơi 'Liên minh huyền thoại' nổi tiếng. 

Chiếc túi Gucci Dionysus. Ảnh: Christian Vierig 
Chiếc túi Gucci Dionysus. Ảnh: Christian Vierig 

"Kinh tế ảo là một trong những cơ hội lớn nhất trong thế hệ chúng ta. Nó đem đến cơ hội lớn cho các công ty trong bất kỳ lĩnh vực nào: thể thao, du lịch, giải trí và đặc biệt là tài chính. Chỉ vài năm nữa, sẽ có các sản phẩm tài chính mới được thiết kế riêng cho cuộc sống kỹ thuật số", John Egan, CEO L’Atelier BNP Paribas nói về tiềm năng ngành kinh tế số. 

Thế giới ảo, tiền thực

Dù là một thế giới "ảo", nhưng dòng tiền đổ vào các công ty kỹ thuật số lại rất thực. L'Atelier BNP Paribas dự kiến chi tiêu trong trò chơi vào các mặt hàng như quần áo kỹ thuật số hay nâng cấp nhân vật sẽ tăng từ mức 109 tỷ USD vào năm 2019 lên 129 tỷ USD trong năm nay. 

Việc mua các mặt hàng "ảo" không phải là một ý tưởng mới. Người chơi game đã bắt đầu xu hướng mua các tiện ích bổ sung như áo giáp nhân vật, nhãn dán từ giữa những năm 2000. Tuy nhiên nhờ NFT, thời trang ảo được đưa lên tầm cao mới. 

NFT giúp chuyển đổi hàng may mặc kỹ thuật số từ một hình thức tiếp thị phức tạp thành một vật phẩm có thể giao dịch. Bằng cách ghi lại quyền sở hữu trên blockchain, chúng đảm bảo quyền sở hữu, tính xác thực và tính khan hiếm cho các chủ nhân vật phẩm. 

"Các thương hiệu không chỉ đến gần hơn với các khách hàng hiện tại mà còn tiếp cận với một nhóm khách hàng mới - những nhà đầu tư vốn không phải là người hâm mộ của các tập đoàn xa xỉ nhưng lại quan tâm đến công nghệ blockchain",  Tiến sĩ Angel Zhong, giảng viên cao cấp tại Đại học RMIT Melbourne nói. 

Cơ hội kinh doanh mới

Trong bài phỏng vấn với tạp chí Vogue Business hồi tháng 3, một đại diện từ Gucci tuyên bố: "việc các nhà mốt lớn tham gia vào xu hướng NFT chỉ là vấn đề thời gian". Hãng thời trang xa xỉ nước Ý gần đây đã bán đấu giá thành công một đoạn video NFT dài 4 phút với giá 25.000 USD. 

Trong khi đó các thương hiệu nhỏ hơn thì đã tiến nhanh và xa hơn nhiều. Hãng RTFKT được coi là công ty tiên phong trong xu hướng thời trang NFT đã bán được 600 đôi giày thể thao kỹ thuật số với giá 3,1 triệu USD chỉ trong 7 phút mở bán hồi tháng 2/2021. 

RTFKT đã bán được 600 đôi giày kỹ thuật số trị giá 3,1 triệu USD chỉ trong 7 phút. Ảnh: RTFKT. 
RTFKT đã bán được 600 đôi giày kỹ thuật số trị giá 3,1 triệu USD chỉ trong 7 phút. Ảnh: RTFKT. 

RTFKT có cách tiếp cận khôn khéo khi tặng kèm người mua giày kỹ thuật số một đôi giày vật lý, khiến những người sưu tập không thể làm ngơ. Ngoài ra công ty cũng hợp tác cùng Snapchat, cho phép khách hàng "thử" giày ảo thông qua bộ lọc của ứng dụng. 

"Tôi tin vào một tương lai nơi kỹ thuật số sẽ trở thành một phần quan trọng trong xã hội. Ở đó bạn sẽ đi dạo phố và nhìn thấy mọi người mặc quần áo NFT trên người ", Chris Le, đồng sáng lập RTFKT nhận định. 

Đối với những người chơi khác, quần áo kỹ thuật số là một cơ hội kinh doanh mới. Neuno, một nền tảng trao đổi buôn bán vật phẩm NFT dành riêng cho thời trang được kỳ vọng sẽ vượt qua các đối thủ như Valuables (nơi CEO Twitter Jack Dorsey đã bán dòng tweet đầu tiên) bằng cách cho phép khách hàng thanh toán bằng tiền điện tử. 

DressX - một trang web chủ yếu bán quần áo kỹ thuật số hiện đã có 70 nhà thiết kế riêng; doanh số bán hàng cũng tăng gấp đôi mỗi tháng kể từ tháng 10/2020. 

"Mọi người ngày càng định giá hàng hóa ảo tương tự như cách họ đánh giá hàng hóa trong thế giới thực. NFT có thể hoạt động như một "cặp song sinh kỹ thuật số" của quần áo ngoài đời thực, giúp chứng minh tính xác thực và xuất xứ. Vì vậy nên nhiều thương hiệu như Louis Vuitton và Nike đang tích cực đầu tư vào công nghệ blockchain", ông John Egan nhận định.