Tiếp vụ nhiều tình tiết bất thường trong một vụ tranh chấp đất tại TP.Hồ Chí Minh: Những chi tiết bị bỏ ngỏ

Giang Nam

Không đồng ý với Bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh tuyên giữ nguyên Bản án sơ thẩm, các đồng nguyên đơn trong vụ “Tranh chấp QSDĐ và tài sản gắn liền với đất” tại căn nhà số 1183/9/6 Phạm Thế Hiển (phường 5, quận 8) đã đề nghị xem xét theo trình tự Giám đốc thẩm.

Như đã trình bày, ngày 19/3/2013, các nguyên đơn trong vụ án đã có đơn khởi kiện gửi TAND quận 8 đề nghị giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với lô đất của ông Thanh, bà Thêm. Trải qua lần hoà giải không thành vào ngày 7/6/2013 tại UBND phường 5 và việc bị đơn cùng một số đối tượng đập phá đồ đạc của nguyên đơn, bị Công an Phường 5 lập biên bản.

Thế nhưng, ngày 24/06/2013, trong khi tranh chấp chưa được giải quyết, vợ chồng ông Thanh, bà Thêm vẫn tiến hành bán nhà ở và chuyển nhượng QSDĐ cho ông Nguyễn Văn Lân và bà Dương Thị Mỹ Lan với giá trị 250 triệu đồng vào ngày 24/6/2013. Như vậy, có thể khẳng định bị đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan biết nhà và đất đang bị tranh chấp nhưng vẫn chuyển nhượng cho nhau.

So với những gì thu thập tại tòa thì có sự khác nhau về giá trị căn nhà đã bán. Theo bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là ông Lân, bà Mỹ thì căn nhà được bán với giá 700 triệu đồng (chứ không phải 250 triệu đồng như hợp đồng mua bán nhà ở và chuyển nhượng QSDĐ ở thửa số 88, tờ bản đồ số 25 tại căn nhà số 1183/9/6 Phạm Thế Hiển được lập tại Văn phòng Công chứng quận 8).

“Tại các biên bản hoà giải các bên thống nhất trị giá nhà đất hiện nay là giá mà bị đơn đã bán là 700 triệu đồng, nên yêu cầu của nguyên đơn không được chấp nhận và nguyên đơn phải nộp án phí đối với số tiền không được Toà án chấp nhận là 32 triệu đồng” (trích trong phần Quyết định của Bản án sơ thẩm).

Điều này không khớp với những thông tin phía nguyên đơn cung cấp. Theo các nguyên đơn, trong những lần hoà giải và trong các bản khai gửi Toà án nguyên đơn không hề thống nhất giá bán căn nhà là 700 triệu đồng. Đây chỉ là sự thống nhất của bị đơn với những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Cho nên, việc Toà áp giá 700 triệu đồng để tính án phí buộc nguyên đơn phải đóng 32 triệu đồng là rất vô lý, gây thiệt hại rất lớn cho nguyên đơn.

Bà Lê Em Bé (một trong các đồng nguyên đơn) cho biết: “Ông Thanh, bà Thêm ký hợp đồng bán nhà có công chứng với giá chỉ có 250 triệu đồng và chúng tôi không hề có lời khai nào đồng ý căn nhà này có giá 700 triệu đồng. Gia đình chúng tôi đang gặp khó khăn mà còn bị toà bắt đóng án phí một cách vô lý như vậy thì quá bất công.”

Tiếp vụ nhiều tình tiết bất thường trong một vụ tranh chấp đất tại TP.Hồ Chí Minh: Những chi tiết bị bỏ ngỏ - Ảnh 1
Các đồng nguyên đơn ký đơn kiện ông Nguyễn Văn Thanh và bà Lê Thị Thêm.

Thêm vào đó, quy trình về cấp GCN đối với căn nhà số 1183/9/6 Phạm Thế Hiển của ông Thanh, bà Thêm cũng không phù hợp với quy định pháp luật. Bởi theo hướng dẫn tại Khoản 6.6, Mục I Thông tư 09/2007/TT-BTNMT ngày 2/8/2007 của Bộ Tài nguyên và Môi Trường, thì ranh giới thửa đất trường hợp thửa đất xin cấp Giấy chứng nhận không có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai hoặc có một trong các loại giấy tờ đó nhưng không thể hiện rõ đường ranh giới chung của thửa đất với các thửa đất liền kề hoặc hiện trạng đường ranh giới của thửa đất đã thay đổi so với đường ranh giới thể hiện trên giấy tờ đó thì việc xác định ranh giới thửa đất thực hiện như sau:

“Đơn vị đo đạc lập bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính (gọi chung là đơn vị đo đạc) có trách nhiệm xem xét cụ thể về hiện trạng sử dụng đất, ý kiến của những người sử dụng đất liền kề để xác định và lập bản mô tả về ranh giới thửa đất; chuyển bản mô tả ranh giới thửa đất cho những người sử dụng đất có chung ranh giới thửa đất và người nhận bản mô tả có trách nhiệm ký xác nhận về việc đã nhận bản mô tả này;

Sau 10 ngày kể từ ngày nhận được bản mô tả, nếu người nhận bản mô tả không có đơn tranh chấp về ranh giới thửa đất thì ranh giới thửa đất được xác định theo bản mô tả đó”.

Trường hợp này, trong suốt quá trình kê khai cũng như đo đạc, xác minh để cấp GCN cho ông Thanh, bà Thêm thì những hộ dân sống xung quanh, liền kề nhà số 1183/9/6 Phạm Thế Hiển không hay biết, họ cũng không được yêu cầu ký giáp ranh hoặc xác minh trước khi cấp GCN theo đúng quy định pháp luật. Mãi cho đến khi, vợ chồng ông Thanh, bà Thêm bán nhà, các con cụ Lê Văn Khương mới biết việc ông Thanh, bà Thêm đã tự ý kê khai phần nhà đất ở nhờ của gia đình và xảy ra tranh chấp.

Bên cạnh đó, những ý kiến của luật sư bên nguyên đơn trình bày, phân tích các vi phạm pháp luật trong trong bản án Sơ thẩm đã không được Toà cấp phúc thẩm ghi nhận vào bản án. Việc này đã khiến bản án phúc thẩm bỏ ngỏ nhiều tình tiết khách quan, tiếp tục nối tiếp sai lầm của bản án sơ thẩm.

Do đó, ngày 14/7/2017, phía nguyên đơn đã tiếp tục có đơn khiếu nại lên TAND Tối cao đề nghị xem xét theo trình tự Giám đốc thẩm nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của nguyên đơn bị xâm hại cũng như đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.