Tìm cửa phục hồi cho doanh nghiệp, gỡ khó cho xuất khẩu 6 tháng cuối năm

Trung Hiếu

Theo đánh giá, việc đẩy mạnh chính sách hỗ trợ, xúc tiến thương mại và tháo gỡ khó khăn về thị trường và tiếp cận vốn sẽ giúp các doanh nghiệp phục hồi tốt hơn trong nửa cuối năm 2023.

Tìm cửa phục hồi cho doanh nghiệp, gỡ khó cho xuất khẩu 6 tháng cuối năm

Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn
Với nhiều doanh nghiệp ở nhiều ngành nghề, nửa đầu năm 2023 được đánh giá là rất nhiều khó khăn, vô cùng trầm lắng với hoạt động sản xuất và xuất khẩu suy giảm rất sâu. Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết thị trường hiện còn khó hơn so với lúc cao điểm dịch Covid-19 với đơn hàng nhỏ lẻ, manh mún, giá gia công thấp.

Ông Hiếu cho hay, chưa bao giờ có tiền lệ doanh nghiệp may quy mô vài ngàn lao động phải nhận đơn hàng với đơn vị 500-1.000 áo jacket, nhưng giờ phải làm, vì nếu không làm thì “khách không biết đến mình và doanh nghiệp sẽ không có đơn hàng”.

Cùng với đó, đơn giá gia công hàng may cũng giảm rất sâu, có những mã hàng giá gia công tại một số doanh nghiệp giảm đến 50% so với cùng kỳ năm 2022. Chẳng hạn, một sản phẩm trước đây có giá gia công là 1,7-1,8 đô la Mỹ thì nay giảm còn 85-90 xu Mỹ. “Dù đã dự báo trước tình hình này từ quý 4-2022, nhưng diễn biến thực tế còn khốc liệt gấp bội phần”, ông Hiếu cho biết.

Bên cạnh ngành dệt may, ngành sợi Việt Nam từng kỳ vọng vào động thái mở cửa trở lại của Chính phủ Trung Quốc. Nhưng sự kiện này cũng tạo áp lực rất lớn với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam do giá bán cho đối tác tại Trung Quốc cao hơn giá do các nhà cung ứng tại quốc gia này đưa ra.

Không chỉ dệt may và sợi, những khó khăn về thị trường, khi EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản đều giảm mua hàng từ Việt Nam, khiến 5 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 10 tỉ đô la đều ghi nhận mức giảm 8,2%-17,9% về giá trị xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2022.

Cụ thể, xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 24,3 tỉ đô la trong 6 tháng đầu năm 2023, giảm 17,9%; máy vi tính, điện tử và linh kiện đạt 25,2 tỉ đô la, giảm 9,3%; máy móc thiết bị phụ tùng khác đạt 19,73 tỉ đô la, giảm 8,2%; dệt may, giày dép lần lượt đạt 15,75 tỉ đô la và 10 tỉ đô la, giảm lần lượt 15,3% và 15,2%.

Với ngành bất động sản, số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho thấy ngành tiếp tục chịu áp lực và ảnh hưởng nặng nề nhất trong các ngành với số doanh nghiệp gia nhập thị trường và vốn đăng ký thành lập mới giảm lần lượt 59% và 54% so cùng kỳ năm ngoái. Xu hướng doanh nghiệp rút khỏi thị trường tiếp tục tăng với lượng doanh nghiệp rút lui trong nửa đầu năm 2023 cao hơn 40% so với cùng kỳ năm 2022, mức cao nhất trong 17 lĩnh vực, ngành nghề.

Hiệp hội môi giới bất động sản Việt Nam trong báo cáo đưa ra đầu tháng 6-2023 cũng đánh giá các doanh nghiệp địa ốc đồng loạt rơi vào trạng thái “như người sắp chết đuối”.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản thuộc Bộ Xây dựng, cho biết nhiều doanh nghiệp phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý. Trong đó, phần lớn doanh nghiệp phải tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động.

Thậm chí, nhiều doanh nghiệp dừng triển khai các dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn. Có doanh nghiệp giảm đến 50% lực lượng lao động để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại.Bên cạnh tác động từ chính sách hỗ trợ, các chuyên gia cho rằng bối cảnh thế giới biến động phức tạp cũng ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế Việt Nam.

Theo đại diện Tổng cục Thống kê, cho rằng kinh tế Trung Quốc phục hồi chậm và còn nhiều bất định đã tác động đến tình hình sản xuất trong nước. Lạm phát tăng cao tại một số thị trường nhập khẩu lớn cũng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng thắt chặt hơn, ảnh hưởng đến cơ hội xuất khẩu và khai thác thị trường của các doanh nghiệp trong nước.Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ thắt chặt tác động mạnh đến các doanh nghiệp, các hoạt động kinh tế, đầu tư, tiêu dùng toàn cầu.

Với nội tại nền kinh tế, vị này cho rằng xu hướng phục hồi sản xuất trong các ngành kinh tế, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là có, nhưng chưa thực sự bền vững. Sức bật của các ngành kinh tế công nghiệp chủ lực như dệt may, chế biến thực phẩm, sản xuất sản phẩm điện tử, chế biến gỗ, sản xuất ô tô, sản xuất kim loại còn khá yếu.

TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng của BIDV, cho rằng năm nay tình hình thế giới khó khăn, doanh nghiệp thiếu đơn hàng, tác động đến xuất – nhập khẩu. Nhưng một trong những lý do chính khiến tổng kim ngạch xuất – nhập khẩu của Việt Nam giảm sút là nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào FDI, xuất khẩu và một số đối tác, thị trường chính. Trong đó, có 6 nhóm thị trường chính chiếm hơn 70% thị phần xuất khẩu của nước ta.

Ngoài các thách thức trên, ông Lực cũng đề cập đến một số thách thức khác đang hiện hữu mà nhiều doanh nghiệp quan tâm gồm điện, thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu, thị trường lao động. Trong khi đó, thực lực của doanh nghiệp về vốn, công nghệ, lao động, tự chủ nguyên vật liệu đầu vào, nhất là công nghiệp hỗ trợ còn yếu kém.

Trợ lực cho doanh nghiệp

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng bình luận, mặc dù có dấu hiệu khởi sắc trong xuất khẩu hàng hóa nhưng doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực như: dệt may, da giày, gỗ, thủy sản còn rất khó khăn về đơn hàng. Nguyên nhân lớn nhất vẫn là từ sự co hẹp chi tiêu tại các thị trường lớn, đặc biệt là Hoa Kỳ và EU.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp duy trì được động lực sản xuất, xuất khẩu là một trong những trọng tâm cần được cơ quan nhà nước đẩy mạnh hơn nữa, đặc biệt các cắt giảm thủ tục hành chính, để đảm bảo tăng trưởng của cả nền kinh tế trong thời gian tới. Nhiều yếu tố chủ quan mà Việt Nam có thể làm, đó là cắt giảm chi phí trong lĩnh vực xuất khẩu. Ngoài việc giảm thuế, hoãn thuế phải nộp thì có thể giảm các loại phí...

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, cơ hội cho xuất khẩu hàng hoá tiêu dùng hồi phục trong những tháng tới đây. Còn hiện nay, Việt Nam đang gặp khó khăn về vấn đề thị trường. Theo đại diện Bộ Công Thương, hiện nay chúng ta đang có 15 FTA đã ký và đang được thực hiện. Bên cạnh đó, FTA với Israel đã kết thúc đàm phán và dự kiến sẽ ký kết trong thời gian từ nay đến cuối năm. Với số lượng FTA hiện nay đã bao trùm hầu khắp các thị trường lớn và vẫn còn dư địa tăng trưởng rất tốt.

“Tuy nhiên câu chuyện ở đây là để khai thác thị trường có FTA thì chúng ta phải đáp ứng các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ. Câu chuyện về xuất xứ chỉ là quy định nhưng đằng sau nó là câu chuyện thay đổi về nguồn nguyên liệu sản xuất, thay đổi dây chuyền để có thể đáp ứng được yêu cầu của bạn hàng”, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Cùng với đó, theo đại diện Bộ Công Thương, việc dỡ bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan là giải pháp quan trọng, song đó chỉ là một trong những trở ngại. Nếu hàng rào đó được xóa bỏ nhưng doanh nghiệp không nắm rõ được thị hiếu và các quy định tiêu chuẩn khác để đáp ứng được yêu cầu của thị trường nhập khẩu thì khó khăn vẫn còn đó.

Do đó, theo ông Trần Thanh Hải, vai trò của xúc tiến thương mại là bên cạnh giúp doanh nghiệp tìm kiếm được các bạn hàng, cơ hội kinh doanh mới thì còn phải thúc đẩy được doanh nghiệp đi ra ngoài và nắm bắt được các yêu cầu của thị trường bên ngoài tốt hơn, giúp doanh nghiệp có tự tin.

Ngoài ra, để đa dạng hóa nguồn thông tin thị trường cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương đẩy mạnh nguồn tin từ các Thương vụ ở nước ngoài và có những trang thông tin để cung cấp thông tin, giúp cho doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội kinh doanh tốt hơn.

Theo ông Trần Thanh Hải, bên cạnh những hỗ trợ từ cơ quan quản lý thì rất cần sự chủ động của doanh nghiệp. Đối với thị trường trong nước hay xuất khẩu thì việc tìm kiếm bạn hàng hay đáp ứng các nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng luôn là yếu tố quan trọng. Do đó sự chủ động ở đây là các doanh nghiệp phải làm sao có được đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp để xây dựng chiến lược bán hàng, chiến lược thương hiệu. Nhất là đối với hoạt động xuất khẩu thì hiện nay vẫn có một số ngành hàng chủ yếu là gia công, tức là khối lượng sản xuất lớn nhưng sản xuất theo đơn đặt hàng chứ không nắm bắt được nhu cầu thực sự của thị trường. Do đó việc bên cạnh đầu tư tài chính, công nghệ máy móc thì đầu tư cho con người là yếu tố quan trọng để có thể nắm bắt được các yêu cầu thực tế từ thị trường để có được đơn hàng.

Còn TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), cho rằng, cần rà soát, đánh giá các rào cản thương mại và đầu tư cũng như các yêu cầu kỹ thuật đối với hàng hóa/dịch vụ của các Hiệp định tự do về Thương mại và Đầu tư mà Việt Nam đã ký kết, của các đối tác thương mại/đầu tư quan trọng và tiềm năng của Việt Nam. Chẳng hạn, chiến lược thương mại và đầu tư mới của EU. Đây là cơ sở để chiến lược và chính sách cụ thể nhằm tận dụng lợi thế các hiệp định thương mai tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết/tham gia, nhất là các hiệp định thương mại tư do mới như EVFTA.

Với cộng đồng doanh nghiệp nói chung, TS Nguyễn Quốc Việt cho rằng cần quan tâm giải quyết các khó khăn tài chính cho doanh nghiệp qua các giải pháp hỗ trợ giãn nộp thuế, phí với thời gian đủ dài để doanh nghiệp phục hồi. Đồng thời, kéo dài chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong năm 2023, bổ sung thêm chính sách hỗ trợ trong trả lương cho người lao động, hỗ trợ về bảo hiểm xã hội như giảm mức đóng thay vì chính sách không tính lãi cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã được giãn nợ, cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, không phạt trả chậm tín dụng, giữ nguyên nhóm nợ với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để có thêm thời gian phục hồi trả nợ và khắc phục nợ xấu.

Về phía doanh nghiệp, Vinatex cho biết sẽ tập trung vào các giải pháp chính gồm tiếp tục linh hoạt ứng phó với những diễn biến bất ổn, bất định của thị trường, thường xuyên dự báo cập nhật nhanh tình hình thị trường dệt may thế giới và trong nước, ưu tiên giữ vững lực lượng lao động trên cơ sở cân đối giữa việc làm và thu nhập, bảo toàn nguồn nhân lực để sẵn sàng “đón” cơ hội khi thị trường phục hồi; tiếp tục đầu tư theo hướng xanh hóa dệt may…

Theo Tổng giám đốc Vinatex, trong giai đoạn tới, nhất là bối cảnh châu u đã và đang áp dụng các quy định về sản xuất dệt may tuần hoàn, sản xuất xanh, các đơn vị trong toàn hệ thống đang nghiên cứu về các công nghệ mới để sản xuất nhằm đón đầu xu hướng để nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường.

 

Theo thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng GDP đạt 3,72%, chỉ cao hơn mức 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020, là mức đáy của giai đoạn 2011–2023 do dịch Covid-19 xuất hiện.
Cùng với đó, số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường trong 6 tháng đầu năm 2023 giảm 2,9% so với cùng kỳ, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 19,7%. Tăng trưởng tín dụng quý 1 và quý 2 chỉ đạt lần lượt 2,58% và 3,13%, thể hiện khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế đang gặp khó khăn.

Tin Cùng Chuyên Mục