Trang trại điện năng lượng mặt trời lãi trăm tỷ sau vài tháng, kéo BIM Group, Trung Nam cùng góp mặt

Quỳnh Chi

Các dự án điện mặt trời hiện đều được áp dụng biểu giá mua khá cao, cộng thêm ưu đãi thuế vượt trội nên có sức hấp dẫn lớn với hàng loạt tên tuổi nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.

Trang trại điện năng lượng mặt trời lãi trăm tỷ sau vài tháng, kéo BIM Group, Trung Nam cùng góp mặt

Sau khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã công bố "Ngày vận hành thương mại (COD)" cho các dự án điện tái tạo, các chủ đầu tư đã có đủ căn cứ pháp lý về  trình tự, thủ tục, cách thức triển khai, quyền lợi và trách nhiệm trong việc thử nghiệm, vận hành thương mại cho các nhà máy điện mặt trời.

Các dự án điện mặt trời hiện đều được áp dụng biểu giá mua khá cao, cộng thêm ưu đãi thuế vượt trội. Cụ thể, các doanh nghiệp làm điện mặt trời thuộc nhóm COD sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm đầu, sau đó đóng mức 10% trong 15 năm kế tiếp và giảm 50% thuế phải nộp trong vòng 9 năm tiếp theo tùy địa phương triển khai dự án.

Đối với các thiết bị vật tư, linh kiện trong nước không sản xuất được, phải nhập khẩu cũng sẽ được miễn thuế nhập khẩu nhằm phục vụ triển khai các dự án hoàn thành tiến độ trong thời gian sớm nhất. Tùy từng địa phương mà các dự án còn có thể được miễn giảm hoặc ưu đãi thêm đối với tiền thuê đất.

KQKD của các dự án điện năng lượng mặt trời lớn năm 2019.
KQKD của các dự án điện năng lượng mặt trời lớn năm 2019.

Trước sức hấp dẫn lớn của các chính sách này, hàng loạt các dự án điện mặt trời ồ ạt được đưa vào xây dựng và vận hành. Thống kê từ báo cáo của ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc EVN, cho biết trong 4 tháng cuối năm, 36 nhà máy điện mặt trời sẽ đóng điện và bắt đầu quy trình vận hành thương mại. 

Báo cáo kết quả kinh doanh của 10 dự án điện mặt trời quy mô lớn nhất của Việt Nam đều cho thấy mức lãi lớn trong năm qua, dù có những đơn vị mới chỉ vận hành thương mại vỏn vẹn vài tháng. Biên lợi nhuận gộp của các dự án trên đều khá cao, từ 65-70%, trong khi chưa phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp.

Cơ cấu tài sản các dự án điện mặt trời lớn 2019.
Cơ cấu tài sản các dự án điện mặt trời lớn 2019.

Đơn cử như dự án điện mặt trời Dầu Tiếng (tại Tây Ninh) với công suất tối đa 420 MWP do liên doanh Công ty TNHH Xuân Cầu (Việt Nam) và Công ty TNHH B. Grimm Power Public (Thái Lan) đã đạt doanh thu 807 tỷ đồng, lãi sau thuế lên tới 456 tỷ đồng dù mới chỉ khánh thành vào quý IV năm 2019. 

Liên doanh của BIM Group và AC Renewables, chủ đầu tư của cụm 3 nhà máy điện (BIM 1, BIM 2, BIM 3) tại Ninh Thuận với công suất tối đa 330 MWP, khánh thành vào cuối tháng 4 năm 2019 cũng đã đạt doanh thu 704 tỷ đồng, lãi sau thuế 344 tỷ đồng.

Hay như Trung Nam Solar Power của Tập đoàn Trung Nam vận hành tại Ninh Thuận với công suất tối đa 258 MWP cũng mang về doanh thu trên 500 tỷ đồng, lãi ròng 131 tỷ đồng. Trung Nam Trà Vinh với công suất 165 MWP thu về 275 tỷ đồng, lãi ròng 94 tỷ đồng.

Các dự án lớn khác như Hồng Phong 1A – 1B do Chủ đầu tư là Tổng công ty Cổ phần Thương mại Xây Dựng (Viettracimex) tại Bình Thuận cũng đem về doanh thu 393 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt 200 tỷ đồng. Hồng Phong 2 mang về doanh thu 264 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 70 tỷ đồng.

Xét đơn thuần về lợi nhuận ròng cùng các ưu đãi của chính phủ, sản xuất năng lượng điện mặt trời là một mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư. Nhưng thực tế, phần lớn các dự án này đều sử dụng đòn bẩy tài chính cao với tỉ lệ vốn vay lớn gấp 4 -5 lần vốn đầu tư. Bù lại, các khoản vay dành cho các dự án năng lượng tái tạo luôn được tạo điều kiện với lãi suất thấp - vốn là chủ trương nhằm thu hút thêm nhà đầu tư cho ngành năng lượng mới mẻ này.

Tin Cùng Chuyên Mục