Trường chuyên đào tạo tỷ phú: Các nhà sáng lập Google, Nike, YouTube... đều xuất thân từ đây

Ngôi trường này còn được cho là nơi “xuất xưởng” hàng loạt nhân tài ngành công nghệ, đóng vai trò cực lớn trong buổi bình minh của Thung lũng Silicon.

Dù không nằm trong hệ thống Ivy League nhưng Stanford là nơi có tỷ lệ cạnh tranh gắt gao và cũng danh tiếng bậc nhất nước Mỹ. Nhờ nằm cạnh Thung lũng Silicon, mái trường này chính là "vườn ươm" cho các nhân tài ngành công nghệ, bao gồm các nhà sáng lập Google, Yahoo và Instagram.

Đại học Stanford - "lò đạo tào" tỷ phú, doanh nhân cho Thung lũng Silicon và cả nước Mỹ. Ảnh: Getty
Đại học Stanford - "lò đạo tào" tỷ phú, doanh nhân cho Thung lũng Silicon và cả nước Mỹ. Ảnh: Getty

1. Hai nhà đồng sáng lập Hewlett-Packard (HP)

Hai nhà đồng sáng lập HP là William Hewlett và David Packard đã kết giao dưới mái trường Stanford. 

Khi tham gia lớp kỹ thuật radio ở trường vào những năm 1930, Hewlett và Packard đã thành bạn bè thân thiết sau đó cùng tốt nghiệp ngành kỹ thuật điện năm 1934. 

Đến năm 1939, họ lập nên công ty phần cứng HP tại một ga-ra ở Palo Alto, California. Lúc đó, hai nhà sáng lập chỉ có vỏn vẹn 538 USD và phải chia nhau đóng tiền thuê nhà hết 45 USD/tháng.

Nhờ những cuộc nghiên cứu từ thời học Stanford, bao gồm dự án tốt nghiệp của William Hewlett về dao động điện dung, hai người bạn đã lèo lái công ty phát triển vượt bậc. Đến nay, ga-ra năm nào ở Palo Alto còn được gọi là “Nơi khai sinh của Thung lũng Silicon” và HP đã có vốn hóa thị trường 24 tỷ USD.

2. Nhà sáng lập Nike

"Gã nghiện giày" Phil Knight là một cựu sinh viên ưu tú tại Stanford
"Gã nghiện giày" Phil Knight là một cựu sinh viên ưu tú tại Stanford

Từ thời còn ở Đại học Oregon, nhà sáng lập Nike, Phil Knight, đã rất thích xem huấn luyện viên điền kinh của mình sửa giày chạy cho các học trò trước mỗi trận thi đấu. Nhưng đến khi theo học lớp kinh doanh ở Stanford từ năm 1962, Knight mới bắt đầu biến trải nghiệm của mình thành ý tưởng kinh doanh.

Năm 1964, Knight cùng huấn luyện viên cũ của mình, Bill Bowerman khởi nghiệp bằng thương hiệu Blue Ribbon Sports. Năm 1971, họ đổi tên công ty thành Nike - tên của vị thần chiến thắng trong huyền thoại Hy Lạp.

Năm 1972, Nike bán được 3 triệu USD tổng giá trị sản phẩm. Đến 1980, năm công ty lên sàn chứng khoán, Nike đã vượt mặt Adidas để trở thành kẻ dẫn đầu trong ngành giày nước Mỹ. Hiện tại, Nike có vốn hóa thị trường khoảng 150 tỷ USD.

Vào tháng 6/2016, Phil Knight đã từ chức chủ tịch Nike sau 52 năm lèo lái công ty. Ông và gia đình hiện sở hữu khối tài sản hơn 40 tỷ USD.

3. Hai nhà đồng sáng lập Yahoo

Jerry Yang và David Filo đã gặp nhau khi là nghiên cứu sinh ở Stanford vào thập niên 90. Họ tình cờ làm chung một dự án về chip máy tính, nhưng cả hai đều chỉ say mê tìm hiểu về Internet.

Từ năm 1994, để lưu giữ các website mà mình tìm hiểu được, hai chàng nghiên cứu sinh đã lập một trang web mới gọi là “Hướng dẫn duyệt web của David và Jerry”. Về sau, họ đổi tên nó thành Yahoo. Đến năm 1998, Yahoo đã thu hút hơn 1 triệu người dùng Internet truy cập mỗi ngày.

Thành công ngoài dự kiến của Yahoo đã làm sập hệ thống của Stanford, vì vậy trường yêu cầu các nhà sáng lập phải chuyển nền tảng vận hành đến nơi khác. Từ đó, Yang và Filo bỏ ngang chương trình học tiến sĩ của mình, tiếp tục xây dựng Yahoo thành đế chế hùng mạnh.

Năm 2016, Yahoo được Verizon mua lại với giá 5 tỷ USD. Hai nhà đồng sáng lập công ty cũng trở thành tỷ phú. David Filo có tài sản ròng 3,3 tỷ USD, còn Jerry Yang nắm giữ 2,3 tỷ USD.

4. Hai nhà đồng sáng lập Google

Trường chuyên đào tạo tỷ phú: Các nhà sáng lập Google, Nike, YouTube... đều xuất thân từ đây - Ảnh 1

Sergey Brin và Larry Page gặp nhau vào năm 1995 khi là những sinh viên ngành khoa học máy tính ở Stanford. Với lòng hiếu kỳ với Internet giai đoạn sơ khai, họ đã tạo nên một thuật toán tìm kiếm vào năm 1996, sau đó phát triển nó thành nền tảng của Google Search.

Năm 1998, hai chàng sinh viên Stanford đã lập nên công ty Google từ một ga-ra nhỏ, hỗn độn ở thành phố Menlo Park, bang California. Họ thuê căn hầm với giá 1.700 USD/tháng từ Susan Wojcicki. Lúc đó, Wojcicki đang làm ở bộ phận marketing của Intel. Còn hiện tại, bà đã trở thành CEO của YouTube, cùng chung công ty mẹ Alphabet với Google.

Về hai nhà sáng lập, họ đã xây dựng Google trở thành gã khổng lồ công nghệ, sau đó thoái lui khỏi vị trí CEO và chủ tịch Alphabet. Dù vậy, họ vẫn nằm trong hội đồng quản trị và là những tỷ phú giàu thứ 13, 14 của thế giới. Mỗi người nắm trong tay khối tài sản hơn 65 tỷ USD theo số liệu từ Forbes.

Hiện tại, Alphabet có vốn hóa thị trưởng hơn 1 nghìn tỷ USD.

5. Hai nhà đồng sáng lập Instagram

Trước khi lập nên Instagram, Mike Krieger và Kevin Systrom đã gặp nhau nhờ một khóa học ngắn dành cho cựu sinh viên Stanford.

Lúc ấy, Systrom đã tốt nghiệp năm 2006 ngành quản trị khoa học kỹ thuật và bắt tay phát triển một ứng dụng định vị gọi là Burbn. Anh đề nghị Krieger, người tốt nghiệp sau mình 2 năm, hỗ trợ giúp phần lập trình. Sau nhiều tháng cùng nỗ lực làm việc, hai cựu sinh viên Stanford đã cho ra mắt một ứng dụng mới gọi là Instagram.

App chia sẻ ảnh này nhanh chóng phổ biến khắp Thung lũng Silicon và lọt vào “mắt xanh” của ông chủ Facebook - Mark Zuckerberg. Năm 2012, Krieger và Systrom bán Instagram cho Facebook với giá 1 tỷ USD. Đến năm 2018, cả hai rút khỏi các vị trí Giám đốc công nghệ và CEO của Instagram.

Hiện tại, Instagram đã có hơn 1 tỷ người dùng. Cựu CEO Kevin Systrom cũng bước chân vào hàng tỷ phú với khối tài sản 1,9 tỷ USD, trong khi Mike Krieger có khoảng 100-500 triệu USD.

Ngoài ra, rất nhiều nhà sáng lập công ty danh tiếng khác cũng là cựu học sinh trường Stanford. Có thể kể đến như các doanh nhân tạo nên WhatsApp, Netflix, LinkedIn, Snapchat, Cisco, YouTube và PayPal.

Tin Cùng Chuyên Mục