Ts. Lê Thị Thiên Hương: Đặc khu - Thời cơ đặc biệt cho công nghiệp văn hoá sáng tạo?

Lê Thị Thiên Hương

Hiện nay, chúng ta đã bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của toàn cầu hóa, của kỹ thuật số - nơi hàng rào ngăn cách giữa các quốc gia, giữa các cá nhân trên thế giới ngày càng mờ nhạt đi.

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia đều nhận định rằng, sáng tạo và đổi mới là vũ khí kinh tế hiệu quả nhất, quyết định sức cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia trên thị trường thế giới.

Văn hóa sáng tạo: “Con gà đẻ trứng vàng” của thế giới 

Trong lĩnh vực văn hóa sáng tạo, nhiều quốc gia đã sớm nhận ra rằng đây chính là “con gà đẻ trứng vàng”, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh chóng, vừa nâng cao “quyền lực mềm” của đất nước trên toàn thế giới. Khai thác giá trị kinh tế của văn hóa cũng dẫn đến những thay đổi to lớn về cách sáng tạo cũng như cách “tiêu thụ” các sản phẩm văn hóa trên toàn cầu. Không khó để nhận ra rằng càng ngày càng có nhiều nước theo đuổi chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa sáng tạo, coi ngành công nghiệp này như đòn bẩy kinh tế quốc gia.

Ts. Lê Thị Thiên Hương: Đặc khu - Thời cơ đặc biệt cho công nghiệp văn hoá sáng tạo? - Ảnh 1

 

Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (Unesco), tập trung phát triển công nghiệp văn hóa sáng tạo là một trong những chìa khóa đảm bảo một tương lai phát triển ổn định và thịnh vượng hơn. Cũng theo báo cáo của tổ chức này (năm 2015), công nghiệp văn hóa sáng tạo tạo nên doanh thu trên 2.250 tỷ đôla Mỹ và chiếm trên 3% GDP toàn thế giới. Ngành này đang tạo ra hơn 29,5 triệu việc làm, chiếm khoảng 1% dân số trong tuổi lao động trên toàn thế giới. Doanh thu này vượt qua cả doanh thu của lĩnh vực viễn thông vốn là một trong những lĩnh vực tiềm năng nhất trên thế giới hiện nay. Cũng nên nhấn mạnh rằng, sáng tạo dựa trên nền tảng của văn hóa truyền thống đang là động lực tăng trưởng chính của ngành công nghiệp này, trong đó đứng đầu là các sản phẩm nghe nhìn, các ấn phẩm báo chí và tạp chí. Nhờ vào nền văn hóa đa dạng và đặc sắc, khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện đang đứng đầu thế giới với doanh thu trên 743 tỷ USD (33% toàn thế giới) và thu hút 12,7 triệu lao động (43% toàn thế giới).

Bước chuyển mình của Việt Nam

Việt Nam là nước có bề dày lịch sử và văn hóa, sở hữu các di sản thiên nhiên quý hiếm và vô giá, có những giá trị văn hóa tinh thần độc đáo, đa dạng. Việt Nam cũng có dân số trẻ, đặc biệt phù hợp với việc phát triển công nghiệp văn hóa sáng tạo. Rất tiếc là chúng ta chưa thực sự khai thác mạnh mẽ những tiềm năng này của đất nước một cách sớm hơn.

Tuy nhiên, năm 2016 là năm đánh dấu  bước tiến tích cực của Việt Nam trong vấn đề này. Tháng 9 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ra quyết định phê duyệt chiến lược Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Điều này chứng tỏ rằng Việt Nam đã và đang nhận ra tầm quan trọng của công nghiệp văn hóa trong sự phát triển của kinh tế nước nhà. Theo quyết định này của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam tập trung vào các giải pháp như hoàn thiện cơ chế chính sách, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, thu hút hỗ trợ đầu tư, phát triển thị trường… nhằm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, bao gồm quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa.

Tuy nhiên, phải nhận ra rằng, chúng ta sẽ cần một nguồn vốn đầu tư vô cùng to lớn, một thể chế đặc biệt linh hoạt, hiệu quả, một sự quản lý năng động, “thức thời” cũng như một tầm nhìn “mở” về giá trị văn hóa mới giúp ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam có những phát triển bứt phá như mong muốn. Điều kiện phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam hiện nay dường như còn nhiều khó khăn để đáp ứng được các tiêu chuẩn này. 

Ts. Lê Thị Thiên Hương: Đặc khu - Thời cơ đặc biệt cho công nghiệp văn hoá sáng tạo? - Ảnh 2

 

Cơ hội vàng để phát triển công nghiệp văn hóa sáng tạo

Trong bối cảnh đó, cần phải có phương án “rút ngắn”, “đón đầu”. Hiện nay, Quốc hội đang thảo luận thông qua Dự thảo Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, với mục đích thành lập ba đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt ở Vân Đồn, Phú Quốc và Bắc Vân Phong. Mục đích xây dựng các đặc khu này là để làm đòn bẩy thúc đẩy kinh tế nước nhà, qua việc thử nghiệm cơ chế, thể chế nổi trội, linh hoạt, thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài. Không khó để nhận ra rằng, đây là một cơ hội “vàng” để kích thích phát triển công nghiệp văn hóa sáng tạo ở Việt Nam.

Ts. Lê Thị Thiên Hương: Đặc khu - Thời cơ đặc biệt cho công nghiệp văn hoá sáng tạo? - Ảnh 3

Ts. Lê Thị Thiên Hương, Cố vấn Cấp cao Trung tâm Tư vấn quản trị tài sản trí tuệ VIPMAC và AVSE Global 

Theo các chuyên gia, Vân Đồn sở hữu rất nhiều yếu tố phù hợp để phát triển công nghiệp văn hóa. Nếu có chiến lược tốt, Việt Nam hoàn toàn có thể đưa ngành công nghiệp này thành công nghiệp mũi nhọn, biến Vân Đồn thành “trung tâm giải trí, văn hóa sáng tạo” của đất nước và của khu vực.

Thứ nhất, Vân Đồn có điều kiện thiên nhiên vô cùng ưu đãi với hơn 600 hòn đảo lớn nhỏ, phía Tây Nam giáp vịnh Hạ Long, có cảnh quang hoang dã, tươi đẹp. Đây là những thế mạnh đặc biệt của đặc khu, rất phù hợp cho việc xây dựng phim trường phục vụ ngành điện ảnh, quảng cáo cũng như các chương trình trình diễn nghệ thuật. Vân Đồn cũng là nơi có các di tích kiến trúc tôn giáo, các truyền thống, lễ hội văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc người Việt vùng biển. Các giá trị này cũng mang đến cho Vân Đồn một ưu thế rõ rệt trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa.

Qua các lý do nói trên, nhiều chuyên gia cho rằng thời điểm này chính là cơ hội vàng để phát triển công nghiệp văn hóa sáng tạo như một ngành kinh tế mũi nhọn của Vân Đồn. Nếu không tận dụng cơ hội này, Việt Nam sẽ khó có những bứt phá đáng kể trong ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo, cũng như bỏ lỡ cơ hội góp phần thúc đẩy thành công của đặc khu Vân Đồn.

Thứ hai là về mặt chiến lược, công nghiệp văn hóa sáng tạo có thể là cầu nối giữa hai mũi nhọn kinh tế du lịch và công nghệ - hai ngành chủ chốt mà Chính phủ đã xác định phát triển tại Vân Đồn. Thực tế cho thấy, du lịch, văn hóa và công nghệ là ba ngành có mối quan hệ tương hỗ vô cùng khăng khít. Không chỉ thế, chiến lược phát triển nhân lực bậc cao, giàu tính sáng tạo ở Vân Đồn rõ ràng là đặc biệt hợp lý cho việc phát triển công nghiệp văn hóa sáng tạo. Thuận lợi này không dễ tìm thấy ở các tỉnh thành, địa phương khác ở Việt Nam.

Thứ ba là về mặt thể chế. Có thể nói, điều kiện đặc biệt mà Chính phủ Việt Nam đang dành cho Vân Đồn là xây dựng ở đây một đặc khu với cơ chế thể chế vô cùng tinh giản, linh hoạt, hiệu quả. Các quy định pháp luật áp dụng ở đặc khu Vân Đồn sẽ vượt trội hơn hẳn trong nước – yếu tố đặc biệt cần thiết để phát triển thành công công nghiệp văn hóa. Cụ thể là cơ chế thể chế linh hoạt của đặc khu sẽ giải quyết được vấn đề vi phạm quyền SHTT lan tràn, vấn đề vi phạm nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh. Những yếu tố này là không thể thiếu để phát huy khả năng sáng tạo của các cá nhân, doanh nghiệp của ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo, trong khi rõ ràng là vấn đề này khó có thể giải quyết ngay lập tức trên phạm vi cả nước.

Cuối cùng nhưng không kém quan trọng, đó chính là vấn đề vốn đầu tư. Với chính sách xây dựng đặc khu với những ưu đãi hỗ trợ hấp dẫn đầu tư một cách đặc biệt, Vân Đồn có khả năng thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư nước ngoài. Đây chính là một giải pháp tốt cho vấn đề thiếu vốn đầu tư vào công nghiệp văn hóa sáng tạo mà Việt Nam đang phải đối mặt.