Từ nay đến cuối năm khó xảy ra sốt đất ảo?

Trung Hiếu

Theo các chuyên gia, từ nay đến cuối năm 2022, khó xảy ra hiện tượng sốt ảo, đồng thời giá cả sẽ được điều chỉnh hợp lý hơn nhờ những chính sách kiểm soát tốt thị trường.

Giá nhà đất đã tăng tới hạn

Ông Nguyễn Chí Thanh, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam lưu ý rằng hiện nay, giá nhà đất đã tăng tới hạn. Do đó, khó có thể tăng thêm trong thời gian tới mà sẽ đi theo chiều hướng ổn định...

Từ nay đến cuối năm khó xảy ra sốt đất ảo? - Ảnh 1

Hiện tượng sốt ảo cũng khó xảy ra, đồng thời giá cả sẽ được điều chỉnh hợp lý hơn nhờ những chính sách kiểm soát tốt thị trường, cùng với việc thúc đẩy triển khai chương trình phát triển nhà ở xã hội…

Trên thực tế, hai năm dịch bệnh vừa qua đã chứng kiến những thách thức không nhỏ với nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng. Tuy nhiên, nhìn vào khía cạnh tích cực, thì đây là dịp để các cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản đánh giá lại hoạt động và chuyển mình thay đổi, chờ cơ hội để đón đầu thị trường khi kinh tế trong nước khởi sắc trở lại. Tiềm năng của lĩnh vực bất động sản vô cùng lớn, kéo theo sự phát triển mạnh mẽ trong tương lai của ngành môi giới bất động sản.

Theo ông Thanh, việc thổi giá sẽ không xảy ra đối với các nhà môi giới chuyên nghiệp vì họ nhận thức rằng “thổi giá” thường không mang tính dài hạn, “thổi được” thì cũng sẽ “xẹp” nhanh.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, để thị trường phát triển lành mạnh thì việc bán hàng phải công khai minh bạch. Môi giới phải có tâm. Môi giới ngoài kỹ năng bán hàng,  còn phải có tâm và phải có quy chuẩn. Nếu không sẽ dễ dẫn đến sai phạm khi người môi giới bất động sản đặt lợi ích của mình trên lợi ích chung của thị trường, của cộng đồng.

Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản cũng thừa nhận, trên thực tế, không ít người hành nghề môi giới đã làm ăn chộp giật, có hành vi găm đất, thổi giá, tạo sốt ảo, gây lũng đoạn thị trường. Nhiều môi giới còn trực tiếp hoặc tiếp tay cho chủ dự án, lừa đảo khách hàng bằng “dự án ma”, bằng thông tin thất thiệt. Từ đó, gây hậu quả cho người tiêu dùng, ảnh hưởng uy tín cho thương hiệu các chủ đầu tư chân chính… Nhưng đây chỉ là một bộ phận, thường là bộ phận môi giới bất động sản tay ngang. Tuy nhiên, thực tế này cũng khiến cho xã hội có cái nhìn tiêu cực về đội ngũ môi giới bất động sản.

Khó xảy ra sốt đất

Đánh giá về tình trạng giá đất tăng cao ở nhiều địa phương, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, nguyên nhân căn cơ, sâu xa nhất dẫn đến tình trạng này là việc thiếu nguồn cung và lực cầu tăng cao. Theo nguyên lý kinh tế học, cầu cao - cung ít thì giá sẽ điều chỉnh. 

Nguồn cung trên thị trường khan hiếm là do hiện nay các dự án bất động sản gần như “đứng hình”, không phê duyệt được vì các quy định pháp lý đang có những mâu thuẫn, chồng chéo tạo ra các rào cản vô hình, do đó các địa phương không dám phê duyệt dự án để đưa nguồn hàng vào thị trường. 

Phân tích thực trạng thiếu nguồn hàng trong khi lực cầu tăng cho thấy có điều bất hợp lý đáng chú ý là, cầu thực tế sử dụng có thể giảm do kinh tế suy giảm, nhưng nhu cầu đầu tư ngắn hạn của các nhà đầu tư F0 lại tăng dẫn đến lực cầu tăng.  

Cầu tăng có lợi cho phát triển hoạt động đầu tư, nhưng hoạt động này đang bị kìm hãm bởi không có nguồn hàng tạo ra sự mâu thuẫn, rối ren trong thực trạng của thị trường bất động sản. Bối cảnh đó là cơ hội cho “hàng lậu” xuất hiện. 

Trong bối cảnh nguồn cung không thể cải thiện được vì vướng luật, thì hệ lụy cơ bản nhất là làm tăng giá đất tại các địa phương, thậm chí giá đất bị thổi lên, tăng giá vô tội vạ tạo thành sự hỗn loạn tại thị trường các địa phương, trở thành rào cản hạn chế các dự án của nhà đầu tư chính thống, gây nên sự mâu thuẫn, bất ổn, phức tạp trên thị trường bất động sản. 

Theo ông Đính, một nguyên nhân khác gây nên tình trạng này là tại một số địa phương tuy chính quyền có sự quan tâm nhưng trình độ, năng lực quản lý không theo kịp sự biến đổi của thị trường nên dẫn tới buông lỏng quản lý, thậm chí tiếp tay để sử dụng đất sai mục đích. Đây là nguyên nhân dẫn tới xảy ra sốt đất tại nhiều địa phương.  

Cũng theo ông Đính, để hạn chế, chấm dứt tình trạng sốt đất thì bài toán tốt nhất là phải giải quyết được việc thiếu hụt nguồn cung. Cung thiếu thì bơm cung, tìm các phương án khác nhau để giải quyết cho các dự án. 

“Trên cả nước hiện còn vài trăm dự án đang đình trệ, nếu các dự án này được giải quyết, tháo gỡ để hàng hóa được đưa vào thị trường thì hàng chục vạn sản phẩm cung cấp cho các địa phương sẽ giúp cân bằng cung cầu và đây là giải pháp hiệu quả nhất để giải quyết tình trạng sốt đất”, ông Đính nói. 

Tin Cùng Chuyên Mục