Việt Nam đánh giá là thị trường tiềm năng cho các mặt hàng xa xỉ, doanh thu thương hiệu 'dành cho người giàu' thu về cả nghìn tỷ đồng

An An

Năm 2022, Louis Vuitton, Chanel, Dior, Hermes, Rolex, Calvin Klein và các doanh nghiệp hàng xa xỉ khác ghi nhận tổng doanh thu đạt gần 25.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 3.825 tỷ đồng.

Thương hiệu xa xỉ kiếm hàng nghìn tỷ đồng ở Việt Nam

Theo số liệu từ Vietdata - nền tảng cung cấp dữ liệu vĩ mô, doanh nghiệp và nghiên cứu về nhiều lĩnh vực - năm 2022, các doanh nghiệp đang phân phối và trực tiếp kinh doanh hàng xa xỉ tại Việt Nam có tổng doanh thu gần 25.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 3.825 tỷ đồng, tăng lần lượt 67% và 2,7 lần so với năm 2021.

Các con số trên được thống kê từ 12 doanh nghiệp đang phân phối và trực tiếp kinh doanh khoảng 34 thương hiệu hàng xa xỉ như Louis Vuitton, Chanel, Dior, Hermes, Rolex, Calvin Klein...

Trong nhóm các doanh nghiệp phân phối nhiều thương hiệu như Mitra Adiperkasa, DAFC và ACFC (thuộc IPPG), Tam Sơn, Maison.... Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) với dẫn đầu thị trường khi tổng doanh thu của hai doanh nghiệp thành viên DAFC và ACFC ghi nhận con số ấn tượng.

Việt Nam đánh giá là thị trường tiềm năng cho các mặt hàng xa xỉ, doanh thu thương hiệu 'dành cho người giàu' thu về cả nghìn tỷ đồng - Ảnh 1

Thành lập năm 1986, IPPG là tập đoàn kinh doanh bán lẻ hàng đầu Việt Nam và chiếm đến 70% thị trường hàng hiệu quốc tế trong nước. IPPG chính thức bước chân vào lĩnh vực kinh doanh hàng hiệu thông qua 2 công ty thành viên là DAFC và ACFC.

DAFC thành lập từ năm 2005, phân phối cho hơn 50 thương hiệu thời trang, trang sức, đồng hồ cao cấp trên thế giới như Rolex, Burberry, Armani Exchange,... Dù trong thời kỳ dịch bệnh, DAFC phải đóng cửa nhiều cửa hàng nhưng doanh thu của công ty này vẫn duy trì ở mức ổn định dao động trong khoảng 1.500 tỷ đồng.

Năm 2022, DAFC ghi nhận doanh thu của công ty đạt 2.189 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 136 tỷ đồng.

Việt Nam đánh giá là thị trường tiềm năng cho các mặt hàng xa xỉ, doanh thu thương hiệu 'dành cho người giàu' thu về cả nghìn tỷ đồng - Ảnh 2

ACFC được IPPG thành lập năm 2009 với mong muốn mở rộng và dẫn đầu phân khúc thời trang trung cấp. Các thương hiệu được ACFC phân phối độc quyền tại thị trường Việt Nam như Nike, Mango, Levi's, Gap, Old Navy, Calvin Klein, Tommy Hilfiger, Mothercare, OVS,...

Năm 2022, doanh nghiệp này ghi nhận tăng trưởng mạnh với 2.932 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận đạt 197 tỷ đồng.

Tính chung lại, năm 2022, cả DAFC và ACFC đã đem về doanh thu 5.121 tỷ đồng và 333 tỷ đồng lãi ròng cho IPPG.

Dù tổng doanh thu của IPPG cao hơn Tam Sơn (ghi nhận 4.745 tỷ đồng trong năm 2022) nhưng lợi nhuận vẫn còn kém xa con số 849 tỷ đồng mà doanh nghiệp Tam Sơn đạt được.

Tam Sơn là đơn vị phân phối nhiều thương hiệu cao cấp từ thời trang (Hermès, Kenzo, Boss…) tới đồng hồ, trang sức (Patek Philippe, Vacheron Constantin, Chopard…) và các sản phẩm phong cách sống (Bang & Olufsen, Lalique, Diptyque…). Tính tới thời điểm hiện tại, doanh nghiệp này đã sở hữu hơn 70 cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Việt Nam trở thành thị trường tiềm năng cho các mặt hàng xa xỉ

Theo Vietdata, giai đoạn 2017-2022 số lượng người siêu giàu tại Việt Nam gia tăng nhanh chóng, số lượng người sở hữu khối tài sản ròng trên 30 triệu USD đã lên đến 1.059 người (số liệu mới nhất từ Knight Frank - tập đoàn tư vấn bất động sản có trụ sở chính tại Anh).

Bên cạnh đó, Việt Nam còn là quốc gia có dân số tương đối trẻ với độ tuổi trung bình là 32,5, đây được xem là độ tuổi tiềm năng trong phân khúc tiêu dùng sản phẩm xa xỉ. Ngoài nguồn cầu mạnh mẽ, khó khăn trong việc di chuyển ra nước ngoài cũng phần nào tác động đến nhu cầu mua sắm trong nước của người tiêu dùng Việt hiện nay.

"Mặc dù thời trang xa xỉ không nhắm vào số đông, chỉ một phân khúc khách hàng nhỏ sẵn sàng chi trả, doanh thu của các mặt hàng này luôn ở mức cực kỳ cao", Vietdata đề cập.

Việt Nam đang là thị trường nổi bật tại Đông Nam Á khi sở hữu nguồn cầu mạnh mẽ, khó khăn trong việc di chuyển ra nước ngoài của người Việt cũng một phần nào tác động nên nhu cầu mua sắm trong nước của người tiêu dùng Việt hiện nay. Bên cạnh việc mở cửa hàng tại Việt Nam, nhiều thương hiệu lớn ở châu Âu đã hợp tác với các doanh nghiệp phân phối chính cho nhiều thương hiệu cao cấp trong nước, báo cáo của Vietdata nhận định.

Tin Cùng Chuyên Mục