Vua hàng hiệu, bà chủ sân golf với tham vọng ngành dịch vụ hàng không

Theo Quang Thắng/Zing

Liên tiếp các đại gia Việt đầu tư sang lĩnh vực liên quan tới hàng không, từ vua hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn cho đến bà chủ Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga.

Việc nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đang rất thành công trong lĩnh vực hàng không thông qua hãng Vietjet Air (VJC) của mình, hàng không đang dần được các đại gia Việt chú ý với hàng loạt thương vụ đầu tư mới.

Vua hàng hiệu, bà chủ sân golf đi làm hàng không

Mới đây nhất, HĐQT Công ty cổ phần Cho thuê máy bay Việt Nam (VALC) đã trình đại hội cổ đông bất thường danh sách đề cử ban lãnh đạo nhiệm kỳ 2018-2023. Đáng chú ý, ngoài 2 thành viên do Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HVN) đề cử, danh sách HĐQT lần này còn xuất hiện tên bà Nguyễn Thị Nga, Phó chủ tịch thường trực SeABank, hiện nay.

Bà Nga là một trong 2 đại diện được nhóm cổ đông liên quan Tập đoàn BRG đề cử vào HĐQT VALC nhiệm kỳ mới cùng bà Nguyễn Thị Thu Hương. Theo đề xuất, bà Nga được đề cử giữ chức Phó chủ tịch HĐQT của công ty.

Nếu được cổ đông thông qua, đây sẽ là doanh nghiệp đầu tiên bà Nga điều hành kinh doanh trong lĩnh vực phụ trợ hàng không. Trước đó, bà được biết đến với vai trò Chủ tịch tại Tập đoàn BRG và là chủ sở hữu của nhiều khách sạn 5 sao, sân golf lớn.

Vua hàng hiệu, bà chủ sân golf với tham vọng ngành dịch vụ hàng không - Ảnh 1
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG. Ảnh: Tiến Tuấn.

Tại VALC, nhóm cổ đông liên quan Tập đoàn BRG gồm 5 công ty và 2 cá nhân hiện nắm giữ tổng cộng 34,56% vốn doanh nghiệp. Vietnam Airlines cũng đang là cổ đông lớn nắm giữ trên 30% vốn công ty.

VALC là công ty ra đời từ cuối năm 2007, chuyên kinh doanh trong lĩnh vực cho thuê máy bay. Cổ đông sáng lập chính ban đầu chỉ gồm Vietnam Airlines và BIDV, nhưng sau quá trình dài thâu tóm, nhóm cổ đông liên quan Tập đoàn BRG đã gia tăng sở hữu tại doanh nghiệp này. Tính đến cuối năm 2017, cơ cấu cổ đông tại VALC bao gồm Vietnam Arilines nắm giữ 32,48%; BIDV sở hữu 18,51%; 12,38% do PVcomBank nắm giữ và Tập đoàn BRG sở hữu 11,65%...

Một đại gia có tiếng khác đang điều hành công ty trong lĩnh vực hàng không là “vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn.

Theo đó, sau thời gian dài chi hàng nghìn tỷ, thông qua các công ty liên quan ông Hạnh Nguyễn đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất - SASCO (SAS) lên hơn 45%. Nhóm cổ đông liên quan tới ông cũng trở thành cổ đông lớn thứ 2 tại đây chỉ sau Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sở hữu 49,8% cổ phần.

Trong năm 2017, ông đã được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch HĐQT SASCO. Trước đó, vợ ông - bà Lê Hồng Thủy Tiên, cũng đã tham gia vào HĐQT với vai trò thành viên.

SASCO là doanh nghiệp dịch vụ thương mại sân bay lớn nhất cả nước với doanh thu năm gần nhất đạt 2.369 tỷ đồng và lãi trước thuế đạt 350 tỷ đồng, tăng lần lượt 12% và 24% so với năm trước đó.

Ngoài SASCO, các công ty của ông Hạnh Nguyễn cũng cũng đang là cổ đông lớn nhất sở hữu 30% vốn của Công ty cổ phần Nhà ga Quốc tế Cam Ranh (CRTC). Doanh nghiệp của ông Hạnh Nguyễn cũng từng đặt vấn đề trở thành cổ đông chiến lược của ACV nhưng chưa thành công.

Vua hàng hiệu, bà chủ sân golf với tham vọng ngành dịch vụ hàng không - Ảnh 2
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn từ lâu đã thể hiện tham vọng trong lĩnh vực phụ trợ hàng không. Ảnh: Hải An.

Mới đây, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT FLC, cũng thể hiện tham vọng của mình trong lĩnh vực hàng không bằng việc thành lập hãng hàng Tre Việt (Bamboo Airways) với vốn điều lệ 700 tỷ đồng. Tham vọng của vị đại gia này càng được khẳng định hơn khi hãng đã ký hợp đồng đặt mua mới tới 44 máy bay với 2 hãng Boeing và Airbus, tổng giá trị hợp đồng lên tới 8,6 tỷ USD để phục vụ kế hoạch mở rộng đội bay tương lai. Điểm khác biệt là đơn vị này đến nay vẫn đang chờ cấp phép bay.

Sức hấp dẫn của lĩnh vực phụ trợ hàng không

Tham gia vào lĩnh vực hàng không nhưng ông Johnathan Hạnh Nguyễn hay bà Nguyễn Thị Nga lại không lựa chọn hướng thành lập hãng hàng không riêng như ông Quyết hay bà Thảo mà tập trung vào lĩnh vực phụ trợ như cho thuê máy bay, hạ tầng, dịch vụ... Nếu nhìn kỹ vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành này, có thể hiểu được lựa chọn của những ông bà chủ nổi tiếng trên.

Tại Việt Nam hiện nay chỉ có 3 hãng khai thác vận chuyển hàng không bao gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific.

Thị trường trong nước hơn 90 triệu dân cùng nhu cầu di chuyển ngày một tăng cao, ngoại trừ Jetstar đang thua lỗ vì chi phí kinh doanh quá cao thì cả Vietnam Airlines và Vietjet Air đang lãi lớn qua từng năm.

Năm 2017, Vietnam Airlines thu về tới 83.500 tỷ đồng doanh thu hợp nhất và lãi hơn 3.150 tỷ trước thuế, con số bên phía Vietjet cũng là 42.300 tỷ doanh thu và 5.300 tỷ lợi nhuận. Các chỉ số này đều tăng trưởng hai chữ số so với những năm trước đó, cho thấy lợi nhuận từ lĩnh vực hàng không hấp dẫn như thế nào.

Kinh doanh vận tải hàng không mang về lợi nhuận lớn nhưng hoạt động phụ trợ hàng không còn mang đến con số lợi nhuận béo bở hơn.

Vua hàng hiệu, bà chủ sân golf với tham vọng ngành dịch vụ hàng không - Ảnh 3
 

Tại Vietnam Airlines và Vietjet nếu chỉ tính riêng hoạt động vận tải hàng không vẫn mang về cho hãng hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận hàng năm. Dù vậy, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (hệ số lãi) hàng năm chỉ dưới 10%.

Trong khi đó, hệ số lãi bên phía các công ty hạ tầng hàng không như ACV hay SASCO lại cao hơn rất nhiều. Như SASCO, 2 năm gần nhất hệ số lãi này đều đạt xấp xỉ 15%. Con số phía ACV thậm chí lên tới trên 40%.

Riêng 6 tháng đầu năm nay, hệ số lãi của Vietnam Airlines (mẹ) chỉ là 4%, Vietjet (mẹ) là 8% thì bên phía SASCO lên tới 17%, còn ACV là 48%.

Thậm chí, một doanh nghiệp nhỏ như Công ty cổ phần Suất ăn Hàng không Nội Bài (NCS) với hoạt động chính là cung cấp suất ăn trên máy bay cho các hãng hàng không cũng có hệ số lãi cao hơn nhiều so với các hãng hàng không mẹ. Hiện tại, chỉ hoạt động bán suất ăn cho Vietnam Airlines cũng đã giúp doanh nghiệp này thu gần 2 tỷ đồng mỗi ngày.

Tin Cùng Chuyên Mục