AMRO dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 7% trong năm 2021

Giang Phạm

Mặc dù GDP được dự đoán tăng lên mức 7% trong năm 2021, song Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều rủi ro.

Trong báo cáo đánh giá về triển vọng và diễn biến kinh tế Việt Nam gần đây, Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN + 3 (AMRO) nhận định, do đại dịch, tăng trưởng GDP của Việt Nam chậm lại còn 2,9% trong năm 2020 nhưng dự kiến tăng lên mức 7% vào năm 2021. 

"Tiêu dùng, đầu tư nội địa, dòng vốn FDI, xuất khẩu tăng mạnh chính là động lực cho đà tăng trưởng của Việt Nam", tiến sĩ Seung Hyun Luke Hong, đại diện nhóm chuyên gia tài chính của AMRO đánh giá.

Thời gian tới, Việt Nam cần chú trọng tăng cường ổn định tài chính, tạo điều kiện chuyển đổi sang "trạng thái bình thường mới" sau đại dịch, theo AMRO.
Thời gian tới, Việt Nam cần chú trọng tăng cường ổn định tài chính, tạo điều kiện chuyển đổi sang "trạng thái bình thường mới" sau đại dịch, theo AMRO.

Mặc dù được dự báo sẽ tăng trưởng trong năm 2021, nhưng nhóm chuyên gia AMRO cũng chỉ ra những rủi ro mà kinh tế Việt Nam phải đối mặt.

Những rủi ro này xuất phát từ cú sốc bất lợi từ bên ngoài và những hạn chế nội tại của nền kinh tế. Sự phục hồi không đồng đều và kéo dài của nền kinh tế toàn cầu có thể đe dọa tới sức cầu của thế giới. 

Ngoài ra, hậu quả của đại dịch như sự suy yếu của dòng tiền, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng cũng là yếu tố cản trở triển vọng phục hồi kinh tế. Cùng với đó, bất ổn chính sách từ các nền kinh tế phát triển có thể gây ra biến động giá trị tài sản và chảy vốn ra nước ngoài ở các thị trường mới nổi và cận biên, trong đó có Việt Nam.

Trong số các yếu tố nội tại, chuyên gia của AMRO cho rằng tín dụng tăng trưởng cao có thể làm suy yếu tiến trình củng cố hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện vẫn còn yếu kém. Việc gia tăng phân khúc cho vay tiêu dùng và việc ngân hàng nắm giữ khối lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp cũng đặt ra thách thức cho nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn. 

Chuyên gia AMRO khuyến nghị, trong thời gian tới, Việt Nam cần chú trọng tăng cường ổn định tài chính, tạo điều kiện chuyển đổi sang "trạng thái bình thường mới" sau đại dịch.  

Hỗ trợ có mục tiêu cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, duy trì mức sống của các hộ gia đình thu nhập thấp và đánh giá hiệu quả một cách thường xuyên, đơn giản hóa quy trình giải ngân và định hướng mục tiêu tốt sẽ tăng hiệu quả sử dụng cho các nguồn vốn của Chính phủ cũng là bài toán cần được tính toán, cân nhắc. 

Với triển vọng giữ lạm phát ổn định, đơn vị này đề xuất Chính phủ Việt Nam đưa ra chính sách tiền tệ phù hợp nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế, giữ cho chi phí tài chính ở mức hợp lý cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Với nhiều bất định trong quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch, hoạt động kinh tế đối ngoại cần được hỗ trợ linh hoạt hơn trong tỷ giá hối đoái.

Cuối cùng, các chính sách giải quyết những thách thức trong trung và
dài hạn như phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, mạng lưới an sinh xã hội, đặc biệt là sức khỏe cộng đồng cần được nghiên cứu kỹ trước khi triển khai. 

Tin Cùng Chuyên Mục