Áo dài và khăn thêu CATINA: Món quà từ làng nghề truyền thống Thường Tín

Quang Linh

Huyện Thường Tín (Hà Nội) là “thủ phủ” nghề thêu tay của miền Bắc với rất nhiều nghệ nhân. Nơi đây người dân tri ân ông tổ nghề Lê Công Hành bằng cách gìn giữ nghề truyền thống, phát triển thương hiệu địa phương với nhiều sản phẩm đẹp. Tại nơi đây, áo dài và khăn thêu CATINA cũng được ra đời khi được thừa hưởng tinh hoa làng nghề truyền thống và đang trên con đường lan tỏa rộng rãi đến các tỉnh thành trong nước cũng như bạn bè quốc tế.

Cô gái giữ gìn nét đẹp làng nghề truyền thống

Sinh ra và lớn lên ở làng nghề thêu may truyền thống Thường Tín, chị Nguyễn Thị Thu Tươi - chủ thương hiệu áo dài và khăn thêu CATINA chia sẻ: Niềm yêu thích và đam mê công việc thêu may vải đã ăn sâu vào tiềm thức chị từ lâu. “Lúc nhỏ, tôi được nhìn được ngắm, được tập làm trên các sản phẩm thủ công nên rất mê các tác phẩm nghệ thuật được bàn tay khéo léo, tài hoa của nghệ nhân, thợ thêu “tô màu bằng chỉ”, những viên đá pha lê trang trí trên quần áo lấp lánh như những giọt sương mai trên áo dài, khăn, váy… Có lẽ bởi thế mà tôi làm công việc này không chỉ vì sự hài lòng của khách hàng mà còn vì lòng đam mê và yêu nghề”… - chị Tươi chia sẻ.

Áo dài và khăn thêu CATINA: Món quà từ làng nghề truyền thống Thường Tín - Ảnh 1

Sau khi tốt nghiệp loại giỏi của Trường Đại học Bách Khoa, chị Tươi được tuyển thẳng làm kế toán trưởng của một cơ quan Nhà nước. Ngoài 8 tiếng làm việc hành chính tại cơ quan, vì đam mê nghề thêu, mê các tác phẩm được “tô màu bằng chỉ”… nên chị Tươi vẫn sắp xếp thời gian của mình cùng chồng quản lý và điều hành công ty gia công cho một số hãng thời trang trong lĩnh vực thêu, may.

Hiện tại, chị tập trung vào công việc chính trong vai trò Giám đốc sản xuất của Công ty TNHH Thương mại TTC Việt Nam với những sản phẩm về gia công áo dài, khăn thêu, nhận thêu và may theo các đơn đặt hàng gắn liền với sự phát triển thương hiệu CATINA.

Trong suốt hơn 10 năm gia công cho các hãng thời trang, bản thân chị Tươi đã quan sát các làng nghề nổi tiếng của địa phương và nhận ra thực trạng các làng nghề hiện nay gia công cho các bên xuất khẩu ra nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước phụ thuộc lớn vào các đơn đặt hàng, không chủ động được việc sản xuất và bố trí việc làm cho thợ. Chính vì vậy, năm 2022 chị Tươi bắt đầu xây dựng thương hiệu riêng - Áo dài và khăn thêu CATINA (viết tắt “Cao cấp Thường Tín Việt Nam”), với mong muốn mỗi sản phẩm bên mình là một món quà của làng nghề Thường Tín, Hà Nội, gửi tặng khách hàng.

Làm việc với đam mê và tâm huyết

Trong quá trình làm nghề, chị Tươi nhận thấy khách hàng hiện nay đòi hỏi nhiều điều hơn ở một sản phẩm hoặc dịch vụ. Không chỉ giá cả, chất lượng hay uy tín thương hiệu mà còn nằm ở những yếu tố lớn hơn như trách nhiệm xã hội, giải quyết vấn đề về môi trường như thế nào. Đã từng có những khách hàng hỏi chị, khi thực hiện những công việc thêu may vải này, liệu có bị ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường hay không? Đó cũng chính là điều mà chị Tươi đang cố gắng thực hiện giảm tải sự ô nhiễm bằng những hành động thiết thực.

Áo dài và khăn thêu CATINA: Món quà từ làng nghề truyền thống Thường Tín - Ảnh 2

“Công ty tôi đang thử nghiệm, ưu tiên các loại vải được dệt từ nguyên liệu thiên nhiên, vải thân thiện với môi trường, có khả năng tự huỷ sinh học và trong quá trình tạo ra các sợi vải không thải ra những chất độc hại làm ô nhiễm môi trường. Đặc biệt vẫn phải giữ mát mùa Hè và giữ nhiệt mùa Đông, gần gũi với người tiêu dùng, phù hợp với những người có làn da nhạy cảm và dễ bị kích ứng” - Chủ thương hiệu CATINA cho biết.

Cũng bởi vậy, nét riêng của áo dài và khăn thêu CATINA chính là luôn ưu tiên sử dụng loại vải được dệt từ thiên nhiên, nhung the tơ tằm đối với khăn thêu và vải Obre áo dài được các nghệ nhân lành nghề thêu họa tiết. Đặc biệt, từ hộp quà, khuy cài và sản phẩm thêu may được sử dụng từ làng nghề truyền thống Thường Tín (hộp từ làng nghề mây tre đan Ninh Sở, khuy cài làng nghề tiện gỗ Nhị Khê và hộp sơn mài của làng nghề sơn mài Hạ Thái. Các sản phẩm áo dài và khăn thêu được các nghệ nhân thực hiện).

Chia sẻ về điểm mạnh của thương hiệu, chị Tươi cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đã và đang gia công cho các thương hiệu, các công ty nổi tiếng trong thời gian dài, vì vậy mà tôi được tiếp xúc với nhiều loại vải, nhiều loại chất liệu, kiểu dáng… Từ đó, bản thân tôi cũng như đồng nghiệp sẽ phân tích được điểm mạnh, điểm yếu mỗi chất vải và xu hướng nguyên liệu sử dụng trong thời gian tới của các nhà thiết kế trong và ngoài nước. Cộng với thế mạnh nguồn lực sẵn có tại làng nghề từ bao bì đến thợ thêu, may áo dài, khăn thêu may, hơn nữa CATINA không chỉ có nét riêng trên mỗi sản phẩm mà còn có giá thành cạnh tranh với sản phẩm cùng phân khúc”.

Áo dài và khăn thêu CATINA: Món quà từ làng nghề truyền thống Thường Tín - Ảnh 3

Với nỗ lực của mình, sản phẩm áo dài và khăn thêu của CATINA được người tiêu dùng nồng nhiệt đón nhận. Ngày 09/1/2023 (Âm lịch) vừa qua, chị Tươi được tặng giấy khen tại lễ khai bút đầu năm, nơi ghi danh các nhà khoa bảng của huyện Thường Tín. Gần đây nhất, ngày 29/7/2023 sản phẩm khăn thêu của CATINA vinh dự được nữ doanh nhân Bùi Thanh Hương - Chủ tịch sáng lập tổ chức Happy Women Leader Network chọn làm quà tặng các vị khách quý, các nữ doanh nhân tiêu biểu của các tỉnh, thành trên cả nước. Đây là những thành tựu mà chị cảm thấy tự hào, thôi thúc chị cần cố gắng hơn, học tập và trau dồi nhiều hơn để bảo tồn và phát huy nét đẹp làng nghề truyền thống của huyện nhà.

 

“Kinh nghiệm gia công, kinh nghiệm sản xuất nhiều năm giúp chúng tôi định hướng lựa chọn nguyên liệu, kiểu dáng, mẫu mã, họa tiết thêu. Có thể vẫn còn tồn tại một số khó khăn nhất định trong khâu marketing, tiếp cận khách hàng trực tiếp, quảng bá sản phẩm rộng ra thị trường trong nước và quốc tế, nhưng chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục có những chiến lược cụ thể trong thời gian tới, làm sao để có thể lan tỏa rộng rãi tinh hoa của làng nghề truyền thống Thường Tín đi khắp các tỉnh, thành trên cả nước và bạn bè quốc tế thông qua những sản phẩm của CATINA”.

Tin Cùng Chuyên Mục