Bất động sản công nghiệp năm 2023 dự báo chững lại do tăng cạnh tranh hút FDI với Indonesia

Giang Phạm

Báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDirect mới đây cho thấy, động lực tăng trưởng của bất động sản công nghiệp đang dần phai mờ và thiếu yếu tố dẫn dắt.

Nguồn cung hạn chế, dự báo sẽ còn khan hiếm tới cuối năm 2023

Sau khi bùng nổ nguồn cung trong 6 tháng đầu năm, thị trường khu công nghiệp phía Nam không có dự án mới nào đi vào hoạt động trong quý III. Tổng diện tích đất trong 9 tháng tăng 9,2% so với cùng kỳ lên 41.950 ha, diện tích cho thuê tăng 8,2% lên 27.950 ha.

Thị trường miền Bắc cũng khá trầm lắng khi 9 tháng đầu năm chỉ ghi nhận 2 dự án mới đi vào hoạt động là KCN Thuận Thành 1 tại Bắc Ninh và KCN An Phát 1 tại Hải Dương với diện tích cho thuê lần lượt là 160ha và 130ha. Tổng diện tích đất công nghiệp trong 9 tháng tăng 2,7% lên 16.072 ha; tỷ lệ lấp đầy tính đến cuối quý III tăng 4,7% lên khoảng 80-82%.

Thị trường khu công nghiệp miền Bắc cũng khá trầm lắng trong 9 tháng đầu năm 2022.
Thị trường khu công nghiệp miền Bắc cũng khá trầm lắng trong 9 tháng đầu năm 2022.

Báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDirect mới đây cho thấy, động lực tăng trưởng của bất động sản công nghiệp đang dần phai mờ và thiếu yếu tố dẫn dắt.

Cụ thể, dòng vốn FDI chậm lại khi vốn đăng ký mới trong 9 tháng đầu năm giảm 15,3% so với cùng kỳ. Nguyên nhân do nhà đầu tư thận trọng với nền kinh tế toàn cầu phục hồi còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và việc Fed tăng lãi suất có thể tác động đến dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, nguồn cung mới suy giảm do những khó khăn trong thủ tục pháp lý. VnDirect dự báo, thị trường bất động sản công nghiệp sẽ khan hiếm nguồn cung mới từ nay đến cuối năm 2023 ở cả hai miền Nam - Bắc. Riêng tại miền Nam, thời gian khan hiếm có thể kéo dài đến năm 2026.

Giá thuê đất trong quý III tại Bà Rịa-Vũng Tàu ghi nhận mức tăng mạnh nhất 19% so với cùng kỳ lên 101 USD/m2/thời hạn thuê.
Giá thuê đất trong quý III tại Bà Rịa-Vũng Tàu ghi nhận mức tăng mạnh nhất 19% so với cùng kỳ lên 101 USD/m2/thời hạn thuê.

Với nguồn cung mới hạn chế trong một năm qua, giá thuê đất trong quý III tại Bà Rịa-Vũng Tàu ghi nhận mức tăng mạnh nhất 19% so với cùng kỳ lên 101 USD/m2/thời hạn thuê. Tuy nhiên, đây là mức giá thấp nhất trong số 5 tỉnh, thành phố công nghiệp trọng điểm phía Nam. TP HCM có giá chào thuê cao nhất, có thể lên tới 300 USD/m2/thời hạn thuê tại các vị trí đắc địa.

Tương tự thị trường phía Nam, giá thuê đất tại 5 tỉnh, thành phố công nghiệp trọng điểm phía Bắc vẫn duy trì ở mức cao trong quý III, với mức tăng trung bình 12% so với cùng kỳ lên 121 USD/m2/thời hạn thuê. Hưng Yên là địa phương tăng giá thuê cao nhất khoảng 17% so với cùng kỳ lên 100 USD/m2/thời hạn thuê.

Gia tăng áp lực cạnh tranh thu hút vốn FDI tới từ Indonesia

Bên cạnh yếu tố nguồn cung đất công nghiệp được dự báo khan hiếm cả hai miền Nam và Bắc trong thời gian tới, VNDirect cho rằng, phân khúc bất động sản này còn chịu áp lực cạnh tranh gia tăng trong việc thu hút vốn FDI với Indonesia.

Trong 10 tháng đầu năm, vốn FDI đăng ký của Việt Nam giảm 5,4% so với cùng kỳ xuống 22,5 tỷ USD, trong khi vốn FDI thực hiện vẫn tăng trưởng 15,2% so với cùng kỳ lên 17,5 tỷ USD. 

Việt Nam nằm trong top các quốc gia thu hút vốn FDI tốt nhất khu vực trong năm 2022
Việt Nam nằm trong top các quốc gia thu hút vốn FDI tốt nhất khu vực trong năm 2022

Việt Nam nằm trong top các quốc gia thu hút vốn FDI tốt nhất khu vực trong năm 2022. Việt Nam có sức hút vững chắc nhờ vị trí gần Trung Quốc, giá thuê đất thấp, chi phí năng lượng cạnh tranh và lao động lành nghề. Tuy nhiên, đang có sự cạnh tranh ngày càng gia tăng từ các quốc gia khác và Việt Nam hiện đang tụt lại phía sau trong việc thu hút dòng vốn FDI vào ngành xe điện và công nghiệp bán dẫn.

Nhóm phân tích VnDirect cho biết, việc Indonesia ban hành Luật Omnibus trong năm 2020 đã mang đến nhiều cơ hội đầu tư và hoạt động cho các công ty nước ngoài vào quốc gia này.

Kể từ đó, dòng vốn FDI vào Indonesia tăng trưởng tích cực 10% so với cùng kỳ trong năm 2021 và tăng 46% so với cùng kỳ lên 31 tỷ USD trong 9 tháng năm 2022. Việt Nam và Indonesia là hai quốc gia nhận được nhiều vốn FDI nhất. Nếu như Việt Nam đang chuyển mình thành trung tâm sản xuất thiết bị điện tử thì Indonesia lại hướng đến phát triển chuỗi cung ứng xe điện. 

Chuyên gia của VnDirect nhận định, sự phát triển của ngành xe điện và bán dẫn sẽ định hình bối cảnh đầu tư tại ASEAN. Những thay đổi lớn trong hai ngành này gồm thu hút nhiều loại hình nhà đầu tư mới, gia tăng thêm phân khúc mới trong chuỗi giá trị, mở rộng công suất và tham gia nhiều hơn vào mạng lưới sản xuất khu vực. Do tiềm năng về thu hút vốn đầu tư FDI của hai ngành này trong các năm tới tiếp tục tăng cao, các nước trong khu vực đã tích cực đẩy mạnh hút vốn

"FDI cho sản xuất xe điện, bao gồm cả sản xuất pin, đồng thời khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xe điện. Tuy nhiên, Việt Nam đang chậm hơn so với các nước khác trong xu hướng này, khiến cho Việt Nam có thể bị giảm sức hấp dẫn trong việc thu hút dòng vốn FDI", VnDirect nêu tại báo cáo.

Với nhà kho và nhà xưởng xây sẵn, VNDirect đưa ra dự báo nguồn cung ở hai mảng này tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Trong đó, thương mại điện tử bùng nổ là động lực chính cho sự tăng trưởng này, nhằm đáp ứng nhu cầu của ngành logistics.

Tin Cùng Chuyên Mục