Chưa nhận thấy ngành này ở Việt Nam có "cửa" giàu, startup SaleMall được Google, Facebook tài trợ bị các Shark từ chối

An An

Nhận thấy ngành này ở Việt Nam chưa nhìn thấy “cửa” giàu nên Shark Bình quyết định không đầu tư. Trong khi đó, Shark Erik đánh giá lĩnh vực này đang cạnh tranh rất lớn tại thị trường châu Á nên ông không đầu tư.

Ông Đức Nguyễn - nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của SaleMall đến Shark Tank để gọi 1,1 triệu USD cho 10% cổ phần.

SaleMall được thành lập từ đầu năm 2018, cung cấp các sản phẩm phục vụ quản lý bán hàng và marketing như: hệ thống cung cấp nguồn hàng; hệ thống quản lý bán hàng đa kênh; marketing tự động bằng công nghệ AI; chatbot, callbot; cổng kết nối với đơn vị vận chuyển; hệ thống thanh toán…

Sau 5 năm phát triển, SaleMall đã có hơn 300 ngàn user (người dùng) và mở rộng kinh doanh sang một số nước trong khu vực Đông Nam Á.

Nhằm tiếp tục phát triển trong khu vực cũng như đầu tư vào hệ thống công nghệ, đặc biệt là công nghệ AI, SaleMall đến Shark Tank kêu gọi đầu tư 1,1 triệu USD cho 10% cổ phần.

Chưa nhận thấy ngành này ở Việt Nam có "cửa" giàu, startup SaleMall được Google, Facebook tài trợ bị các Shark từ chối  - Ảnh 1

Trả lời câu hỏi của các Shark về bức tranh tài chính, ông Đức Nguyễn cho biết, SaleMall đã hòa vốn vào năm 2021. Đến năm 2022, doanh thu của SaleMall đạt 600 ngàn USD, đến từ 3 sản phẩm chính là: hệ thống SaaS (Software as a service – phần mềm dạng dịch vụ), phần mềm quản lý bán hàng và phần mềm marketing tự động. SaleMall đang cung cấp dịch vụ cho hơn 100 ngàn khách hàng, chủ yếu là các doanh nghiệp SMEs (doanh nghiệp vừa và nhỏ). Trong đó, có gần 32 ngàn shop trả tiền.

Theo Giám đốc điều hành SaleMall, mô hình chuẩn của startup là freemium (cung cấp dịch vụ cơ bản miễn phí) nhưng khi khách hàng muốn sử dụng thêm các tính năng khác thì startup này thu phí theo mô hình subscription (thuê bao). Ông cũng tự tin retention rate (tỷ lệ giữ chân khách hàng) của SaleMall hiện đang tốt hơn so với mặt bằng, đạt mức từ 40 – 50%. 

"Đối thủ cạnh tranh trong ngành này rất nhiều. Làm thế nào để khách hàng, người dùng cuối phân biệt được Salekit bên mình với các sản phẩm tương tự trên thị trường?”, Shark Tuệ Lâm đặt câu hỏi.

Ông Đức Nguyễn cho rằng USP của SaleMall chính là con người với khoảng 100 nhân sự. Đội ngũ lãnh đạo của startup đã đi với nhau nhiều năm. Ngoài ra, startup này tự tin có đội ngũ lập trình viên và đội chăm sóc khách hàng “không bao giờ tắt chat và tắt đèn trước 11 giờ tối, kể cả lễ, tết”.

“600.000 USD sao bạn trả lương cho tới 100 nhân viên được? Doanh thu có 600.000 USD là 1 tỷ, chia cho 100 nhân viên thì tính trung bình một nhân viên nhận được dưới 10 triệu. Bạn phải có chi phí điện, nước, máy tính… đúng không”, Shark Hùng Anh đặt vấn đề.

CEO SaleMall giải thích rằng lương của doanh nghiệp chia ra nhiều cấp độ. Trong đó chi trả nhiều nhất là cho đội lập trình viên. Nhân viên marketing và sale sẽ có lương, lương KPI và thưởng. Bên cạnh đó, startup còn có nguồn thu đến từ những hợp đồng với các công ty lớn.

“4 năm đầu tiên, ngoài số vốn vài tỷ mà tất cả cổ đông đã đóng góp thì có những thời điểm ban lãnh đạo phải đi vay mượn, phải thế chấp nhà để tất tay. Nhưng thời điểm đấy đã qua rồi. Chúng tôi đã xin được những nguồn tài trợ rất tốt, ví dụ của Microsoft, Amazon, Google, Facebook… giúp chúng tôi giải quyết vấn đề lớn thứ hai sau lương nhân sự, đấy là hạ tầng”, ông Đức Nguyễn chia sẻ.

Chưa nhận thấy ngành này ở Việt Nam có "cửa" giàu, startup SaleMall được Google, Facebook tài trợ bị các Shark từ chối  - Ảnh 2

Không đồng tình với cách làm này, Shark Hùng Anh lên tiếng: “Mình làm ăn là không thể nào đi xin tiền được. Làm ăn là mình phải có lãi, không ai xin hoài được, không ai cho hoài được”. Ông cũng cho rằng, startup định giá doanh nghiệp 10 triệu USD là con số cao trong khi doanh thu dự kiến năm 2024 là 1 triệu USD.

Shark Bình phân tích rằng, mô hình của startup tưởng là không có giá vốn, nhưng thực ra giá giá vốn ẩn rất cao. Giá vốn đầu tiên là chi phí bán hàng có thể lên đến 50 - 70% doanh thu. Chi phí ẩn tiếp theo là tỉ lệ retention (giữ chân) rất thấp, thông thường chỉ từ 20 - 30%. Và tất cả dẫn đến giá trị vòng đời của một khách hàng cực kỳ thấp. Nhận thấy ngành này ở Việt Nam chưa nhìn thấy “cửa” giàu nên Shark Bình quyết định không đầu tư.

Shark Hưng cho biết, startup định giá doanh nghiệp lên đến chục triệu USD nhưng chưa nhìn thấy điểm đặc biệt trong khi những ứng dụng kiểu này đã tương đối bão hòa. Nhận thấy cuộc chơi của startup còn cần “đốt tiền” rất nhiều nên ông từ chối đầu tư.

Shark Hùng Anh từ chối thương vụ bởi hiệu quả kinh doanh thấp. Shark Erik đánh giá lĩnh vực này đang cạnh tranh rất lớn tại thị trường châu Á nên ông không đầu tư.

Shark Tuệ Lâm cho biết những chỉ số mà startup đưa ra chưa đủ hấp dẫn nên cũng không đầu tư. 

Tin Cùng Chuyên Mục