Cuộc đua mở rộng quy mô của các “ông lớn” ngành bán lẻ

Phong Vân

Sau 2 năm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất và thị trường hàng hóa nước ta đã dần phục hồi, nhu cầu mua sắm gia tăng. Nhờ đó, Việt Nam trở thành thị trường đầy tiềm năng với các doanh nghiệp bán lẻ cả trong nước và nước ngoài.

Theo Bộ Công thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm nay có quy mô cũng như tốc độ tăng cao hơn so với nhiều năm lại đây. Trong 9 tháng đầu năm 2022, thị trường này đã tăng 14,2% so với cùng giai đoạn của năm 2019.

Chính vì thế, Việt Nam được đánh giá là một thị trường bán lẻ đầy tiềm năng. Thời gian gần đây, các “ông lớn” ngành bán lẻ cả nước ngoài lẫn nội địa đều đua nhau mở rộng sự hiện diện trên khắp đất nước.

Nổi bật nhất là tập đoàn Central Retail (Thái Lan) sở hữu chuỗi siêu thị GO!, Big C, Tops Market. Tập đoàn đa quốc này đang lên kế hoạch “thống trị” ngành bán lẻ của Việt Nam trong 5 năm tới.

Cụ thể, nhà bán lẻ hàng đầu Thái Lan sẽ đầu tư thêm 30 tỷ baht (khoảng 25.000 tỷ đồng) vào thị trường Việt Nam trong giai đoạn 2022 – 2026 để tăng gấp đôi số lượng cửa hàng từ 340 lên 710. Ngoài ra, tập đoàn cũng đang lên kế hoạch phủ sóng 55 trong số 63 tỉnh thành trên cả nước, thúc đẩy doanh số lên 65.000 tỷ đồng và hướng đến mục tiêu chiếm 30% thị phần bán hàng tại Việt Nam vào năm 2026.

Tập đoàn Central Retail đầu tư thêm 25.000 tỷ đồng để mở thêm cửa hàng tại Việt Nam
Tập đoàn Central Retail đầu tư thêm 25.000 tỷ đồng để mở thêm cửa hàng tại Việt Nam

Ông Olivier Langlet, Tổng Giám đốc Central Retail Việt Nam cho biết, Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm. Doanh số của thị trường Việt Nam tăng trưởng cao qua từng năm. Trong năm 2021, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng tổng mức bán lẻ hàng hóa tại thị trường Việt Nam vẫn tăng 0,2% và lập kỷ lục mới về doanh số. Central Retail hiện có hơn 300 cửa hàng và 39 trung tâm thương mại, với tổng diện tích bán lẻ lên đến hơn 1 triệu m² tại Việt Nam.

Một đơn vị bán lẻ nước ngoài khác là Tập đoàn Aeon cũng đang lên kế hoạch mở rộng quy mô tại Việt Nam.

Tháng 7 vừa qua, ông Nakagawa Tetsuyuki, Tổng Giám đốc Aeon Mall Việt Nam tiết lộ, công ty dự định sẽ tăng gần gấp ba số lượng trung tâm thương mại ở Việt Nam trong thời gian từ nay tới năm 2025 để giành lợi thế trong lĩnh vực này. Dự định 16 trung tâm thương mại sẽ được xây dựng và đưa vào vận hành, trong đó có trung tâm thương mại Aeon Mall Huế.

Aeon hiện có khoảng 200 cửa hàng tại Việt Nam, gồm 6 trung tâm mua sắm và các siêu thị. Phần lớn siêu thị tập trung ở TP.HCM và Hà Nội. Tại khu vực Hà Nội, Aeon cũng có kế hoạch tăng số lượng siêu thị lên gấp 10 lần (100 siêu thị) vào năm 2025.

Không nằm ngoài cuộc đua của các “ông lớn” ngoại quốc, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước cũng đang cấp tốc gia tăng số lượng cửa hàng trên toàn quốc.

Đứng đầu là “vua bán lẻ” Massan. Năm 2019, Masan đã mua lại chuỗi bán lẻ VinCommerce và đổi tên thành WinCommerce để mở rộng mô hình kinh doanh sang ngành bán lẻ. Dưới sự dẫn dắt của Masan, hệ thống siêu thị WinMart và cửa hàng WinMart+ đã phát triển vô cùng mạnh mẽ. Từ mức lỗ 1.234 tỷ đồng trong năm 2020, sau một năm WinCommerce “trở mình” đạt được lợi nhuận 1.100 tỷ đồng.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, WinCommerce khai trương thêm 447 cửa hàng Winmart+ nâng tổng số cửa hàng lên 3.049. Với số lượng này, mảng bán lẻ của tập đoàn Masan đã chiếm 48% thị phần các siêu thị, cửa hàng tiện lợi.
Chưa dừng lại ở đó, Masan vẫn đang tiếp tục mở rộng quy mô để tiến tới mục tiêu nắm 50% thị phần cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, Saigon Co.op cũng dự định hoàn thành chỉ tiêu khai trương 100 điểm bán lẻ trong năm nay. Nhiều nhà bán lẻ khác như: MM Mega Market, BRGMart… cũng lên kế hoạch mở rộng đầu tư, mở rộng hệ thống để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Tin Cùng Chuyên Mục