Đánh bại Trung Quốc, Việt Nam giành ngôi vương xuất khẩu thời trang vào Mỹ

Giang Phạm

Nếu như 7 tháng trước, Trung Quốc vẫn là nhà cung ứng lớn nhất cho các công ty thời trang ở Mỹ thì nay lợi thế đã không còn bởi đại dịch Covid-19 và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang.

Ngành công nghiệp thời trang Mỹ phụ thuộc nhiều vào sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt đến từ các nước vùng Đông Á và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc. 

Từng là nhà cung ứng lớn nhất cho công ty thời trang Mỹ, Trung Quốc bất ngờ bị "truất ngôi" khi số liệu của Bộ thương mại Mỹ mới đây cho thấy, lượng hàng may mặc mà Mỹ nhập từ Trung Quốc đã giảm từ 30% vào năm 2019 xuống 20% ở nửa đầu năm 2020. Trong khi đó, tỷ lệ nhập khẩu hàng từ Việt Nam đã cao hơn năm ngoái 4%, đạt mức 29%.

Đưa ra những giá hời, ngành may mặc Trung Quốc vẫn hút được một lượng đối tác từ Mỹ.
Đưa ra những giá hời, ngành may mặc Trung Quốc vẫn hút được một lượng đối tác từ Mỹ.

Mặc dù lượng hàng nhập khẩu có ít đi thế nhưng Mỹ khó lòng có thể bỏ được đối tác này bởi điều cốt yếu là mức giá nhà cung ứng Trung Quốc đưa ra luôn thấp hơn nhiều so với mức trung bình. Cùng với đó, các nhà sản xuất và thương nhân Trung Quốc đều "mạnh tay" giảm giá nhằm duy trì đơn hàng từ nước ngoài.

Các đơn giá hàng may mặc Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc giảm tới 16%, từ 2,25 USD/m2 vào năm ngoái xuống còn 1,88 USD trong 6 tháng đầu năm nay. Mức giảm này lớn hơn nhiều so với mức giảm trung bình 3% của tất cả hàng may mặc nhập khẩu các quốc gia khác.

Số liệu của Bộ Kế hoạch và đầu tư cho thấy, sau 3 thập kỷ, lượng vốn FDI mà các doanh nghiệp ngoại mang đến Việt Nam để đầu tư vào ngành dệt, nhuộm là 19,3 tỷ USD, với 1.383 dự án. Hàn Quốc luôn giữ ngôi vương “anh cả” trong làn sóng đầu tư dệt may vào Việt Nam, tiếp đến là Đài Loan, Hong Kong, Trung Quốc.

Tính đến tháng 7, Mỹ đã nhập khẩu các sản phẩm dệt, may mặc, sản phẩm dệt gia dụng của Trung Quốc ước tính trị giá 30 tỷ USD và mức thuế Mỹ phải chịu là 7,5%.

Tuy Trung Quốc "hạ giá" mạnh nhưng Sheng Lu, phó giáo sư nghiên cứu thời trang và may mặc tại Đại học Delawarem cho rằng nếu như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung còn tiếp diễn, khả năng cao các công ty thời trang Mỹ sẽ cắt giảm nguồn cung đến từ Trung Quốc, ngay cả khi phải chấp nhận mức giá cao hơn. 

Không những thế, nhiều nhà sản xuất của Mỹ đã tiến hành chuyển dịch đơn hàng sang các nước láng giềng của Trung Quốc như Việt Nam nhằm tận dụng chi phí lao động thấp hơn và cũng tránh thuế nhập khẩu của Mỹ.

Điều này sẽ giúp kinh tế Việt Nam phát triển cũng như mở ra nhiều cơ hội mới trong lĩnh vực sản xuất hàng may mặc. 

Tuy nhiên, do vướng đại dịch nên sự chuyển dịch này có phần chậm lại. 70% lãnh đạo trong Hiệp hội ngành công nghiệp thời trang Mỹ vẫn tuyên bố sẽ tiếp tục giảm mạnh nguồn cung ứng từ Trung Quốc cho đến hết năm 2022.

"Để có thể chiếm được lòng tin cũng như thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp thời trang Mỹ, công ty may hàng xuất khẩu cần phải chú trọng phát triển năng lực sản xuất, chỉn chu trong từng sản phẩm, chất lượng vải tốt cùng mức giá hấp dẫn... có như vậy đối tác Mỹ mới an tâm để dịch chuyển đơn hàng", một trong các CEO may mặc chia sẻ.

Tin Cùng Chuyên Mục