Dệt may Thành Công (TCM) lợi nhuận tháng 4/2023 tăng trưởng nhờ chuyển nhượng cổ phiếu

An Nhiên

Mặc dù lợi nhuận của hoạt động chính dệt may giảm so với cùng kỳ theo tỉ lệ sụt giảm của doanh thu và tình hình chung của ngành. Tuy nhiên nhờ vào khoản lợi nhuận khác từ hoạt động tài chính nên TCM vẫn ghi nhận lợi nhuận sau thuế 4 tháng đầu năm đạt 3.757.000 USD đạt 96% so với cùng kỳ. 

Công ty Dệt may Thành Công ( mã CK: TCM) mới đây vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 4/2023.

Cụ thể, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu là 10.587.000 USD (tương ứng 249 tỷ đồng), đạt 62% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu dệt may của Công ty trong tháng 4/2023 đến từ 3 mảng chính là sản phẩm may, vải và sợi với tỷ lệ tương ứng 78%, 15%, 5%.

Dệt may Thành Công (TCM) lợi nhuận tháng 4/2023 tăng trưởng nhờ chuyển nhượng cổ phiếu - Ảnh 1

Lợi nhuận sau thuế tháng 4/2023 là 1.515.000 USD (tương ứng 35,5 tỷ đồng) đạt 180,8% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn lợi nhuận này chủ yếu đến từ nguồn dệt may và thu nhập tài chính từ việc chuyển nhượng cổ phiếu và nhận được một phần thanh toán từ khoản phải thu từ khách hàng Sear – Kmart.

Nhìn nhận về tình hình chung của ngành dệt may Quý 1/2023 vừa qua và cả năm 2023 đã và sẽ phải đối mặt với các khó khăn liên tiếp khi sản lượng tiêu thu đầu ra bị sụt giảm mạnh do nhu cầu của người dân giảm sút, đồng thời tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu khiến người tiêu dùng sẽ có xu hướng thắt chặt chi tiêu hơn.

Theo thống kê kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chính của Việt Nam trong tháng 4/2023, trong tổng 34 mặt hàng xuất khẩu chính có tới 27 mặt hàng ghi nhận kim ngạch giảm so với cùng kỳ năm 2022, trong đó dệt may đạt 2,4 tỷ USD giảm 23,9% so với cùng kỳ năm trước.

TCM cũng bị ảnh hưởng không hề nhỏ tới sản lượng tiêu thụ tại các thị trường Mỹ và EU – những nơi đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi suy thoái kinh tế và lạm phát cao. Doanh nghiệp đã kịp thời đối phó với tình huống này bằng chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu khi xây dựng và phát triển song song các thị trường Châu Á như Nhật và Hàn Quốc, đồng thời chú trọng phát triển thị trường nội địa với mảng vải – sợi.

Xét trong tháng 4/2023, TCM xuất khẩu sang thị trường Châu Á chiếm 54,3% trong đó thị trường Hàn Quốc chiếm 20,98%, thị trường Nhật chiếm 15,98%, Trung Quốc chiếm 4,12%. Tiếp đến là thị trường Châu Mỹ chiếm 41% trong đó thị trường Mỹ chiếm 36,15%, Canada chiếm 4,84%; thị trường Châu Âu chiếm 3,3%.

Dệt may Thành Công (TCM) lợi nhuận tháng 4/2023 tăng trưởng nhờ chuyển nhượng cổ phiếu - Ảnh 2

Tổng hợp 4 tháng kinh doanh đầu năm của TCM, doanh thu lũy kế 4 tháng đầu năm đạt 47.260.000 USD đạt 73% so với cùng kỳ. Mặc dù lợi nhuận của hoạt động chính dệt may giảm so với cùng kỳ theo tỉ lệ sụt giảm của doanh thu và tình hình chung của ngành, tuy nhiên nhờ vào khoản lợi nhuận khác từ hoạt động tài chính nên lợi nhuận sau thuế 4 tháng đầu năm đạt 3.757.000 USD đạt 96% so với cùng kỳ.

Cụ thể khoản lợi nhuận từ hoạt động tài chính đến từ việc chuyển nhượng cổ phiếu của CTCP Hợp tác Kinh tế và Xuất nhập khẩu Savimex (mã CK: SAV).

Trước đó,  TCM đã thực hiện chuyển nhượng cổ phiếu SAV thành 2 đợt: Đợt 1 là  2,38 triệu cổ phiếu từ ngày 13/3 đến 11/4/2023. Đợt 2 đã thực hiện chuyển nhượng 1,2 triệu cổ phiếu thời gian từ ngày 19/4 đến 18/5/2023. Số lượng cổ phiếu TCM nắm giữ còn lại sau 2 giao dịch trên là hơn 200 nghìn cổ phiếu chiếm tỉ lệ 1,13%.

Savimex được biết tới là đơn vị sản xuất, gia công và xuất khẩu đồ gỗ, hàng mộc gia dụng, đồ gỗ trang trí nội thất. Kết quả kinh doanh Quý 1/2023 của đơn vị này cũng không mấy khả quan khi ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận sau thuế giảm 52% so với cùng kỳ chỉ đạt 6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ ghi nhận lãi gần 13 tỷ đồng.

Quý đầu năm, tình hình thị trường diễn biến với nhiều bất lợi khiến các doanh nghiệp sợi không có cầu, giá bán sợi chưa thể cải thiện trong ngắn hạn. Còn doanh nghiệp may thiếu đơn hàng và giá gia công giảm mạnh 20-50%. Trong khi đó, chi phí (xăng dầu, lương, điện, lãi suất) trong nước có xu hướng tăng.

Khó khăn chung của ngành đã khiến doanh thu và lợi nhuận của hầu hết các doanh nghiệp may và sợi đều sụt giảm mạnh so với cùng kỳ. Dữ liệu từ báo cáo tài chính cho thấy, trong tổng số 20 doanh nghiệp dệt may trên sàn đã công bố kết quả kinh doanh quý 1/2023, chỉ có 2 doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận dương, trong khi có tới 13 doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận âm và 5 doanh nghiệp thậm chí báo lỗ.

Trong bối cảnh kết quả kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp ngành dệt may sa sút trong quý 1 và khả năng còn tiếp tục “đi lùi” trong quý 2, một số dự báo cho rằng cầu thị trường dệt may còn thấp ít nhất đến hết quý 3/2023 do việc thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng giữa bối cảnh lãi suất duy trì cao, tăng trưởng thấp và tình hình tài chính biến động.

Về tình hình đơn hàng của TCM, hiện nay công ty đã nhận khoảng 80% kế hoạch doanh thu đơn hàng cho Quý 2 và đã nhận khoảng 65% đơn hàng cho Quý 3/2023. Và công ty cũng dự kiến đơn hàng vào tháng 3 và tháng 4 có thể sẽ khả quan hơn khi người dân Mỹ và các nước chi tiêu, mua sắm nhiều hơn cho mùa lễ hội.

Tin Cùng Chuyên Mục