Đối tác chiến lược 'dứt áo ra đi' sau 4 năm rót vốn trong bối cảnh MISA kinh doanh có chiều hướng tụt lùi?

An Chi

Sau khi nhận vốn từ đối tác chiến lược TA Associates, quy mô của MISA đã không ngừng mở rộng tuy nhiên lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này lại có xu hướng đi lùi.

Đối tác chiến lược 'dứt áo ra đi' sau 4 năm rót vốn trong bối cảnh MISA kinh doanh có chiều hướng tụt lùi?

Đối tác chiến lược thoái vốn sau 4 năm?

Dẫn nguồn tin thân cận chia sẻ với Doanhnhan.vn, quỹ đầu tư tư nhân toàn cầu TA Associates đã triển khai quy trình bán cổ phần thiểu số của mình tại Công ty Cổ phần MISA. Các nguồn tin cho biết, quỹ đã thuê BDA Partners để bán cổ phần với quy mô giao dịch dự kiến trên 150 triệu USD.

TA Associates vào năm 2019 đã công bố khoản đầu tư thiểu số vào MISA với số tiền khoảng 30 triệu USD theo DealStreetAsia. Theo một trong những nguồn tin, quỹ đầu tư tư nhân này đang nắm giữ khoảng 30% cổ phần của MISA.

Động thái thoái vốn của TA Associates gây bất ngờ khi trước đó ông Lữ Thành Long, nhà sáng lập và Chủ tịch MISA từng rất tự tin với sự hợp tác này khi khẳng định TA Associates với kinh nghiệm toàn cầu trong lĩnh vực phần mềm và công nghệ được kỳ vọng sẽ đưa MISA lên tầm cao mới.

Khi chúng tôi tìm cách tăng cường quy mô kinh doanh và tăng trưởng thông qua nhiều dịch vụ mới, điều quan trọng là phải có một đối tác thực sự ở bên cạnh chúng tôi hoàn toàn phù hợp và hỗ trợ chiến lược tiếp theo của chúng tôi, hiểu rõ về ngành công nghiệp phần mềm và cung cấp giá trị gia tăng, ông Lữ Thành Long chia sẻ nhân sự kiện cách đây 4 năm.

Được thành lập vào năm 1994, MISA là một trong những công ty hàng đầu trong ngành phần mềm cung cấp phần mềm kế toán, tài chính, hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP) và quản lý kinh doanh cho các doanh nghiệp, chính phủ và cá nhân tại Việt Nam, phục vụ hơn 70.000 khách hàng thuộc khu vực chính phủ và 170.000 doanh nghiệp, theo tiết lộ của công ty.

Vào tháng 10 năm ngoái, công ty đã triển khai MISA Lending để phục vụ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức về tài chính. Đây là nền tảng kết nối các doanh nghiệp sử dụng phần mềm hóa đơn điện tử của MISA với các tổ chức tín dụng, ngân hàng lớn tại Việt Nam.

Đầu tháng 4 năm ngoái, MISA và Standard Chartered Việt Nam đã triển khai dịch vụ tài trợ kỹ thuật số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua MISA Lending. Tương tự, trong tháng này, công ty cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng Shinhan Việt Nam về các giải pháp tài chính kỹ thuật số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương, như đã thông báo.

Lợi nhuận có chiều hướng "tụt lùi"

Thực tế, sau khi TA Associates bơm vốn, quy mô của MISA đã liên tục mở rộng. Tổng tài sản liên tục tăng qua từng năm, từ mức 1.315 tỷ đồng năm 2019 đã tăng hơn nghìn tỷ (gần 80%) lên gần 2.400 tỷ đồng vào cuối năm 2022. Vốn chủ sở hữu cũng tăng từ mức 935 tỷ đồng năm 2019 lên hơn 1.200 tỷ đồng vào cuối năm 2022.

Đi cùng với quá trình mở rộng quy mô, nợ phải trả của MISA cũng tăng đột biến. Đến cuối năm 2022, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp này đã vượt mức 1.100 tỷ đồng, gấp gần 3 lần thời điểm 4 năm trước. Sự gia tăng chủ yếu đến từ khoản mục doanh thu chưa thực hiện ngắn và dài hạn.

Đối tác chiến lược 'dứt áo ra đi' sau 4 năm rót vốn trong bối cảnh MISA kinh doanh có chiều hướng tụt lùi? - Ảnh 1

Với sự xuất hiện của đối tác chiến lược TA Associates, doanh thu của MISA đã tăng trưởng mạnh. Từ mức 636 tỷ đồng năm 2019 tăng vọt gấp rưỡi lên 969 tỷ đồng vào năm 2020. Sau một năm chững lại, MISA tiếp tục ghi nhận doanh thu phá đỉnh, đạt 1.151 tỷ đồng vào năm 2022, gần gấp đôi so với 4 năm trước.

Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này lại có chiều hướng đi lùi sau khi tăng vọt vào năm 2020. Đáng chú ý, tăng trưởng đột biến năm 2020 chủ yếu đến từ nền so sánh rất thấp năm 2019 khi doanh nghiệp này chỉ lãi 46 tỷ đồng, tức là bằng khoảng 1/4 so với giai đoạn 2017-2018 trước đó.

Mặc dù tăng mạnh nhưng lợi nhuận sau thuế năm 2020 của MISA vẫn chỉ đạt 187 tỷ đồng, thấp hơn giai đoạn trước năm 2019. Năm 2021, doanh nghiệp này tăng trưởng lợi nhuận âm. Đến năm 2022, MISA chỉ còn lãi ròng 154 tỷ đồng, giảm gần 15% so với cùng kỳ năm trước và là mức thấp nhất trong vòng 3 năm.

Tin Cùng Chuyên Mục