Fecon (FCN): Nghịch lý doanh nghiệp đầu tư công, nhận gói thầu nghìn tỷ nhưng "nợ" tiền bảo hiểm 

Dự Minh

Nhận các gói thầu quy mô ngàn tỷ đồng, song Fecon lại đang nợ tiền bảo hiểm cho người lao động 3 tỷ đồng. Nghịch lý này phần nào phản ánh bức tranh tài chính không thuận lợi của các doanh nghiệp đầu tư công.

Nhận các gói thầu quy mô ngàn tỷ đồng, song Fecon lại đang nợ tiền bảo hiểm cho người lao động 3 tỷ đồng. Nghịch lý này phần nào phản ánh bức tranh tài chính không thuận lợi của các doanh nghiệp đầu tư công.
Nhận các gói thầu quy mô ngàn tỷ đồng, song Fecon lại đang nợ tiền bảo hiểm cho người lao động 3 tỷ đồng. Nghịch lý này phần nào phản ánh bức tranh tài chính không thuận lợi của các doanh nghiệp đầu tư công.

Chậm đóng các loại bảo hiểm

Mới đây, Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội đã thông báo Công ty Cổ phần Fecon và một loạt các công ty con thuộc hệ sinh thái Fecon chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Số liệu tính đến hết 31/8/2023 cho thấy nhóm công ty thuộc Fecon đang nợ tiền bảo hiểm của người lao động khoảng 3 tỷ đồng.Báo cáo quý 2 của Fecon ghi nhận tại ngày 30/6/2023, doanh nghiệp có khoản nợ phải trả người lao động là 23,2 tỷ đồng; quỹ khen thưởng phúc lợi 9,4 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, nợ thuế và các khoản nộp nhà nước là 41,2 tỷ đồng.Fecon nợ tiền bảo hiểm trong bối cảnh doanh nghiệp này liên tiếp trúng thầu các gói dự án mới.

Tháng 8, doanh nghiệp này công bố trúng thầu thêm 5 dự án mới với tổng giá trị lên tới 537 tỷ đồng.Nếu tính cả các dự án đã nhận thư trao thầu, lũy kế từ đầu năm đến nay, Fecon ghi nhận tổng cộng 1.567 tỷ đồng tại các dự án chủ yếu trong mảng xây dựng công nghiệp và xây dựng hạ tầng. Dự kiến trong 5 tháng cuối năm, Fecon sẽ tiếp tục ký hợp đồng từ 2.000 - 2.500 tỷ đồng trong danh mục các dự án đang và sẽ đấu thầu.

Nghịch lý doanh nghiệp đầu tư công

Trúng các gói thầu quy mô ngàn tỷ đồng, song Fecon lại đang nợ tiền bảo hiểm cho người lao động 3 tỷ đồng. Nghịch lý này phần nào phản ánh bức tranh tài chính không thuận lợi của các doanh nghiệp đầu tư công.

Để triển khai được những dự án đầu tư công quy mô lớn, đặc thù của các doanh nghiệp ngành này là đòn bẩy cao, vay nợ lớn. Báo cáo tài chính quý 2/2023 của Fecon cho thấy công ty lỗ ròng gần 1,5 tỷ đồng do gánh nặng lãi vay.

Nửa đầu năm, Fecon vay nợ tài chính ngắn hạn trên 2.000 tỷ đồng, vay nợ tài chính dài hạn gần 1.000 tỷ đồng. Vay nợ nhiều trong khi lãi suất vẫn neo cao kể từ cuối năm 2022 dẫn tới chi phí lãi vay phát sinh tăng vọt. Riêng chi phí lãi vay phải trả trong quý 2 của Fecon là hơn 70 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm trước đó.

Lũy kế từ đầu năm đến nay, chi phí lãi vay của công ty gần 140 tỷ đồng, tăng hơn 40%. Theo giải trình của ban lãnh đạo Fecon, đây là yếu tố chính ăn mòn lợi nhuận công ty. Công ty báo lãi chỉ 1,2 tỷ đồng nửa đầu năm, gần như không đáng kể nếu so với quy mô tài sản hơn 7.500 tỷ đồng.

Từ đầu năm đến nay, giải ngân đầu tư công là một trong những lĩnh vực được Chính phủ tập trung đẩy mạnh như là một chìa khóa để thúc đẩy nền kinh tế, tăng trưởng tín dụng.Các doanh nghiệp đầu tư công được hưởng lợi khá lớn từ động thái này, khi nhiều doanh nghiệp công bố trúng nhiều gói thầu lớn, quy mô hàng trăm, thậm chí cả nghìn tỷ đồng. Mặc dù vậy, bức tranh tài chính của các doanh nghiệp này lại không mấy khởi sắc.

Công ty Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả được đánh giá là doanh nghiệp hàng đầu về đầu tư hạ tầng giao thông, đặc biệt trong lĩnh vực hầm đường bộ.

Gần đây, liên danh Đèo Cả trúng thầu gói số 6.12 “Thi công xây dựng và lập thiết kế bản vẽ thi công công trình hệ thống giao thông kết nối tuyến số 1 và số 2” của dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1.

Ước tính, Đèo Cả đang triển khai những gói thầu lớn với quy mô lên đến hơn 15.000 tỷ đồng. Những gói thầu lớn giúp Đèo cả có một quý II kinh doanh đột biến với lợi nhuận quý cao nhất kể từ khi niêm yết. Mặc dù vậy, tình trạng vay nợ của doanh nghiệp này cũng bị đẩy lên mức rất cao.

Tính tới cuối quý 2, tổng vay và nợ thuê tài chính của Đèo Cả ghi nhận hơn 20.000 tỷ đồng, chiếm 73% tổng nợ phải trả và hơn gấp đôi so với quy mô vốn chủ sở hữu công ty. Trong số này, chỉ riêng một ngân hàng đã tài trợ cho Đèo Cả hơn 19.000 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản vay dài hạn 3-5 năm. Các hợp đồng vay của Đèo Cả với các ngân hàng được đảm bảo chủ yếu bằng quyền thu phí các dự án BOT, ngoài ra còn có phần vốn gốp, quyền sử dụng nhà, cà vẹt xe ôtô.Cũng tương tự Fecon, sử dụng đòn bẩy tài chính lớn khiến chi phí lãi vay của phải trả của Đèo Cả tăng lên rất cao. Riêng 6 tháng đầu năm, công ty phải trả lãi vay hơn 300 tỷ đồng.

Tình trạng vay nợ lớn cũng xảy ra tương tự với các doanh nghiệp đầu tư công khác như Công ty Đầu tư Hạ tầng Kỹ Thuật TP.HCM (CII), Công ty Lizen (LCG) hay Tập đoàn Cienco 4 (C4G)…

Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam ghi nhận, các khoản vay đắt đã góp phần khiến lợi nhuận giảm sút và chi phí lãi vay của một số doanh nghiệp đầu tư công niêm yết đã vượt qua cả lợi nhuận gộp. Một số doanh nghiệp, như Cienco 4, tỷ trọng chi phí nợ vay đã tăng tới 95% so với cùng kỳ năm ngoái. Gánh nặng lãi vay khiến các ông lớn trong ngành không chỉ bị giảm lợi nhuận mà một số còn bị chịu lỗ. Công ty Cổ phần Tập đoàn PC1 bất ngờ báo lỗ hơn 38 tỷ đồng trong quý II vừa qua, với nguyên nhân chính đến từ chi phí lãi vay tăng cao.

Nhóm phân tích đánh giá, đối với các nhà phát triển cơ sở hạ tầng, lợi ích từ việc tăng chi tiêu đầu tư công vẫn chưa đáng kể. Nếu không tiếp cận được các khoản vay và vật liệu rẻ hơn, khó có thể kết luận rằng các doanh nghiệp ngành này có thể lấy lại đà tăng trưởng trong ngắn hạn.

Tin Cùng Chuyên Mục