Gặp khó khi kinh doanh mảng đồ ăn cấp đông siêu tốc, startup này tìm ra 'cửa sáng' bằng nguồn lực vốn có, khiến 3 Shark liên tục tung deal

Giang Phạm

Nhận “mưa” lời khen ngợi về hương vị tươi ngon của các suất đồ ăn cấp đông siêu tốc nhưng đến khi kêu gọi đầu tư, startup Phúc Hội Thành lại khiến các Shark “ngã ngửa” khi cho biết công ty hiện đã tạm dừng kinh doanh sản phẩm này.

Xuất hiện trong tập 16 chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 6, hai Co-founder của startup Phúc Hội Thành là Trần Thị Thanh Tâm và Trần Thị Huyền Thanh giới thiệu 2 thương hiệu của công ty, bao gồm Nếp Quýt Vàng - chuyên về các sản phẩm đồ ăn và H'Thanh - chuyên về đồ uống.

Thương hiệu Nếp Quýt Vàng ra đời vào tháng 8/2022 với bộ sản phẩm gồm hơn 40 món, bao gồm các món ăn sáng, ăn trưa, món ăn bồi bổ, món chay và món healthy. Khách hàng chỉ cần 5 phút là có một món ăn tươi ngon, tròn vị giống như vừa nấu. 

Gặp khó khi kinh doanh mảng đồ ăn cấp đông siêu tốc, startup này tìm ra 'cửa sáng' bằng nguồn lực vốn có, khiến 3 Shark liên tục tung deal - Ảnh 1

Sau 3 tháng, công ty bán được khoảng 140.000 sản phẩm thông qua fanpage online, doanh thu hơn 4 tỷ đồng và nhận được nhiều phản hồi tích cực.

Điểm đặc biệt của dòng sản phẩm là sợi bún và sợi phở được cấp đông."Để cấp đông được sợi bún và phở rất khó, bởi nó sẽ bị gãy. Trên thị trường bây giờ chỉ bên em mới có", chị Thanh Tâm nhấn mạnh.

Phía startup cho biết với giá bán lẻ 32.000 – 45.000 đồng tùy sản phẩm, hiệu suất tiêu thụ mỗi ngày 1.000 sản phẩm thì thương hiệu sẽ có lãi. Tuy nhiên, đây chính là "bài toán" khó với Phúc Hội Thành: muốn sản phẩm có giá hợp lý thì phải sản xuất trên quy mô công nghiệp, mà làm như vậy thì phải có nhiều điểm bán.

Nhận thấy chưa đủ nội lực để khai thác thị trường, startup quyết định tạm dừng sản phẩm Nếp Quýt Vàng để tìm phương án "lấy ngắn nuôi dài", sau đó nhanh chóng cho ra mắt thương hiệu H'Thanh với sản phẩm chủ lực là cà phê muối, cung cấp cho các cửa hàng và bán lẻ đến người tiêu dùng.

Đến đây, các nhà đầu tư "ngã ngửa" khi nhận ra startup đến kêu gọi 10 tỷ đồng cho 15% cổ phần công ty để có nguồn lực phát triển thương hiệu đồ uống H'Thanh, đồng thời mong muốn sau này phát triển lại thương hiệu Nếp Quýt Vàng khi đã đủ nguồn lực và thị trường ấm lên.

Theo chị Huyền Thanh, thương hiệu H'Thanh sau khi ra mắt cũng đã rất nhanh chóng nhận được "cơn mưa lời khen" từ khách hàng. Tháng 7/2023, startup khai trương cửa hàng đầu tiên. Chỉ sau 5 tháng hoạt động, mạng lưới đã tăng lên hơn 40 cửa hàng, doanh thu hơn 5 tỷ đồng với tỷ suất lợi nhuận 25%, đã có một chút lãi.

Gặp khó khi kinh doanh mảng đồ ăn cấp đông siêu tốc, startup này tìm ra 'cửa sáng' bằng nguồn lực vốn có, khiến 3 Shark liên tục tung deal - Ảnh 2

Trong 5 tỷ đồng doanh thu này, 30% đến từ khách hàng lẻ và 70% từ các cửa hàng. Lợi nhuận mảng cà phê của Phúc Hội Thành dao động từ 18 - 22%.

Shark Hưng nhận định startup đang ở trong giai đoạn thiên thần, khả năng thành công chưa rõ nét. Đánh giá “ý tưởng sản phẩm là không tồi nhưng cách thức triển khai thì còn nhiều vấn đề phải xem xét” nên ông từ chối đầu tư.

Shark Tuệ Lâm cũng rời khỏi thương vụ bởi startup không phù hợp khẩu vị đầu tư.

Shark Minh Beta nhận định Phúc Hội Thành có khả năng cộng hưởng với hệ thống rạp chiếu phim Beta Cinemas. Chủ tịch Beta Group cho biết: “Khách hàng của Beta Cinemas đi xem phim xong muộn rất muốn ăn những món ăn có thể như này hoặc có thể mua về nhà sử dụng. Café muối cũng vậy, tôi rất muốn bán những sản phẩm café chất lượng tốt ở trong rạp”.

Do đó, Shark Minh Beta đề nghị đầu tư 2 tỷ đổi lấy 35,1% cổ phần. Sau 1 năm sẽ đầu tư 8 tỷ còn lại dưới dạng khoản vay chuyển đổi, với lãi suất 15%/năm. Sau khi giải ngân khoản vay 1 năm sẽ tiến hành chuyển đổi thành cổ phần trên cơ sở 8 lần EBITDA.

Shark Hùng Anh đề nghị đầu tư 5 tỷ đổi lấy 25% cổ phần, 5 tỷ còn lại sẽ cho startup vay với mức lãi suất tương đương ngân hàng.

Về phía Shark Bình, ông tiếp tục thể hiện sự hứng thú đặc biệt với sản phẩm đồ ăn cấp đông siêu tốc của thương hiệu Nếp Quýt Vàng. "Tôi ra một cái kèo là tôi với bạn lập một công ty mới. Bên tôi sẽ làm Giám đốc. Bên bạn cung cấp sản phẩm và công nghệ. Bên tôi bỏ 10 tỷ chiếm 51%. Tương lai nếu tiêu hết 10 tỷ thì sẽ cấp thêm vốn dưới dạng khoản vay", Shark Bình đề nghị.

Gặp khó khi kinh doanh mảng đồ ăn cấp đông siêu tốc, startup này tìm ra 'cửa sáng' bằng nguồn lực vốn có, khiến 3 Shark liên tục tung deal - Ảnh 3

Bất chấp nỗ lực của Chủ tịch NextTech và Chủ tịch Beta Group, hai nhà sáng lập Phúc Hội Thành quyết định lựa chọn đàm phán với Shark Hùng Anh. Sau khi thương thảo, Shark Hùng Anh đã đồng ý đề nghị của startup là đầu tư 5 tỷ đổi lấy 18% cổ phần, 5 tỷ còn lại là khoản vay.

Tin Cùng Chuyên Mục