Golden Hill Invest bị cưỡng chế do nợ thuế gần 1.300 tỷ

Trung Hiếu

Nợ trên 1.289 tỷ đồng tiền thuế, Công ty CP Đầu tư Golden Hill bị cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo đề nghị của cơ quan thuế.

Golden Hill được biết tới là chủ đầu tư dự án 87 Cống Quỳnh, quận 1, TP. HCM.
Golden Hill được biết tới là chủ đầu tư dự án 87 Cống Quỳnh, quận 1, TP. HCM.

Nợ thuế gần 1.300 tỷ đồng

Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Quản lý Hàng đầu tư đã quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của CTCP Đầu tư Golden Hill (Golden Hill Invest).

Golden Hill Invest bị cưỡng chế do đã nợ thuế hơn 1,289 tỷ đồng quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, hết thời hạn gia hạn nộp thuế theo quy định. Quyết định có hiệu lực thi hành trong 1 năm, từ ngày 31/01/2024-30/01/2025.

Với số tiền nợ thuế trên, Golden Hill Invest từng gây chú ý khi là doanh nghiệp đứng thứ nhì về số tiền nợ thuế đợt 2/2023, theo danh sách của Cục Thuế TPHCM, tính đến ngày 31/10/2023.

Bên cạnh nợ thuế, kết quả kinh doanh của Công ty cũng không khả quan. Cụ thể, theo báo cáo tình hình tài chính mới nhất được công bố, lợi nhuận sau thuế 2022 của Golden Hill Invest âm gần 276 tỷ đồng, gấp 48 lần năm trước. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) cũng vì đó âm nặng hơn, lên đến 11.39%.
Cuối năm 2022, Công ty có vốn chủ sở hữu 2,421 tỷ đồng, giảm hơn 10% so với đầu năm. Nợ phải trả gần 12,347 tỷ đồng, gấp 5.1 lần vốn chủ, trong đó hơn 5,180 tỷ đồng là dư nợ trái phiếu, tương ứng giá trị còn lại của lô trái phiếu mã GHICB2124001, trị giá phát hành 5,760 tỷ đồng.

Số tiền huy động từ lô trái phiếu này được cho là để đầu tư dự án cao ốc tại số 87 đường Cống Quỳnh, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TPHCM - dự án có tổng diện tích gần 8,321 m2 do chính Golden Hill Invest làm chủ đầu tư.

Dự án 87 Cống Quỳnh gồm 1 trung tâm thương mại cao 8 tầng Alpha Mall và 2 tháp Alpha Hill cao 40 tầng với 1,074 căn hộ - các thương hiệu của Alpha King.
Dự án 87 Cống Quỳnh, trước đây, do CTCP Đầu tư và Xây dựng Bình Ngân làm chủ đầu tư. Năm 2017, công ty Bình Ngân đã sáp nhập vào Golden Hill và Công ty Golden Hill trở thành chủ đầu tư mới của dự án.

Nhắc đến dự án 87 Cống Quỳnh, cũng trong tháng 4/2021 khi Golden Hill phát hành trái phiếu, CTCP Đầu tư Voyage cũng phát hành thành công lô trái phiếu VAICB2125001 trị giá 2.300 tỷ đồng. Lô trái phiếu đáo hạn vào tháng 4/2025. Lô trái phiếu này do 1 tổ chức tín dụng ôm trọn.

Mục đích phát hành của Voyage nhằm đặt cọc để hướng tới nhận chuyển nhượng toàn bộ diện tích sàn thương mại dịch vụ của dự án 87 Cống Quỳnh do Golden Hill làm chủ đầu tư. Tài sản đảm bảo cũng liên quan đến dự án của Golden Hill và tài sản của tổ chức phát hành.

Khá bất ngờ khi cuối tháng 1/2024 vừa qua Voyage công bố thông tin đã mua lại trước hạn toàn bộ lô trái phiếu trị giá 2.300 tỷ đồng này.

Voyage mua lại hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu trước hạn trong bối cảnh công ty kinh doanh ảm đạm. Năm 2021 Voyage lãi vỏn vẹn hơn 400 triệu đồng trong khi năm 2022 lỗ hơn 100 triệu đồng. Vốn chủ sở hữu đạt gần 500 tỷ đồng.

Về phần dự án, Golden Hill Invest được UBND TPHCM chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư dự án từ năm 2020.

Trước đó, dự án có tên là Ngân Bình Golden Hill Complex với quy mô hai khối tháp 35 tầng, 444 căn hộ do Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Ngân Bình làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công từ năm 2010. Năm 2012, Sở Xây dựng TPHCM công bố quy hoạch mới, nâng số căn hộ lên 499. Đến đầu năm 2017, Ngân Bình sáp nhập vào Golden Hill Invest. Theo đó, quyền phát triển dự án được chuyển sang Alpha King. Dự án được quảng bá rộng rãi với tên thương mại Alpha Hill (một phần của dự án Alpha City).

Nhưng ở thời điểm hiện tại, theo ghi nhận, dự án không hề có dấu hiệu thi công nào. Phía bên ngoài, dọc đường Cống Quỳnh và Nguyễn Cư Trinh, dự án được vây kín bằng tôn, cây cối mọc um tùm cả trong lẫn ngoài hàng rào. Hầu hết bảng hiệu quảng cáo, thông tin về dự án đều đã cũ, bị bạc màu hoặc thậm chí bị gỡ xuống khiến quang cảnh càng trở nên hoang tàn hơn.

Có thể thấy sau khoảng thời gian dài đình trệ và đổi chủ, dự án vẫn đang đóng cửa kín, bảng hiệu những thông tin cơ bản nhất như nhà đầu tư, tên dự án, nhà thầu đều trống trơn.

Lộ mối liên quan Vạn Thịnh Phát

CTCP Golden Hill thành lập tháng 1/2017 có địa chỉ tại số 8 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, do ông Nguyễn Văn Thuỷ làm Chủ tịch HĐQT, vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Danh sách 3 cổ đông sáng lập gồm ông Bùi Đức Dũng (40%); ông Lương Hán Minh (30%) và ông Tất Thành Chí (30%).

Ngay sau khi thành lập vài tháng, Golden Hill tăng vốn “khủng” từ 100 tỷ đồng lên 2.798 tỷ đồng, tương ứng gấp 28 lần.

Đến cuối năm 2017 công ty thay đổi thông tin đăng ký, Tổng Giám đốc là doanh nhân người Hoa Ngô Văn An; các cổ đông sáng lập đã không còn sở hữu cổ phần, thay vào đó là các nhà đầu tư nước ngoài.

Danh sách các cổ đông mới của Golden Hill gồm Ford Master Internaional Limited góp 30,02%; Golden Hill Investment Company Limited góp 40,03% và Quality Plus Developments Limited góp 29,95%. Cả 3 cổ đông ngoại này đều có địa chỉ tại British Virgin Island.

Đáng chú ý nhất, tháng 12/2019 Golden Hill có thay đổi nhân sự, ông Trương Vicent King lên làm Tổng Giám đốc. Ông Trương Vicent King là cái tên rất quen thuộc hơn 1 năm trở lại đây trên thị trường tài chính khi là một trong những cánh tay đắc lực của bà Trương Mỹ Lan trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.

Gần đây nhất, tháng 4/2021 công ty cập nhật thông tin với dàn nhân sự mới, ông Nguyễn Thanh Bình lên làm Chủ tịch HĐQT Golden Hill, bà Trần Thị Bích Phương làm Tổng Giám đốc – là 2 lãnh đạo người Việt.

Tin Cùng Chuyên Mục