Hà Nội: Nhà cao tầng mọc lên ồ ạt, nội đô ngột ngạt!

Theo Thông Chí/Lao Động

Đến nay, dù đưa ra nhiều giải pháp nhưng Hà Nội vẫn chưa có phương án giải quyết triệt để, thoả đáng tình trạng nhà cao tầng mọc lên ồ ạt trong nội đô

Hà Nội: Nhà cao tầng mọc lên ồ ạt, nội đô ngột ngạt! - Ảnh 1
Hàng loạt nhà cao tầng mọc lên san sát trên đường Lê Văn Lương khiến tuyến đường này luôn quá tải giao thông. Ảnh: TC

Cách đây 20 năm, Hà Nội chỉ lác đác vài công trình nhà cao tầng. Sau 20 năm, mặc dù trong các văn bản của Thủ tướng cho đến Hà Nội về phát triển đô thị đều nhấn mạnh hạn chế nhà cao tầng trong nội đô. Tuy nhiên, tại các văn bản pháp lý quy hoạch “chỉ bố trí nhà cao tầng ở một số vị trí thích hợp”, “công trình nhà cao tầng tạo điểm nhấn” mà không cấm đã được các chủ đầu tư vận dụng để nhà cao tầng mọc lên ồ ạt trong nội đô. Đến nay, dù đưa ra nhiều giải pháp nhưng Hà Nội vẫn chưa có phương án giải quyết triệt để, thoả đáng.

Mọc lên ồ ạt trái quy hoạch

Theo ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cách đây 20 năm - ngày 20.6.1988 - Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 108/1998/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2020 đảm bảo mục tiêu xây dựng thủ đô Hà Nội “Dân tộc, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc và truyền thống ngàn năm văn hiến”.

Để thực hiện mục tiêu này quyết định quy định rõ  khu vực hạn chế dân cư phát triển là “Từ vành đai II trở vào từ Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở - Cầu Giấy - Nhật Tân” khống chế số lượng dân cư 0,8 triệu dân. Trong khu vực nội đô này, tiêu chí kiến trúc cảnh quan là “Hạn chế chiều cao công trình mới ở khu phố cũ chỉ bố trí cao tầng ở một số vị trí thích hợp”.

Tuy Quyết định của Thủ tướng là như vậy nhưng thực tế ông Hùng chỉ ra hàng loạt các dẫn chứng về việc chủ đầu tư “vận dụng” theo ý muốn có lợi nhuận cao và “sự cho phép” của cơ quan hữu quan. Việc này, theo Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, dẫn đến hàng loạt dự án cao tầng được cấp phép gây quá tải hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Ông Hùng cảnh báo, xây nhà cao tầng ở đâu và bao nhiêu tầng trong nội đô đặc biệt là trong vành đai I cần phải được cân nhắc quyết định rất cẩn thận từng khu vực, từng tuyến phố.

“Không thể và bất kỳ lý do gì lại cấp phép xây dựng công trình 8B Lê Trực, 17 tầng cao 53m làm khuyết một góc của Quy hoạch khu Trung tâm chính trị Ba Đình. Không vì lý do gì lại dự định cấp phép nhà 40 - 70 tầng khu ga Hàng Cỏ. Hồ Thành Công bị một loạt công trình cao tầng che kín đã biến hồ này thành ao”, ông Hùng nói.

Chủ đầu tư xin, trên áp đặt xuống nên phải cho?

Đồng quan điểm với ý kiến của Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam - cho rằng, việc bùng nổ nhà cao tầng mà không được kiểm soát chặt chẽ là bởi, chủ đầu tư khi được giao đất trong nội đô thường muốn vượt tầng để có lợi nhất về kinh tế. “Họ (chủ đầu tư dự án - PV) cứ xin là cho dẫn đến manh mún, phá nát quy hoạch”, ông Chính nói.

Bổ sung thêm ý này, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Nguyên Kiến trúc trưởng TP.Hà Nội - cho rằng, nhà cao tầng mọc lên trong nội đô trái với định hướng quy hoạch có hiện tượng chủ đầu tư xin rồi thành phố cho, cũng có trường hợp ở trên áp đặt xuống phải cho. “Tôi có thể chỉ ra rất nhiều công trình, thời tôi làm cũng có chỉ đạo chứ không phải không”, KTS Đào Ngọc Nghiêm nói.

Theo tài liệu dẫn ra từ hội thảo trước năm 1980, cả thành phố Hà Nội chỉ có một công trình cao tầng duy nhất là khách sạn Hà Nội cao 11 tầng. Từ sau quy hoạch chung thành phố Hà Nội được duyệt 1981, với yêu cầu bảo tồn kiến trúc trong khu vực nội đô, các công trình xây dựng phát triển trong giai đoạn này chủ yếu là 4, 5, 7 tầng. Trước 2004 có khoảng chục công trình cao tầng. Từ 2004 tới nay hơn 200 công trình nhà cao tầng. Và hiện tại vẫn còn 90 dự án cao tầng đang chờ xem xét điều chỉnh.

Đồ án quy hoạch ga Hà Nội vẫn đang điều chỉnh

Trao đổi với PV Lao Động, đại diện Sở QHKT Hà Nội cho biết, đồ án quy hoạch ga Hà Nội sau khi gửi đi lấy ý kiến các bộ, ngành vẫn đang điều chỉnh. Việc điều chỉnh này dựa trên các lo ngại về việc gia tăng dân số tại khu vực ga Hàng Cỏ gây áp lực lên nội đô Hà Nội. “Hiện tại, vẫn chưa thể nói chính xác khi nào đồ án này được thông qua”, đại diện Sở QHKT nói.

Giảm dân số trong nội đô bằng cách nào?

“Chỉ bán, cho thuê nhà cao tầng nội đô cho người có hộ khẩu thường trú tại phường, quận có dự án. Tốt nhất là phục vụ di dân phố cổ chứ không phải là dân phố cổ phải đi sang Long Biên, Gia Lâm còn người ngoại tỉnh lại di dân vào trung tâm thì sẽ không thành công. Khi cải tạo, xây dựng khu chung cư cũ, dự án tiểu khu đô thị cần chú trọng yêu cầu thành tiểu khu đồng bộ không chỉ là khu nhà ở như trước đây mà là nhà tổng hợp bao gồm các cửa hàng (thậm chí cả 2 tầng có lối lên xuống thông giữa các tầng nhà), các nhà văn phòng, các công trình phục vụ công cộng đồng bộ như trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, chợ… để dân không phải di chuyển ngang nhiều gây ách tắc giao thông... Dành toàn bộ các khu đất khi di dời các cơ quan, nhà máy…, các khu đất trống để phục vụ nhà tái định cư khi cải tạo chung cư cũ, dành quỹ đất xây thêm các công trình công cộng phục vụ xã hội nhà trẻ, mẫu giáo, cung thiếu nhi, vườn hoa, cây xanh. Từ nay không cấp phép xây thêm nhà cao tầng phục vụ nhà ở thương mại trong khu nội đô từ vành đai I trở vào”, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam. T.C

Tin Cùng Chuyên Mục