Hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động ngoại giao

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp

Chiều 20/12, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định đề nghị xây dựng Luật Hàm, cấp ngoại giao. Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc chủ trì phiên họp.

Tạo cơ sở pháp lý quan trọng để từng bước thực hiện chính quy hoá ngành ngoại giao

Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Ngoại giao cho biết, Pháp lệnh về Hàm, cấp ngoại giao được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá IX thông qua ngày 31/5/1995 trong bối cảnh Việt Nam thực hiện mạnh mẽ chủ trương muốn làm bạn, làm đối tác với các nước trên thế giới. Nghị định số 13-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh về Hàm, cấp ngoại giao được ban hành năm 1996 đã tiếp tục làm rõ và quy định chi tiết các nội dung của Pháp lệnh; từ đó đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để từng bước thực hiện chính quy hoá ngành ngoại giao, tiêu chuẩn hoá đội ngũ công chức ngành ngoại giao Việt Nam và phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại.

Đại diện Bộ Ngoại giao trình bày tóm tắt nội dung Tờ trình đề nghị xây dựng Luật.
Đại diện Bộ Ngoại giao trình bày tóm tắt nội dung Tờ trình đề nghị xây dựng Luật.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ ngoại giao được phong hàm đang là một lực lượng cán bộ hùng hậu, có phẩm chất tốt, có năng lực, trình độ về chuyên môn nghiệp vụ, sẵn sàng được huy động để đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Trong số các cán bộ được phong hàm, nhất là hàm ngoại giao cao cấp, nhiều đồng chí là chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực chuyên môn như về Liên hợp quốc, nhân quyền, hội nhập kinh tế quốc tế, ngoại giao kinh tế, luật pháp quốc tế, báo chí đối ngoại, chuyên gia về Mỹ, Trung Quốc, Campuchia, khu vực Đông Nam Á, ASEAN hoặc các lãnh đạo, thủ trưởng đơn vị trong và ngoài nước. Sự trưởng thành, phát triển của lực lượng cán bộ ngoại giao là yếu tố quan trọng góp phần vào các thành công, kết quả của nền ngoại giao Việt Nam trong đóng góp vào giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam tại khu vực và quốc tế.

Tuy vậy, sau gần 30 năm thực hiện, các quy định của Pháp lệnh Hàm, cấp ngoại giao đã xuất hiện một số tồn tại, hạn chế như quy định về quyền lợi và trách nhiệm gắn với hàm ngoại giao chưa thực chất và chưa đáp ứng yêu cầu công tác đối ngoại; quy trình, thủ tục, đối tượng, tiêu chuẩn và thẩm quyền trong phong hàm, thăng hàm ngoại giao chưa bảo đảm rõ ràng, chặt chẽ;….

Vì vậy, việc xây dựng Luật Hàm, cấp ngoại giao trên cơ sở nâng cấp Pháp lệnh về Hàm, cấp ngoại giao là hết sức cần thiết nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động ngoại giao với giá trị pháp lý cao, có tính ổn định, tạo cơ sở pháp lý để ngành Ngoại giao thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong cung cấp các điều kiện làm việc và chế độ đãi ngộ cho ngành đáp ứng yêu cầu công tác, phù hợp với các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, nâng cao vị thế của ngành trên trường quốc tế và khu vực.

Đại diện Văn phòng Chủ tịch nước.
Đại diện Văn phòng Chủ tịch nước.

Cần làm rõ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật

Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đã trao đổi, thảo luận về các nội dung của hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Hàm, cấp ngoại giao. Theo đó, các thành viên cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải xây dựng Luật Hàm, cấp ngoại giao; tuy nhiên, đại diện Bộ Công an, Ban Đối ngoại Trung ương đều đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc bổ sung công chức của cơ quan đầu mối về đối ngoại ở Trung ương và một số bộ, ngành có cán bộ biệt phái đi công tác tại cơ quan đại diện là đối tượng xét phong hàm ngoại giao.

Còn đại diện Bộ Công Thương đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo thực hiện xây dựng các chính sách đãi ngộ theo đúng tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Đại diện Bộ Công an.
Đại diện Bộ Công an.

Đồng chí Trần Văn Lợi, Trưởng phòng Chính sách Pháp luật, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp bổ sung thêm, để làm nổi bật sự cần thiết phải xây dựng Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nêu rõ cơ sở chính trị, pháp lý, những vướng mắc, bất cập trong thi hành Pháp lệnh; đồng thời cung cấp thêm thông tin liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng dự án Luật.

Đồng chí Trần Văn Lợi, Trưởng phòng Chính sách Pháp luật, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp.
Đồng chí Trần Văn Lợi, Trưởng phòng Chính sách Pháp luật, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp.

Ngoài ra, tại chính sách 5 “Ngoại giao với cơ chế đãi ngộ xứng đáng và các bảo đảm về điều kiện làm việc”, đồng chí cho rằng cần cân nhắc giải pháp thực hiện chế độ đãi ngộ “bổ sung quy định kéo dài tuổi nghỉ hưu cho người mang hàm Đại sứ trong trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ” vì hiện nay Nghị định số 83/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không quy định trường hợp này; đồng thời cần rà soát, đối chiếu với Điều 169 Bộ luật Lao động hiện hành.
Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đánh giá cao các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định và sự chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng của cơ quan chủ trì soạn thảo.

Về hình thức văn bản, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình, làm rõ thêm lý do lựa chọn hình thức văn bản là Luật thay cho Pháp lệnh tại nội dung Tờ trình. Bên cạnh đó, cơ quan chủ trì cũng cần rà soát, đánh giá kỹ các chính sách được đề xuất để đảm bảo thể chế hoá đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 27-NQ/TW; đồng thời rà soát các quy định với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như Luật Lao động; Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức,… để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc kết luận phiên họp.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc kết luận phiên họp.

Về nội dung chính sách cụ thể, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng để vừa phù hợp với tình hình mới vừa đảm bảo tính khả thi của Luật.

Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần giải trình thêm căn cứ chính trị, pháp lý và kinh nghiệm quốc tế của đề xuất chế độ đãi ngộ; đồng thời bổ sung báo cáo đánh giá về nguồn tài chính của Bộ Tài chính, báo cáo đánh giá về nguồn nhân lực của Bộ Nội vụ. 

Trên cơ sở kế thừa các chính sách hiện hành còn hiệu quả, phù hợp với thực tiễn tại Pháp lệnh về Hàm, cấp ngoại giao năm 1995, Bộ Ngoại giao đề xuất 06 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Hàm, cấp ngoại giao gồm: Hoàn thiện quy trình, thủ tục, thẩm quyền liên quan đến công tác hàm, cấp ngoại giao (1); Hoàn thiện và cập nhật tiêu chuẩn hàm ngoại giao (2); Quy định thống nhất các đối tượng được xét phong hàm ngoại giao (3); Gắn hàm ngoại giao với cơ chế đãi ngộ xứng đáng và các bảo đảm về điều kiện làm việc (4); Quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của người mang hàm ngoại giao (5); Thể chế hoá Hiến pháp năm 2013, tăng cường quản lý nhà nước về hàm, cấp ngoại giao (6).

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục