Hợp nhất SVC Holdings, doanh thu Tasco (HUT) tăng gấp 8 lần cùng kỳ năm ngoái

Quỳnh Chi

Với kết quả đạt được sau 9 tháng, Tasco thực hiện được 4% mục tiêu lợi nhuận cả năm 2023 (600 tỷ đồng).

Hợp nhất SVC Holdings, doanh thu Tasco (HUT) tăng gấp 8 lần cùng kỳ năm  ngoái

Tăng vốn khủng 

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) mới đây đã thông báo về ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu niêm yết bổ sung CTCP Tasco (mã CK: HUT). Theo đó, 543,88 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ để hoán đổi cổ phần cho cổ đông của CTCP SVC Holdings sẽ được giao dịch vào ngày 4/9/2024 (do bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm).

Việc pha loãng có thể khiến cho HUT chịu áp lực lớn khi lượng cổ phiếu phát hành riêng lẻ được giao dịch sau gần một năm nữa. Đặc biệt, nền tảng cơ bản của Tasco đang có dấu hiệu lung lay khi lợi nhuận đi lùi trái ngược với tốc độ tăng vốn chóng mặt (gấp 2,7 lần) từ 3.310 tỷ đồng lên 8.925 tỷ đồng.

Trong quý 3/2023, Tasco ghi nhận doanh thu tăng gấp 8 lần cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 2.556 tỷ đồng do hợp nhất SVC Holdings. Tuy nhiên, các chi phí phát sinh trong kỳ cũng tăng vọt trong đó, chi phí tài chính tăng 54%, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 46% và chi phí bán hàng tăng 1.735% so với cùng kỳ.

Kết quả, Tasco lãi trước thuế 14,4 tỷ đồng trong quý 3, giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, lãi ròng của Tasco tăng 28% so với quý 3/2022 lên mức 12,2 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 7,4 tỷ đồng, giảm hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lãi ròng rất mỏng chỉ vỏn vẹn 0,5% trong quý 3 vừa qua tức là 2000 đồng doanh thu làm ra mới đổi lại được 1 đồng lãi.

Luỹ kế 9 tháng, Tasco lãi ròng 29,3 tỷ đồng, “bốc hơi” gần 74% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ giảm đến 78,5% so với cùng kỳ 2022, xuống mức 24,1 tỷ đồng. Với kết quả này, doanh nghiệp mới thực hiện vỏn vẹn 4% mục tiêu lợi nhuận cả năm 2023 (600 tỷ đồng) và đứng trước nguy cơ “vỡ kế hoạch”.

Tham vọng đa ngành

Về lý do đầu tư vào SVC Holdings, năm 2022, cựu Chủ tịch Tasco Hồ Việt Hà từng chia sẻ rằng theo định hướng mới, mảng phân phối ô tô là trụ cột lớn nhất của Tasco trong tương lai và sẽ kết hợp, hỗ trợ thêm về mảng bất động sản. SVC Holdings hiện đang sở hữu Savico - đại lý nắm giữ 11,2% thị phần xe ô tô mới với chuỗi phân phối trải dài từ Bắc vào Nam cùng nhiều bất động sản tại các vị trí đắc địa ở TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng,...

Trước khi thực hiện thương vụ thâu tóm SVC Holdings, Tasco đã chi hơn 402 tỷ đồng mua 100% vốn Groupama Việt Nam và đổi tên thành Bảo hiểm Tasco. Theo kế hoạch, Tasco dự kiến rót thêm vào công ty này 612 tỷ đồng. Như vậy có thể thấy, Tasco định hướng sẽ là một tập đoàn đa ngành trải rộng trên nhiều lĩnh vực như hạ tầng giao thông, bất động sản – du lịch, kinh doanh ô tô…

Liên tục M&A, quy mô của Tasco cũng tăng chóng mặt. Thời điểm 30/9/2023, tổng tài sản của doanh nghiệp này lên đến hơn 25.000 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD), tăng 13.500 tỷ so với đầu năm (tức là hơn gấp đôi) so với đầu năm. Hầu hết các khoản mục “phình to” trong đó các khoản phải thu ngắn hạn, tồn kho, tài sản cố định, tài sản dở dang dài hạn và lợi thế thương mại đều tăng hàng nghìn tỷ so với đầu năm.

Về phía nguồn vốn, tổng nợ phải trả của Tasco cũng đã tăng gần 80% so với đầu năm lên mức 13.867 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý là nợ vay tài chính của doanh nghiệp này đã tăng chóng mặt sau 9 tháng lên mức 4.834 tỷ đồng đầu năm lên hơn 8.300 tỷ đồng, chiếm đến 1/3 tổng nguồn vốn. Sự gia tăng chủ yếu đến từ nợ vay ngắn hạn thêm hơn 2.800 tỷ đồng trong khi nợ dài hạn tăng thêm 633 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm.

Thời điểm 30/9/2023, vốn chủ sở hữu của Tasco lên đến 11.222 tỷ đồng, tăng gấp 2,9 lần so với đầu năm. Ngoài việc tăng vốn điều lệ, lợi ích của cổ đông không kiểm soát cũng tăng mạnh từ mức âm 14,7 tỷ hồi đầu năm lên hơn 2.800 tỷ đồng vào cuối quý 3.

Tin Cùng Chuyên Mục