Lãi vay 0% có khả thi?

Theo Thanh niên

Ngày càng nhiều kiến nghị, đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp vay với lãi suất 0% để vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 tác động. Thế nhưng xung quanh giải pháp "mạnh tay" này, vẫn còn khá nhiều vấn đề không đơn giản.

Chỉ áp dụng với doanh nghiệp đặc thù?

Sở Du lịch TP HCM vừa có đề xuất cho doanh nghiệp du lịch có quy mô lớn trên 200 lao động được vay vốn với lãi suất 0% để trả lương.

Trước đó, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cũng đề nghị hỗ trợ cho vay với lãi suất 0% trong suốt thời gian dịch bệnh Covid-19 và giảm 50% lãi suất cho vay (gồm cả dư nợ hiện hữu và dư nợ mới) đến ngày liền kề sau 12 tháng kể từ khi Thủ tướng công bố hết dịch Covid-19.

Hay Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng đã có kiến nghị Chính phủ phương án hỗ trợ Vietnam Airlines (VNA) theo hướng giải cứu bằng việc thông qua Ngân hàng Nhà nước sử dụng các nguồn vốn dự trữ và cơ chế tái cấp vốn qua các ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng chính sách cho phép VNA được vay khoản ưu đãi với quy mô 12.000 tỷ đồng lãi suất 0% tối thiểu trong 3 năm để đủ thời gian cho đơn vị này khắc phục các ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Trường hợp không thực hiện được phương án trên, đề nghị cho VNA vay vốn các ngân hàng thương mại, phần nhà nước hỗ trợ cho VNA thông qua bù chênh lệch lãi suất…

Vietnam Airlines từng được kiến nghị cho vay ưu đãi 12.000 tỷ đồng lãi suất 0%
Vietnam Airlines từng được kiến nghị cho vay ưu đãi 12.000 tỷ đồng lãi suất 0%

GS-TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và chính trị thế giới, nhận định kiến nghị này không dễ thực hiện ngay được mà cần phải có nghiên cứu, đánh giá cụ thể. Chẳng hạn như quy mô gói vay sẽ là bao nhiêu?

Thời gian cho vay bao lâu? Nếu cho vay lãi suất 0% thì nhà nước sẽ cấp bù lãi suất là bao nhiêu? Doanh nghiệp được phép vay vốn lãi suất 0% được sử dụng làm gì?... Việc Chính phủ phải chi tiền để cấp bù lãi suất có hiệu quả hơn là sử dụng số tiền đó để hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp hay không? Tại sao phải hỗ trợ đi đường vòng thông qua hệ thống ngân hàng thương mại?...

"Nếu áp dụng đại trà hoặc cho nhiều doanh nghiệp vay với lãi suất 0% thì tôi e ngại sẽ làm méo mó chính sách tài chính tiền tệ nói chung của Chính phủ. Do vậy nếu như sau khi nghiên cứu kỹ thì cũng chỉ có thể áp dụng cho một số doanh nghiệp đặc thù nhất định như trường hợp của VNA vì nếu không hỗ trợ hãng sẽ phá sản. Hơn nữa đây cũng là DN nhà nước với ngành nghề đặc thù nên có hỗ trợ riêng. Ngân sách của nhà nước cũng sẽ không đủ để hỗ trợ đại trà cho mọi DN.

Bên cạnh đó, cần phải tính toán về cơ chế đặc thù, minh bạch và công khai nếu áp dụng mà không để xảy ra tình trạng xin cho. Nhưng quan trọng hơn là đẩy mạnh chính sách tài chính để hỗ trợ các doanh nghiệp như giảm hẳn 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho tất cả các đơn vị mà không chỉ gói gọn ở quy định doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ đồng; giảm mạnh hơn các loại thuế phí cũng như cắt giảm nhiều nữa thủ tục, điều kiện liên quan đến DN”, GS-TS Võ Đại Lược nói.

Cảnh buôn bán ế ẩm ở chợ Bến Thành (TP HCM) vì vắng bóng du khách
Cảnh buôn bán ế ẩm ở chợ Bến Thành (TP HCM) vì vắng bóng du khách

Chọn ai, bỏ ai...không đơn giản

TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng giải pháp này khó có thể thực thi được bởi nguyên tắc của ngân hàng là huy động tiền và trả lãi cho người gửi, sau đó cho khách hàng vay lại.

Từ đầu năm đến nay, ngân hàng nhà nước đã 3 lần điều chỉnh lãi suất điều hành, thực hiện cắt giảm các chi phí… để các ngân hàng có điều kiện giảm lãi suất huy động, từ đó giảm lãi suất đầu ra.

Các ngân hàng thương mại huy động tiền của dân với lãi suất khoảng 2,5 - 7,8%/năm thì làm sao cho vay ra 0%, không lẽ họ cho vay lỗ? Còn nếu áp dụng lãi suất vay 0% và Chính phủ phải bỏ tiền ra tài trợ cho mức lãi suất này thì cũng khó khăn.

TS Lê Xuân Nghĩa phân tích: Ở nước ngoài, lãi suất 0% là lãi suất chính sách của ngân hàng trung ương, và các doanh nghiệp tiếp cận vốn từ các ngân hàng vẫn vay theo lãi suất thương mại. Giải pháp duy nhất có thể thực hiện được, theo ông Lê Xuân Nghĩa, là ngân hàng thương mại cho vay lãi suất từ 2 - 3%/năm, phần chênh lệch còn lại ngân sách nhà nước sẽ bù.

Dù vậy ông Nghĩa vẫn không đánh giá cao giải pháp này mà cho rằng thay vào đó, Chính phủ cần tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho gói hỗ trợ kinh tế lần 1 được hiệu quả hơn.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế, Tài chính (Học viện Tài chính), cho rằng nếu áp dụng gói tín dụng lãi suất 0% thì nhà nước phải dùng ngân sách để hỗ trợ bù lãi suất. Trong bối cảnh ngân sách đang hạn hẹp thì chắc chắn phải tính đến quy mô gói tín dụng 0%, chỉ hỗ trợ tập trung những đối tượng bị ảnh hưởng mạnh nhất do dịch Covid-19.

Thế nhưng, đối tượng nào được hỗ trợ lãi suất 0% là cả một vấn đề vì gần như toàn xã hội hiện nay đang bị ảnh hưởng do dịch bệnh gây ra, người này được ưu tiên mà người kia không được cũng rất khó. Áp dụng lãi suất cho vay 0% để doanh nghiệp trả lương cho người lao động, xét về mặt đạo lý là nhân văn.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục