Làm rõ hàng loạt yếu tố xâm phạm quyền bảo hộ nhãn hiệu của Vinacafe Biên Hòa

Nhóm PV

Kết luận của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ đã chỉ ra nhãn hiệu “Café PHINN uống liền” của Vinacafe Biên Hòa có hàng loạt yếu tố xâm phạm quyền bảo hộ của anh Phạm Tuấn Nghĩa.

Phát hiện sản phẩm “Café PHINN uống liền” của Công ty Cổ phần Vinacafe Biên Hòa (tạm gọi là Vinacafe Biên Hòa, địa chỉ KCN Biên Hòa 1, phường An Bình, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) xâm phạm sở hữu nhãn hiệu, anh Phạm Lê Tuấn Nghĩa (ngụ phường Đa Kao, quận 1, TP.Hồ Chí Minh) là chủ sở hữu hợp pháp của nhãn hiệu “PHINN Café - Gu cà phê Việt” (bằng bảo hộ số 282200, ngày 29/5/2017) đã “cầu cứu” Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học & Công nghệ).

Theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định 105/2006/NĐ – CP Hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, để đánh giá dấu hiệu yêu cầu đăng ký nêu trong đơn có trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với một nhãn hiệu khác hay không, cần phải so sánh về mặt cấu trúc, nội dung, cách phát âm, ý nghĩa và hình thức thể hiện đồng thời phải tiến hành so sánh hàng hóa, dịch vụ đi kèm dấu hiệu xin đăng ký với hàng hóa, dịch vụ của nhãn hiệu đối chứng.

Sau đó, Viện đã có kết luận (số NH397 - 17YC/KLGĐ, ngày 18/9/2017) nhãn hiệu “Café PHINN” và “hình” gắn trên hộp và gói sản phầm cà phê đen hòa tan của Vinacafe Biên Hòa là yếu tố xâm phạm quyền (quy định tại Điều 11, Nghị định 105/2006 sửa đổi) đối với nhãn hiệu đã được bảo hộ của anh Nghĩa. 

Kết luận nêu rõ Vinacafe Biên Hòa đáp ứng đủ 3 điều kiện xác định xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu sau đây:

Thứ nhất: Dấu hiệu được gắn trên hàng hóa, bao bì, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch, biển hiệu, phương tiện quảng cáo, phương tiện kinh doanh khác.

Thứ hai: Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn nhãn hiệu.

Thứ ba: Dấu hiệu được sử dụng một cách không hợp pháp, cụ thể đối tượng được người thứ 3 sử dụng nhưng không được chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc pháp luật cho phép.

Dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu bảo hộ

Theo kết luận giám định của Viện, so sánh 2 nhãn “Café PHINN Uống liền”(tạm gọi là “dấu hiệu”) và “PHINN café - Gu cà phê Việt” (tạm gọi là “nhãn hiệu”) cho thấy:

Nhãn hiệu và dấu hiệu đều cùng chữ “PHINN” và các hình chữ mô tả sản phẩm cụ thể là chữ “café”, “uống liền” và “cà phê Việt”... Ngoài ra chữ “PHINN” đều được trình bày nổi bật với cỡ chữ in lớn, ở trung tâm. Do đó, chữ này được coi là thành phần phân biệt chính, có tác động đến nhận biết của người tiêu dùng.

Hai thành phần chính này của “nhãn hiệu” và “dấu hiệu” gần như trùng vì cùng 1 cấu trúc và cách phát âm, mặc dù có sự trình bày khác nhưng sự khác biệt không đáng kể. Vì vậy, về tổng thể “dấu hiệu” là tương tự với “nhãn hiệu” được bảo hộ.

Làm rõ hàng loạt yếu tố xâm phạm quyền bảo hộ nhãn hiệu của Vinacafe Biên Hòa - Ảnh 1

 Hai nhãn hiệu có dấu hiệu tương tự nhau

Có khả năng gây nhầm lẫn

Đánh giá khả năng nhầm lẫn, phân tích “dấu hiệu” và “nhãn hiệu” đều được phân biệt chủ yếu ở chữ “PHINN”. Nên khi người dùng tiếp cận với sản phẩm gắn “dấu hiệu” dễ liên tưởng rằng sản phẩm có mối liên hệ về nguồn gốc và dịch vụ của chủ sở hữu, nghĩa là có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc  sản phẩm và dịch vụ. 

Sử dụng không hợp pháp

Pháp luật quy định có một số trường hợp sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ mà không được coi là xâm phạm tới nhãn hiệu được bảo hộ. Tuy nhiên, Vinacafe Biên Hòa không đáp ứng được điều kiện nào. Cụ thể,

Trường hợp thứ nhất, khi nhãn hiệu phải được giám hộ, sử dụng hợp pháp tới trước ngày được cấp văn bằng bảo hộ.

Theo Cơ sở về dữ liệu do Cục Sở hữu trí tuệ quản lý, ngày 26/4/2013, Công ty Vinacafe Biên Hòa đã nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Café PHINN” và hình nhưng bị từ chối cấp bằng bảo hộ. Ngoài ra, dấu hiệu “Café PHINN” và hình cũng không phải là tên thương mại của công ty này. Vì vậy, nhãn hiệu bị giám định không phải là đối tượng được giám hộ của  Vinacafe Biên Hòa.

Làm rõ hàng loạt yếu tố xâm phạm quyền bảo hộ nhãn hiệu của Vinacafe Biên Hòa - Ảnh 2

 Viancafe Biên Hòa từng bị từ chối cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu "PHINN"

Trường hợp thứ hai, nhãn hiệu phải được chuyển quyền (hay còn gọi là li xăng - license) và sử dụng phù hợp. Theo tài liệu của Cục Sở hữu trí tuệ, anh Phạm Lê Tuấn Nghĩa không chuyển giao quyền sử dụng cho Vinacafe Biên Hòa.

Trường hợp thứ ba, nếu sử dụng một cách trung thực tên người, dấu hiệu mô tả chủng loại, số lượng, chất lượng, công dụng, giá trị, nguồn gốc địa lý và các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ (quy định tại điểm 2.h, điều 125, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 - 2009). Tuy nhiên, nhãn hiệu “café PHINN” của Vinacafe Biên Hòa không phải là những thuộc tính trên.

Trường hợp thứ tư, việc sử dụng nhãn hiệu thuộc dạng lưu thông/nhập khẩu hàng hóa được đưa ra thị trường một cách hợp pháp bởi chính chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép. Tuy nhiên, Vinacafe Biên Hòa không được công nhận là chủ sở hữu hợp pháp nhãn hiệu “Café PHINN Uống liền”.

Như vậy, khẳng định Vinacafe Biên Hòa xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu được đáp ứng.

Làm rõ hàng loạt yếu tố xâm phạm quyền bảo hộ nhãn hiệu của Vinacafe Biên Hòa - Ảnh 3

 Kết luận chỉ rõ hàng loạt yếu tố xâm phạm quyền sở hữu của Vinacafe Biên Hòa

Tin Cùng Chuyên Mục