Làn sóng Bắc tiến của loạt đại gia bất động sản phía Nam

Giang Phạm

Các tên tuổi bất động sản lớn ở phía Nam như Masterise Group, Phú Mỹ Hưng, Nam Long... đang có quỹ đất ở miền Bắc và rục rịch cho những dự án lớn.

Cuối tuần qua, Công ty bất động sản Nomura trụ sở tại Shinjuku (Tokyo) vừa cho biết, sẽ tham gia vào một dự án căn hộ thuộc Khu đô thị Ecopark của Tập đoàn Ecopark tại Hưng Yên. Đây là dự án đầu tiên của Nomura tại khu vực phía Bắc. Quy mô dự án khoảng 3.000 căn hộ, tổng diện tích sàn 300.000 m2, xây dựng và bàn giao trong giai đoạn 2024-2025, theo Nomura. Tham gia vào thị trường Việt Nam từ nhiều năm trước, song Nomura mới tập trung chủ yếu tại TP HCM với 4 dự án. 

Masterise Group cũng vừa ra mắt 6 tòa căn hộ tại khu đô thị Vinhomes Ocean Park, đánh dấu sự trở lại sau 8 năm vắng bóng trên thị trường bất động sản Hà Nội. Trước đó Masterise Group đã từng "chào Hà Nội" với dự án tại Long Biên, song công trình chỉ có một toà nhà cao 25 tầng. Thương hiệu đơn vị phát triển này cũng không được đẩy mạnh truyền thông nên vẫn được coi là tên tuổi khá mới ở thị trường phía Bắc. 

Một góc tại Khu đô thị Ecopark. 
Một góc tại Khu đô thị Ecopark. 

Một loạt dự án ở Hà Nội của các tên tuổi mới ở thị trường phía Nam cũng lần lượt được công bố trong thời gian gần đây và đang trong giai đoạn rục rịch triển khai. Tập đoàn Hưng Thịnh đang trong giai đoạn chuẩn bị cho dự án chung cư Lakeside Hưng Thịnh tại Linh Đàm, Hoàng Mai. Dự án có cùng 2.500 căn hộ được triển khai trên diện tích 6,4 ha.

Sau thời gian dài chuẩn bị, Công ty Him Lam cũng chuẩn bị tung ra thị trường một loạt sản phẩm mới tại Long Biên, Hà Đông...  

Một trong những thương vụ nổi bật gần đây phải kể đến là Công ty liên quan đến Công ty cổ phần địa ốc Phú Long hoàn tất thương vụ dự án Splendora Bắc An Khánh giai đoạn 2. Splendora là dự án đầu tư xây dựng khu đô thị cao cấp kết hợp các trung tâm, văn phòng thương mại ở phía Tây của Hà Nội, có tổng vốn đầu tư dự kiến trên 2 tỷ USD. Tham gia vào An Khánh JVC từ năm 2018 sau khi mua lại cổ phần của Công ty xây dựng Posco E&C (Hàn Quốc), tuy nhiên, đến gần đây sau khi hoàn tất thương vụ mua lại số cổ phần còn lại tại công ty này, Công ty Phú Long mới rục rịch chuẩn bị để tung sản phẩm ra thị trường. 

Không chỉ đầu tư, phát triển dự án tại Thủ đô, các doanh nghiệp địa ốc ở TP HCM cũng công bố dự án đô thị ở các tỉnh phía Bắc. Có thể kể đến như Him Lam Land với một loạt dự án tại huyện Quế Võ và TP Bắc Ninh. 

Công ty Phát triển Phú Mỹ Hưng cũng dự kiến phát triển Khu đô thị Phú Hưng Khang thuộc địa bàn huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình rộng khoảng 405 ha, dự kiến cung cấp hơn 1.000 đơn vị nhà ở cùng 2 trường học và một bệnh viện. Ngoài ra, dự án còn có một khách sạn 75 phòng. Doanh nghiệp đã có những đợt phát hành trái phiếu để chuẩn bị nguồn vốn cho dự án.

Đi xa hơn, Tập đoàn Nam Long đang sở hữu quỹ đất tại Hải Phòng và có kế hoạch triển khai dự án Khu đô thị Nam Long - Hải Phòng ở Thủy Nguyên, Hải Phòng với quy mô 21ha.  

Đồng hành cùng các chủ đầu tư, đơn vị phát triển dự án, nhiều đơn vị phân phối tại TP HCM cũng đang đổ bộ ra Hà Nội khi liên tục mở chi nhánh. Tập đoàn Hưng Thịnh, Công ty cổ phần DKRA Việt Nam... đã hoặc đang có kế hoạch mở sàn tại Hà Nội. 

Đánh giá về xu hướng chủ đầu tư Bắc tiến,  ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc của Batdongsan.com.vn cho biết thị trường bất động sản khu vực miền Nam trở nên khan hiếm, giá nhà tại TP HCM và một số tỉnh chạm mức cao. Trong khi đó, thị trường bất động sản miền Bắc hiện có nhiều dư địa tăng trưởng, đặc biệt về giá. Vì thế, một số chủ đầu tư có tiếng ở thị trường miền Nam sẽ gia nhập miền Bắc.

"Thị trường phía Bắc có sự phản ứng tốt hơn trong đại dịch. Giá bất động sản đã giữ xu hướng tăng từ quý IV năm ngoái sang quý I năm nay. Trước tác động của Covid-19, giá giảm nhẹ trong quý I và II. Đến quý III, thị trường đã phục hồi. Trong năm 2020, Hà Nội và khu vực phía Bắc là ngôi sao của thị trường bất động sản", ông Quốc Anh cho hay. 

Savills Hà Nội cũng vừa phát hành một báo cáo về thực tế này. Trong đó, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc bộ phận nghiên cứu và tư vấn của Savills Hà Nội, cho rằng không chỉ các nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài cũng đang dành sự quan tâm đặc biệt với thị trường Hà Nội.

Theo bà, có 3 yếu tố chính khiến thị trường Hà Nội trở thành một thị trường tiềm năng. Thứ nhất, pháp lý khiến các nhà đầu tư yên tâm. Thứ hai, nhìn chung chất lượng các dự án ở Hà Nội vẫn còn đi sau thị trường phía Nam. Thứ ba, các chủ đầu tư phía Nam đánh giá có đủ khả năng và năng lực tạo ra các sản phẩm vừa túi tiền mà vẫn có thể đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp.

Ở góc độ thị trường, chuyên gia Savills cũng cho rằng, xu hướng này sẽ giúp nâng cao tính cạnh tranh và chất lượng sản phẩm cho các dự án tại thị trường phía Bắc bởi các chủ đầu tư tại TP HCM có thế mạnh trong việc phát triển đa dạng các mô hình kinh doanh nhà ở.

Tuy nhiên, bà cũng chỉ ra một số trở ngại do khác biệt về thị trường mà các chủ đầu tư, nhà phát triển dự án nên nghiên cứu kỹ lưỡng. Theo bà Hằng, tại TP HCM, những dự án tại trung tâm thành phố có thể lên đến và trên 10.000 USD/m2. Tuy nhiên ở Hà Nội, những dự án như vậy ít và rất khó bán. Do đó, mặc dù có nhiều kinh nghiệm trong phát triển bất động sản nhà ở, các chủ đầu tư phía Nam cần tìm hiểu kỹ thị trường Hà Nội

Với những e ngại đó, theo Savills Việt Nam, hiện nay, những thành công của các chủ đầu tư từ TP HCM tại thị trường Hà Nội vẫn còn là một câu hỏi lớn.

Tin Cùng Chuyên Mục