Lợi nhuận lao dốc, "chia tay" nhà cung cấp mảng doanh thu lớn nhất, Lộc Trời (LTG) liệu có nguy?

Quỳnh Chi

Nhà cung cấp lớn nhất trong mảng thuốc bảo vệ thực vật ngừng hợp tác trong khi đây là là cứu cánh lợi nhuận đối với Lộc Trời bên cạnh một phần nhỏ đến từ kinh doanh hạt giống. Ngoài ra các mảng kinh doanh lương thực và dịch vụ nông nghiệp đều đang lỗ.

Ngưng hợp tác với đối tác chiến lược

Thời gian gần đây, câu chuyện Syngenta - một trong những công ty thuốc bảo vệ thực vật lớn nhất thế giới, ngưng hợp tác với Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (mã CK: LTG) đang khiến giới đầu tư quan tâm. Đại diện của công ty trả lời trước truyền thông cũng đã thừa nhận đây không phải tin đồn và hai bên sẽ chấm dứt hợp tác vào đầu năm 2022.

Lợi nhuận lao dốc, "chia tay" nhà cung cấp mảng doanh thu lớn nhất, Lộc Trời (LTG) liệu có nguy? - Ảnh 1

Ông Nguyễn Duy Thuận – Tổng giám đốc Lộc Trời cho biết "Phía Syngenta bắt đầu hợp tác với Lộc Trời từ năm 2010, đến năm 2021 thì họ chấm dứt, như vậy là hợp tác giữa hai bên kéo dài gần 11 năm. Thời điểm bắt đầu hợp tác, tại thị trường Việt Nam, Syngenta vẫn còn nhỏ, mà Lộc Trời cũng chưa to. Trong quá trình phát triển, cả hai lớn mạnh cùng nhau".

Theo báo cáo tài chính quý III/2021, Syngenta là nhà cung cấp lớn nhất của Lộc Trời với công nợ hơn 255 tỷ đồng, chiếm 1/3 tổng khoản phải trả người bán ngắn hạn tại thời điểm 30/9. Công nợ đối với nhà cung cấp này không được gối đầu và đã giảm mạnh gần 750 tỷ đồng từ đầu năm, tương đương với sự sụt giảm các khoản phải trả người bán ngắn hạn. Điều này cho thấy Lộc Trời vẫn chưa tìm được đối tác xứng tầm để thay thế dù đã có thời gian chuẩn bị cho sự chia tay này.

Lợi nhuận lao dốc, "chia tay" nhà cung cấp mảng doanh thu lớn nhất, Lộc Trời (LTG) liệu có nguy? - Ảnh 2

Theo số liệu 9 tháng đầu năm 2021, mảng thuốc bảo vệ thực vật đóng góp đến 42% tổng doanh thu với 3.018 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp đạt 1.016 tỷ đồng tương ứng biên lãi gộp trên 31% và là mảng kinh doanh hiệu quả nhất của công ty.

Theo ông Nguyễn Duy Thuận, doanh thu từ phân phối sản phẩm Syngenta chiếm 30% tổng doanh thu mảng thuốc bảo vệ thực vật của Lộc Trời, tương ứng trên 10% tổng doanh thu hàng năm. Rõ ràng, ảnh hưởng của sự kiện Syngenta là không hề nhỏ đối với hoạt động kinh doanh của Lộc Trời.

Cổ phiếu LTG trên thị trường ngay lập tức phản ứng tiêu cực với thông tin doanh nghiệp mất một nhà cung cấp lớn khi liên tục lao dốc từ vùng đỉnh hồi trung tuần tháng 11. Cổ phiếu này có thời điểm đã xuống dưới 35.000 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng 12, ghi nhận mức giảm gần 22% sau hơn 1 tháng tương ứng vốn hóa “bốc hơi” gần 800 tỷ đồng.

Lợi nhuận lao dốc, "chia tay" nhà cung cấp mảng doanh thu lớn nhất, Lộc Trời (LTG) liệu có nguy? - Ảnh 3

Lợi nhuận quý III giảm 66%, thấp nhất kể từ lần báo lỗ quý I/2020

Việc mất đi một nhà cung cấp lớn diễn ra trong bối cảnh động lực tăng trưởng của Lộc Trời đang gặp nhiều khó khăn. Trong quý III/2021, doanh thu của công ty đạt 2.062 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ tuy nhiên giá vốn tăng cao hơn đã khiến lãi gộp giảm xuống 354 tỷ đồng.

Các chi phí (tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp) đều tăng mạnh đã khiến lãi ròng của Lộc Trời giảm đến hơn 66% so với cùng kỳ, xuống mức 31 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất kể từ lần báo lỗ quý I/2020.

Lợi nhuận lao dốc, "chia tay" nhà cung cấp mảng doanh thu lớn nhất, Lộc Trời (LTG) liệu có nguy? - Ảnh 4

Luỹ kế 9 tháng, Lộc Trời ghi nhận doanh thu đạt 7.258,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 262 tỷ đồng, lần lượt tăng 78% và 28% so với cùng kỳ. Với kết quả đạt được, công ty đã hoàn thành được 66% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Đáng chú ý, mảng vật tư nông nghiệp tiếp tục là cứu cánh lợi nhuận đối với Lộc Trời bên cạnh một phần nhỏ đến từ kinh doanh hạt giống. Trong khi đó, các mảng lương thực và dịch vụ nông nghiệp đều đang lỗ.

Lộc Trời cho biết tính luỹ kế 9 tháng doanh thu tăng do mảng chủ lực là lương thực (đóng góp đến 46% tổng doanh thu) tăng 260% so với cùng kỳ nhờ giá lúa vụ Đông Xuân 2021 tăng đột biến, cao nhất trong 10 năm qua. Tuy nhiên đại dịch COVID-19 khiến chi phí sản xuất, vận tải tăng cao, ngành này cũng ghi nhận mức lỗ 124 tỷ đồng.

Mảng dịch vụ nông nghiệp vừa được thành lập năm 2020 và là mấu chốt kỹ thuật quan trọng trong hệ sinh thái LTG. Bị thiệt hại nặng nề trong đại dịch do bị hạn chế đi lại, tiếp xúc trực tiếp nên doanh thu ngành này giảm 30% so với cùng kỳ và ghi nhận lỗ 14 tỷ đồng.

Tin Cùng Chuyên Mục