Lợi thế của Vinfast trước thềm IPO tại Mỹ

Như Quỳnh

Độ nhận diện thương hiệu mạnh mẽ tại quê nhà, sự quan tâm của các nhà đầu tư toàn cầu với cổ phiếu xe điện cùng với căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ là 3 điểm cộng cho Vinfast trong quá trình IPO. 

Ảnh: Vinfast
Ảnh: Vinfast

Sau hai lần niêm yết thành công các công ty con trong nước, tập đoàn Vingroup đang hướng tới thương vụ IPO thành công thứ ba của mình với Vinfast thông qua hình thức SPAC.

Đợt IPO tham vọng nhất của Vingroup

Trước đó, công ty con trong lĩnh vực bất động sản của Vingroup là Vinhomes đã huy động được 1,35 tỷ USD trong đợt IPO lớn nhất nước ta vào năm 2018. Trong khi đó Vincom Retail thu về 740 triệu USD trong đợt IPO năm 2017. Thế nhưng báo chí dự đoán Vinfast mới là đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng đầu tiên tham vọng nhất của Vingroup. 

Tập đoàn của tỷ phú giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng được cho là đã thuê Credit Suisse để chuẩn bị cho quy trình IPO ở nước ngoài. Vingroup hy vọng có thể huy động được 3 tỷ USD trong đợt IPO này, đem lại mức định giá 50-60 tỷ USD cho Vinfast. 

Với mức định giá dự kiến cao gấp 3 lần so với vốn hóa thị trường của tập đoàn mẹ Vingroup (19 tỷ USD), Vinfast gần như ở vị trí ngang bằng với Nio, một start-up xe điện hàng đầu ở Trung Quốc, nơi chiếm tới 50% doanh số bán xe toàn cầu. 

Điều đáng nói là Vinfast đưa ra mức định giá cao ngất ngưởng mặt dù chưa bán một chiếc xe điện nào. Các sản phẩm hiện có của Vinfast là 3 mẫu ô tô chạy xăng và một số loại xe máy chạy điện. Tuy nhiên hãng xe Việt 4 năm tuổi cũng đã có kế hoạch ra mắt ô tô điện ở trong nước vào tháng 11, hướng tới ra mắt xe EVs ở thị trường Mỹ, Canada, châu Âu vào đầu năm sau.

Nhận định của giới chuyên môn cho rằng mức định giá khổng lồ của Vinfast có thể so sánh với công ty xe điện Evergrande New Energy Vehicle Group (Trung Quốc) bởi cả hai đều có công ty mẹ xuất thân từ ngành bất động sản. Evergrande cũng được định giá tới 87 tỷ USD mà chưa bán ra bất kỳ chiếc xe nào. 

"Định giá của các công ty trong ngành công nghiệp xe điện là vô cùng biến động. Các nhà đầu tư đang ngày càng quan tâm đến các loại cổ phiếu của công ty công nghệ thân thiện với môi trường và dựa trên định giá của các công ty xe điện trên thị trường, mức định giá của Vinfast có thể sẽ còn cao hơn nhiều so với dự kiến" - Ông Chris Robinson, giám đốc nghiên cứu tại Lux Research, nhận xét về mức định giá của Vinfas

Trong buổi giới thiệu với nhà đầu tư hồi tháng 4, Vinfast cho biết họ đã đầu tư 4,4 tỷ USD vào dây chuyền sản xuất của mình. Năm 2018, chỉ một năm sau khi thành lập, Vinfast tiếp quản nhà máy General Motors Việt Nam, sau đó mua lại và phát triển các trung tâm R&D (Nghiên cứu & Phát triển) tại Việt Nam, Mỹ và Úc.

Theo công bố của hãng, công suất các nhà máy xe điện của Vinfast đạt 250.000 chiếc mỗi năm và có thể được nâng lên 750.000 chiếc. Tại Việt Nam, Vinfast đã giành được 22% thị phần cho xe hai bánh chạy điện, 38% cho xe hatchback và 84% và 93% lần lượt cho xe sedan và SUV phân khúc E. Chỉ trong năm 2020, Vinfast đã bán được gần 29.500 ô tô chạy xăng. 

Mô hình cho thuê pin

Vinfast đang đặt cược lớn vào mô hình cho thuê pin của mình. Hãng tuyên bố mô hình này có thể mang lại lợi nhuận tốt hơn với chi phí tiết kiệm 20-45% so với các công ty xe điện khác trên thế giới. Công ty cũng dự kiến ​​tỷ suất lợi nhuận EBITDA (Thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao) năm 2025 cao hơn 2 lần so với mức trung bình ngành (hiện chỉ khoảng 8%).

Một trạm sạc xe điện của Vinfast.
Một trạm sạc xe điện của Vinfast.

Nhờ mô hình cho thuê pin, Vinfast kỳ vọng ô tô của mình sẽ rẻ hơn so với các đối thủ. Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc điều hành của Vinfast tại Mỹ, nói với Reuters rằng công ty sẽ thay pin khi pin đạt 70% tuổi thọ.

Theo Insideevs.com, một chiếc ô tô điện chạy bằng pin của Tesla có giá ít nhất 38.000 USD, trong khi những chiếc EV rẻ nhất từ ​​các thương hiệu như Chevrolet, Hyundai, Volkswagen, Ford, Nissan và BMW có giá 25.000-36.500 USD.

VinFast chưa tiết lộ mức giá cho các phiên bản EV xuất khẩu. Tuy nhiên phiên bản phân khúc C bán ở Việt Nam sẽ có giá 29.800 USD trong khi đó các mẫu xe xuất khẩu sẽ nằm ở phân khúc D và E. 

Lợi thế và thách thức của Vinfast

Các chuyên gia ngành ô tô cho rằng độ nhận diện thương hiệu mạnh mẽ tại quê nhà, sự quan tâm của các nhà đầu tư toàn cầu với cổ phiếu xe điện cùng với căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ là 3 điểm cộng cho Vinfast trong quá trình IPO. 

Tu Le, giám đốc điều hành của Sino Auto Insights, một công ty tư vấn có trụ sở tại Bắc Kinh thì lưu ý thêm để chứng minh năng lực trước các nhà đầu tư, Vinfast cần phải chiếm một thị phần nhất định ở 2 thị trường lớn Mỹ và Trung Quốc. Ông cũng lấy dẫn chứng của Nio, start-up xe điện hàng đầu Trung Quốc mới đạt cột mốc doanh số 100.000 xe gần đây. 

Mẫu xe điện đầu tiên của Vinfast, VFe34. Ảnh: Vinfast.
Mẫu xe điện đầu tiên của Vinfast, VFe34. Ảnh: Vinfast.

"Bạn sẽ phải bán bao nhiêu chiếc xe để được định giá 50 tỷ USD? Cách duy nhất để Vinfast đạt được mức định giá này là họ phải bán được hàng triệu chiếc ô tô tại Mỹ và Trung Quốc. Và họ chỉ có thể làm được điều này nếu mở các nhà máy sản xuất tại đây." - Ông Lê nói. 

Ngoài Mỹ và Trung Quốc, Vinfast còn có thể khai thác thị trường Nam Á và Đông Nam Á. Tuy nhiên các chuyên gia lưu ý cơ hội cho xe điện tại hai thị trường này đang bị thu hẹp do ngành dịch vụ gọi xe đang phát triển mạnh mẽ. 

Các chuyên gia ngành ô tô cũng lưu ý để giành được thị phần trong lĩnh vực xe điện, Vinfast sẽ còn phải nghiên cứu thêm để giảm chi phí cho người mua xe, xây dựng cơ sở hạ tầng cho xe điện,...

"Các hãng xe hàng đầu trong lĩnh vực EV là những công ty có khả năng cung cấp chi phí thấp nhất cho người tiêu dùng mà vẫn tạo ra lợi nhuận. Điều này đòi hỏi các công nghệ xe điện sáng tạo, không chỉ ở pin mà còn cả cách thiết kế xe để giảm chi phí sản xuất

Bên cạnh đó, các chi phí liên quan đến việc xây dựng và cấp phép cho mỗi điểm sạc có thể tương đương với giá của một chiếc ô tô. Những chi phí này còn tăng cao hơn nữa đối với các trạm sạc nhanh." - Ông Chris Robinson lưu ý về các thách thức đối với Vinfast. 

Tin Cùng Chuyên Mục