Long An hút dự án bất động sản

Phong Vân

Với lợi thế nằm liền kề TPHCM, Long An thời gian qua được xem là địa phương nằm trong vùng tam giác vàng đón lõng xu thế giãn dân của TPHCM. Chính lợi thế này đã làm cho thị trường BĐS Long An thời gian qua phát triển khá mạnh.

Tuy nhiên, thị trường này cũng đang xuất hiện nhiều dự án “vàng thau lẫn lộn" 

Hạ tầng hoàn thiện

Nằm sát vách với TPHCM, Long An đang là thị trường BĐS cực kỳ sôi động với hàng chục dự án đang được triển khai. Cụm từ “ký gửi nhà đất” xuất hiện với mật độ dày đặc, cảnh mua bán nhà đất nhộn nhịp tại khu vực giáp ranh TPHCM như huyện Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức.

Không phải bây giờ mà đã vài năm nay, thị trường BĐS Long An đã khởi sắc từ vài năm trước nhờ hệ thống hạ tầng được đầu tư bài bản. Theo ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, tỉnh đã đề ra Chương trình 09 để huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng, trong đó hạ tầng giao thông được ưu tiên.

Long An hút dự án bất động sản - Ảnh 1

Hạ tầng hoàn thiện tạo cú hích cho bất động sản Long An

Theo đó, Long An đã hoàn thành nhiều quy hoạch quan trọng cho giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn tới 2030 như quy hoạch tổng thể phát triển giao thông, quy hoạch hệ thống giao thông đường thủy, cảng thủy nội địa, quy hoạch điểm đấu nối các tuyến quốc lộ N1, N2, 14C…

Xương sống mạng lưới đường bộ tỉnh Long An là các tuyến cao tốc và 4 tuyến quốc lộ. Cụ thể, ngoài tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương đã đưa vào khai thác, Quốc lộ 1A hoàn thành đầu tư mở rộng thì dự án Quốc lộ N2 cũng đã hoàn thành xây dựng đoạn Đức Hòa-Mỹ An.

Theo quy hoạch, tuyến N2 đóng vai trò trục mới của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với điểm đầu tại huyện Củ Chi của TPHCM hướng tuyến đi xuyên qua vùng Đồng Tháp Mười giàu tiềm năng. Hai tuyến Quốc lộ còn lại là 50 và 62 từng bước được duy tu, nâng cấp. Còn tuyến Quốc lộ N1 đang trong giai đoạn thực hiện dự án đầu tư xây dựng.

Bên cạnh cao tốc TPHCM-Trung Lương, Long An còn có 2 tuyến cao tốc khác là Bến Lức - Long Thành đang được thi công xây dựng. Dự án này sẽ kết nối địa bàn các huyện Bến Lức, Cần Giuộc của tỉnh Long An, huyện Bình Chánh, Cần Giờ của TPHCM và huyện Nhơn Trạch, Long Thành của Đồng Nai.

Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc này sẽ giúp giao thông liên vùng miền Tây và vùng Đông Nam Bộ không cần quá cảnh qua TPHCM, kết nối trực tiếp với mạng lưới cao tốc với Quốc lộ, hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải, cảng Sao Mai Bến Đình và với sân bay quốc tế Long Thành, rút ngắn thời gian đi từ tỉnh Long An đến TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong khi đó, dự án đường cao tốc Bến Lức-Hiệp Phước đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư.

Long An cũng thừa hưởng giá trị của các dự án hạ tầng lớn kết nối với lõi đô thị TPHCM. Có thể kể đến như dự án mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Tạo thành đường 6 làn xe thông với Khu Công nghiệp Long Hậu, tuyến Metro số 4 nối quận 12, Tân Bình, Phú Nhuận, quận 1, quận 4, quận 7 và Khu Đô thị cảng Hiệp Phước.

Thêm vào đó, tuyến đường Lê Văn Lương sẽ được mở rộng 30m trong thời gian sắp tới để nối quận 7 và Cần Giuộc-Long An, nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 22, nâng cấp và mở rộng Tỉnh lộ 824, Tỉnh lộ 9... đi qua các huyện Đức Hòa, Cần Giuộc. Tuyến đường Vành đai 4 đoạn Bến Lức - Hiệp Phước đang chuẩn bị khởi công xây dựng. Chiều dài toàn tuyến khoảng 35,8km, đi qua các địa phương gồm tỉnh Long An dài 32km và TPHCM dài 3,8km đi qua huyện Nhà Bè.

Ngoài các dự án do Trung ương đầu tư, tỉnh Long An cũng dồn sức đầu tư hệ thống hạ tầng tỉnh lộ với mục tiêu liên kết các vùng kinh tế động lực trong tỉnh, như đường Tân Tập-Long Hậu, đường Thủ Thừa-Bình Khánh, đường nối Quốc lộ N1 với Quốc lộ 62 và Kênh 79.

Cùng với đó, dự án BOT nâng cấp mở rộng ĐT 830 mà tỉnh Long An đang ráo riết triển khai, sẽ gia tăng đáng kể năng lực trung chuyển hàng hóa từ các khu công nghiệp trọng điểm của Long An tới các cảng biển trong vùng Đông Nam Bộ Đồng thời, tăng lưu lượng hàng hóa giao lưu giữa các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với TPHCM, giảm áp lực quá tải cho các tuyến đường cửa ngõ phía Nam trung tâm kinh tế năng động hàng đầu cả nước.

Ông Phạm Văn Cảnh đánh giá, trong hơn 5 năm qua mỗi công trình giao thông khi được chọn thực hiện luôn đặt mục tiêu tận dụng những thuận lợi từ việc phát triển hạ tầng phục vụ cho sự phát triển bền vững của địa phương. Hầu hết các công trình giao thông hiện nay đã kết nối liên hoàn, thống nhất, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong tỉnh, nhất là phát triển trên lĩnh vực công nghiệp.

Chương trình 09 có 14 danh mục công trình giao thông, đến nay có 3 công trình hoàn thành, 7 công trình đang thi công, 4 công trình đang khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ để triển khai thi công trong thời gian tới.

“Bức tranh giao thông Long An dần được hoàn thiện và đang bước vào thời kỳ hoạt động hiệu quả, đáp ứng nhu cầu trung chuyển hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đầu tư. Nếu lấy TPHCM làm hạt nhân trung tâm, có thể nhận thấy kết nối các tuyến theo trục dọc được cải thiện rõ nét”, ông Cảnh nói.

Giá đất còn rẻ

Hạ tầng giao thông hoàn thiện đã giúp Long An đón nhận làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước như Tập đoàn Nam Long, Vingroup, Him Lam, Phú An Thạnh… nhờ chính sách quy hoạch, phát triển kinh tế đồng bộ, kết nối giao thông thuận lợi TPHCM với các tỉnh miền đây.

Tại huyện Bến Lức, Công ty SeaHoldings hiện cũng đang phát triển một dự án với tên gọi Lago Centro. Dự án rộng 13ha với các lô nền nhà phố thương mại, nhà liên kế và biệt thự song lập. Không như những dự án phân lô bán nền thông thường, Lago Centro được thiết kế hiện đại hoàn chỉnh với đầy đủ công năng như cổng chào dự án, trường tiểu học, trung tâm y tế cộng đồng, khu phức hợp thể thao, với điểm nhấn đặc biệt là hồ cảnh quan. Với những tiện ích được đầu tư vượt trội, nơi đây sẽ mang lại cho khách hàng một không gian sống lý tưởng, thoáng mát và hiện đại.

Long An hút dự án bất động sản - Ảnh 2

 

Ông Trần Hiền Phương, Tổng Giám đốc SeaHoldings cho biết, với bề dày kinh nghiệm và uy tín phát triển nhiều dự án thành công TPHCM, công ty sẽ kiến tạo một khu nhà ở Lago Centro “chuẩn mực”, giá vừa tầm tay cho thị trường Long An trong tương lai gần. Toạ lạc tại vị trí mặt tiền TL 830, kết nối dễ dàng với đường vành đai 3 & 4, cao tốc TPHCM - Trung Lương, Lago Centro là mắc xích liên kết quan trọng giữa hai trung tâm Bến Lức và Đức Hoà, các cụm công nghiệp trên địa bàn và các tỉnh Đông Nam bộ và Đồng Bằng Sông Cửu Long. Dự án sẽ cung cấp cho thị trường trên 700 sản phẩm đất nền nhà phố, nhà phố thương mại, biệt thự song lập.

Tại huyện Long Hậu, Công ty BĐS Danh Khôi (DKR) đã công bố dự án Long Hậu Riverside. Với quy mô diện tích hơn 20ha, đây là dự án đất nền sổ đỏ có phát lý hoàn chỉnh được DKR phát triển thành một khu dân cư đẳng cấp với nhiều tiện ích vượt trội. Trong đó, đáng chú ý của dự án này là sự hình thành khu phố chợ Long Hậu Riverside Market được thành lập trong lòng khu dân cư Long Hậu Riverside, phục vụ nhu cầu mua sắm, trao đổi hàng hóa của dân cư, công nhân khu công nghiệp kề cận…

Lý giải về việc doanh nghiệp BĐS đua nhau về TPHCM làm dự án, ông Phan Công Chánh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Phú Vinh cho biết, việc doanh nghiệp BĐS TPHCM ồ ạt dạt về tỉnh làm dự án và bán hàng cho thấy Sài Gòn đang khan hiếm nguồn cung cục bộ. Tình trạng thiếu hụt sản phẩm mới manh nha từ cuối năm 2017 đầu năm 2018 và tác động đến cung cầu trên thị trường địa ốc TPHCM rõ nhất từ quý III năm nay. Điều này đã dẫn đến hệ quả là làn sóng mở rộng thị trường về những địa bàn mới ngày càng mạnh mẽ. Hơn nữa, giá bán đất nền Long An giá còn thấp so với TPHCM nên dễ dàng thu hút được khách hàng.

“Vấn đề nan giải đối với các doanh nghiệp BĐS trên địa bàn TPHCM là thời gian tạo lập dự án khá dài, mất 3-5 năm để có được đất sạch, đầy đủ pháp lý, sẵn sàng đưa ra thị trường. Trong suốt chu kỳ chờ đợi dự án đủ điều kiện mở bán, doanh nghiệp chịu rất nhiều áp lực như mất đi chi phí cơ hội vì dòng vốn bị chôn trong dự án chưa thành phẩm. Trong khi đó, Long An giải quyết vấn đề pháp lý dự án khá nhanh”, ông Chánh nói.

Trong khi đó, chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang cho rằng có 3 nguyên nhân khiến doanh nghiệp BĐS Sài Gòn đổ xô về Long An làm dự án. Thứ nhất là TPHCM ban hành Thông tư 60 đã làm hạn chế phân lô bán nền. Từ đó, làm hạn chế nguồn cung đất nền của TPHCM và đẩy giá BĐS lên rất cao. Thứ 2, Long An có một số chủ đầu tư lớn, làm dự án rất bài bản và thanh khoản tốt như Trần Anh, Cát Tường Đức Hoà… Điều này giúp cho đất nền Long An tạo được sự tin tưởng của khách hàng.

“Điều quan trọng nhất, giúp cho Long An đất nền Long An sôi động là giá đất còn rẻ, thủ tục làm dự án nhanh hơn. Các dự án ở Long An được doanh nghiệp Sài Gòn bán hàng gần đây có điểm chung là vị trí tốt, quãng đường di chuyển vừa phải và kết nối giao thông thuận tiện với TPHCM, tốc độ ra sản phẩm nhanh hơn”, ông Quang nói.

Theo phân tích của các chuyên gia, xét ở góc độ chung của thị trường, trong vài tháng gần đây, thị trường Long An không còn sôi động như cuối năm 2017, đầu 2018, một phần xuất phát từ câu chuyện thời gian qua Long An xuất hiện khá nhiều dự án lôm côm, chưa đầy đủ pháp lý, ảnh hưởng đến thị trường, khiến chính quyền tỉnh này đã “siết” lại bằng việc rà soát quy hoạch, xử lý các dự án chưa hoàn thiện pháp lý . “Do dự án bị siết chặt, dẫn đến thực tế nguồn cung sản phẩm BĐS hoàn thiện pháp lý đang dần trở nên khan hiếm. nên thực tế thị trường vẫn đang diễn ra làn sóng ngầm về sự tăng giá. Nhiều dự án đất nền sổ đỏ, hạ tầng được đầu tư tốt vẫn âm thầm tăng giữa các giai đoạn, mức tăng cao nhất có thể lên đến 30% - 40% trong vòng 6 – 12 tháng qua.

Tin Cùng Chuyên Mục