Lụa Vạn Phúc: Xây dựng thương hiệu mạnh từ tinh hoa truyền thống

Đoan Trang - Vân Hương

Việt Nam có hàng trăm làng nghề nhưng địa phương vừa giữ gìn được giá trị truyền thống, vừa tạo dựng được thương hiệu mạnh cho nghề của làng mình lại không có nhiều. Làng lụa Vạn Phúc là một trong số ít đó…!

Sợi dây truyền thống…

Nhớ lại lịch sử hình thành làng nghề Vạn Phúc, ông Phạm Khắc Hà - Chủ tịch Hội làng nghề Vạn Phúc, Hà Đông không giấu được sự tự hào: Năm 865, Thánh hoàng làng là bà A lã Đê Nương cùng chồng là ông Cao Biển đi du ngoạn quanh thành Đại La khi đến ấp Vạn Bảo (giờ là Vạn Phúc) thấy long mạch rất tốt nên ông đã đồng ý cho bà ở lại đây dạy dân chúng trồng dâu nuôi tằm và dệt lụa. Nghề dệt lụa ở đây ra đời từ đó và phát triển đến tận ngày nay… Trong suốt chiều dài lịch sử, làng lụa Vạn Phúc hình thành và phát triển cùng với sự phát triển chung của xã hội. Thời phong kiến, do công cụ thô sơ, khoa học kỹ thuật hạn chế nên sản lượng làng nghề rất thấp (nguyên liệu chủ yếu ở vùng đồng bằng Bắc Bộ). Vì sản lượng thấp nên chủ yếu sản phẩm thời đó làm ra để phục vụ vua chúa, nhưng nó là trí tuệ của người dân nên mang đậm nét văn hoá của Việt Nam.

Lụa Vạn Phúc: Xây dựng thương hiệu mạnh từ tinh hoa truyền thống - Ảnh 1

Hiện nay, cùng với sự phát triển của đất nước, Chủ tịch Hội làng nghề Vạn Phúc cho biết: Vạn Phúc cũng chuyển mình phát triển, tạo thương hiệu vững mạnh cho làng nghề. Mỗi năm, làng nghề đón tiếp 70 - 80 lượt khách du lịch đến tham quan, mua sắm. Đây là một thành quả, ưu đãi lớn đối với người dân làm nghề và địa phương. Để phát huy thế mạnh đó, địa phương cũng quan tâm đến xây dựng và phát triển làng nghề. Với vai trò của mình, Hội làng nghề Vạn Phúc luôn khuyến cáo người dân phải áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; Sử dụng công cụ hiện đại, vận dụng điện vào sản xuất để tăng năng xuất lao động, giải phóng sức lao động; Đồng thời cải tiến mẫu mã, đưa ra mẫu mã mới tăng tính hấp dẫn, phong phú cho sản phẩm.

“Trước chỉ có vài chục mẫu mã, giờ mẫu mã phong phú, hoa văn cải tiến, chất lượng ngày càng tăng. Kể từ thời điểm nghệ nhân sáng tác mẫu mã, 2 tuần sau đã có mẫu mới (trước làm bằng tay, 6 - 7 tháng mới được mẫu mới). Những năm gần đây, chúng tôi áp dụng công nghệ, vẽ trên máy tính, in cũng tự động, công cụ sản xuất cải tiến, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Khâu nhuộm cũng áp dụng khuyến cáo cơ sở bảo đảm sản phẩm độ phai màu, nhập các hãng, thuốc có uy tín, đạt tiêu chuẩn quốc tế… Môi trường phải bảo đảm các chỉ số nước thải phải qua xử lý trung gian, dung dịch không kết tủa…” - ông Phạm Khắc Hà hào hứng khoe.

Ông Phạm Khắc Hà
Ông Phạm Khắc Hà

Theo Chủ tịch Hội làng nghề Vạn Phúc: Người Việt Nam thích mua đồ rẻ, nhưng rẻ thường đi đôi với chất lượng kém. Để giữ gìn thương hiệu, các sản phẩm chính danh của các hội viên làng nghề được phép sử dụng chung thương hiệu (dập chữ trên sản phẩm). Bằng cách đó, chất lượng sản phẩm được bảo đảm, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến mua hàng nhiều hơn.

Ông Phạm Khắc Hà chia sẻ: Với sự quan tâm, ủng hộ của chính quyền và sự nỗ lực, đoàn kết của nhân dân địa phương, năm 2018, Hội đã tổ chức thành công Tuần lễ du lịch làng nghề. Sự kiện do một địa phương cấp phường tổ chức mà thu hút mấy chục ngàn người tham dự, kéo dài hàng tuần, dư âm lưu lại hàng tháng trời là một dấu ấn vô cùng to lớn. “Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các cơ sở bị đóng cửa nên hoạt động sản xuất cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Sau khi khống chế dịch, ngày 26/11 - 2/12/2023, chúng tôi tiếp tục khơi dậy Tuần lễ du lịch thu hút hàng vạn người tham gia, nhờ rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế của Tuần lễ du lịch năm 2018. Hiện chúng tôi đã đưa Tuần lễ du lịch làng nghề Vạn Phúc vào tổ chức thường niên, khiến các gia đình rất phấn khởi, đây cũng là động lực giúp họ gia tăng sản xuất, kinh doanh” - Lãnh đạo Hội làng nghề Vạn Phúc nhấn mạnh.

Lụa Vạn Phúc: Xây dựng thương hiệu mạnh từ tinh hoa truyền thống - Ảnh 2

Nối dài giá trị làng nghề!

Ông Phạm Khắc Hà cho hay: Hội làng nghề Vạn Phúc thành lập năm 2009, với hơn 110 hội viên/gia đình tham gia, trong đó có 17 nghệ nhân. Hội đại diện cho tiếng nói chung của làng nghề và những người dân trong làng. Hàng năm, khi có các hoạt động liên quan đến làng nghề và các hộ sản xuất, Hội đều thông báo, vận động, khuyến khích nhân dân tham dự. Ngoài ra, Hội còn có vai trò quan trọng trong việc: Vận động các cơ sở sản xuất tham gia hội chợ do Bộ Công Thương, thành phố tổ chức; Vận động nhân dân sản xuất đạt chất lượng; Tìm kiếm nguồn nguyên liệu đạt chuẩn cho hộ sản xuất kinh doanh; Đặc biệt là giới thiệu đầu ra sản phẩm…

Lụa Vạn Phúc: Xây dựng thương hiệu mạnh từ tinh hoa truyền thống - Ảnh 3

Bản thân sinh ra lớn lên ở đây, tiếp cận với lụa từ lúc lọt lòng nên ông Hà rất yêu nghề, mến nghề, sau này tâm huyết với nghề của làng. Sau khi nghỉ hưu về địa phương, ông càng gắn bó với công việc. Yêu nghề, hiểu nghề, nên ông luôn đau đáu: “Làm sao thế hệ trẻ lớn lên phát huy được nghề truyền thống của quê hương”. Theo ông, đây là sản phẩm phi vật thể quốc gia, là niềm tự hào của địa phương nên dù khó hơn cũng phải dạy, phải truyền lại cho các thế hệ thì mới giữ gìn, phát huy được nghề truyền thống của quê hương. “Nếu chúng ta lơ đãng, không quan tâm sẽ mất nghề, mất nghề là có tội với tổ tiên”. Mặt khác, “nghề này mang tính truyền thống nên không có trường lớp nào dạy, do đó phải “cầm tay chỉ việc”, từ việc đơn giản nhất, tiếp thu dần, sáng tạo ra những cái hay hơn”.

Lụa Vạn Phúc: Xây dựng thương hiệu mạnh từ tinh hoa truyền thống - Ảnh 4

Với suy nghĩ đó, tâm huyết đó, bất cứ kỳ họp, hội nghị nào, ông đều khuyến khích, kêu gọi người dân làng nghề, các trường trên địa bàn cho con em đi tham quan xưởng dệt, làng nghề, gian trưng bày sản phẩm…, để tự hào, từ đó yêu thích và đam mê, tâm huyết với nghề nghiệp tổ tiên để lại.

Không chỉ Chủ tịch Hội làng nghề Vạn Phúc Phạm Khắc Hà mà mỗi gia đình, mỗi người dân, mỗi chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh làng nghề Vạn Phúc đều thấm nhuần những giá trị của làng mình. Nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm - Chủ cơ sở dệt lụa tơ tằm Triệu Văn Mão, là gia đình duy nhất ở Vạn Phúc có hai thế hệ là nghệ nhân. Bà Tâm là con dâu nhưng rất yêu nghề và nguyện kế thừa nghề truyền thống của gia đình chồng, cũng như luôn hướng con cháu theo nghề.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm

Nhờ luôn giữ được uy tín và chữ Tâm với nghề truyền thống, cơ sở sản xuất cũng như gian hàng của gia đình bà không lúc nào ngơi khách, đặc biệt là khách nước ngoài đến tham quan và mua hàng. Chia sẻ về cách thức thu hút khách hàng, Nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm cho biết:  “Nói thì dễ, làm được vô cùng khó vì nghề dệt lụa là nghề thủ công, có được khách hàng không đơn giản. Để có được lượng khách ổn định, giữ được khách thời gian rất dài, tôi đã phải nỗ lực rất nhiều. “Xuất phát từ tình yêu nghề, duy trì, phát triển, không bị mai một nghề ông cha để lại mà tôi gắn bó với nghề. Tuy nhiên, bên cạnh những nét đẹp truyền thống, cổ điển, chúng tôi phải luôn tìm tòi, nghiên cứu, tìm ra những nét mới, phương pháp mới, áp dụng công nghệ mới để đưa ra các dòng sản phẩm phù hợp với xu hướng thời trang, nhu cầu của khách hàng” - nữ nghệ nhân cho biết.

Là một trong những thương hiệu sản xuất lụa nổi tiếng ở làng nghề Vạn Phúc, chị Trần Thị Ngọc Lan - Chủ cơ sở sản xuất lụa cao cấp Lan Sơn Silk cho hay: Nghề dệt lụa là nghề “cha truyền con nối” từ rất lâu. Gia đình chị đời này nối đời kia làm nghề, không học ở đâu mà học từ chính những người đi trước. Để phát triển, cơ sở sản xuất của chị đi theo con đường riêng, khác biệt…

Lụa Vạn Phúc: Xây dựng thương hiệu mạnh từ tinh hoa truyền thống - Ảnh 5

Theo đó, bác chồng chị là ông Lê Phúc Thành đã nghiên cứu được phương pháp nhuộm lụa không phai, tạo ra các sản phẩm nhuộm lụa, sợi tơ trước khi dệt. Phương pháp này đòi hỏi người thợ phải trải qua các công đoạn khó khăn, nên rất tập trung và kỹ thuật phải cao hơn các hàng thông thường khác. Hiện tại, cơ sở của vợ chồng chị có 6 máy khổ rộng, 3 máy khổ 1m15 và 3 máy 1m rưỡi chuyên dệt hàng cao cấp. Sự khác biệt của cơ sở sản xuất là tất cả các công đoạn trong nhà làm hết. Bình thường mọi người trong làng phải trải qua rất nhiều công đoạn: Trước hết lấy tơ về cuốn sau đó phải mang đi mắc, xong mang về dệt. Dệt xong lại phải mang đi nhuộm rồi mới ra được sản phẩm, nhưng Lan Sơn Silk cả chuỗi liên kết đó tích hợp trong gia đình. Ngoài ra còn có các công đoạn nhuộm tơ, guồng tơ, mắc cửi, dệt, cuối cùng ra sản phẩm và bán tới tay người tiêu dùng, vì thế sản phẩm của cơ sở chị luôn có mức giá thấp nhất.

Chồng chị chuyên tập trung vào nhuộm tơ trước khi dệt cho hai màu khác nhau và 100% là tơ tằm. Nhìn bằng mắt đã thấy khác biệt và sờ vào rất mướt, mềm mịn hơn sản phẩm khác. Không chỉ cho ra các xấp vải cao cấp, chất lượng cao, hai vợ chồng chị Lan còn ngày đêm mày mò nghiên cứu, thiết kế ra các mẫu mã hợp màu sắc, đường nét, hoa văn và thời trang đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng. Và Trời không phụ lòng người, cơ sở kinh doanh của chị không lúc nào vắng khách, chủ yếu là khách quen, khách hàng cao cấp và khách đặt hàng với số lượng nhiều…

 

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm - Chủ cơ sở dệt lụa tơ tằm Triệu Văn Mão:

“Chúng tôi làm nghề nhiều đời, chưa bao giờ không làm nghề, từ ông bà nội ngoại đến đời mình, con cháu mình tiếp tục theo nghề. Nghề dệt lụa ở Vạn Phúc là một nghề sinh sống, gắn liền với gia phả của làng: Sản xuất thủ công và cấy lúa. Mình là người làm nghề, trước hết phải hiểu nghề, xem khách hàng cần cái gì để cố gắng phục vụ, từ màu sắc, kiểu dáng phù hợp, nắm bắt thị hiếu để làm ra các sản phẩm ưng ý…

Sản phẩm có rất nhiều loại, tiền nào của ấy. Vì thế, chúng tôi phải tư vấn cho khách hiểu rõ các dòng sản phẩm, chất lượng như thế nào, giá cả ra sao? Nhờ uy tín và chăm sóc chu đáo, khách hàng vài chục năm vẫn quay trở lại cửa hàng, khách nước ngoài mua theo đoàn với số lượng lớn… Để có các mẫu mã phong phú, đa dạng, sản phẩm chất lượng… chúng tôi phải liên kết với nhiều mắt xích. Cụ thể: Liên kết vùng trồng nguyên liệu; Liên kết các nhà máy ươm ra tơ làm theo yêu cầu, đạt chất lượng; Liên kết với các nhà máy may đồ cho khách (may áo dài, âu phục, chuyên váy đầm…)”.

Tin Cùng Chuyên Mục