Mai Đức Huy - Ceo MAICOM: Hình thành 15 năm “Lao tâm khổ tứ” cùng nghề sale BĐS

Quang Nguyên

Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn, bằng khát khao và nỗ lực thoát ra cái bóng của nghèo khó, anh Mai Đức Huy - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Bất động sản (BĐS) MAICOM đã gặt hái được rất nhiều thành công trên thị trường phân phối BĐS và ghi dấu ấn với các chủ đầu tư danh tiếng trên thị trường. DN&PL được anh chia sẻ về những thành tựu và những kinh nghiệm quý giá trong lĩnh vực này!

Xin chào doanh nhân Mai Đức Huy, cơ duyên nào đã khiến anh gắn bó với ngành BĐS?

Xin chào độc giả của DN&PL! Đối với tôi, cơ duyên với BĐS đến với tôi như là tiền định. 15 năm trước, khi còn đang là cậu sinh viên năm 3 ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã có duyên được biết đến nghề sale BĐS. Và khi “bén duyên” với nghề, tôi đã tìm kiếm được những điều cơ bản nhất mà mình luôn kiếm tìm, đó là kiến thức, tư duy của những người thành công; Là mối quan hệ với những người giàu và những thành công trong xã hội; Là sự bứt phá mà ít có nghề nào mang lại.

Cái tên MAICOM đã xuất hiện trên thị trường từ năm 2015, mang đến uy tín cho doanh nghiệp và được nhiều đơn vị trong và ngoài nước biết đến. Vậy, anh đã gây dựng thương hiệu như thế nào? Tại sao anh đặt tên thương hiệu là MAICOM?

Nếu như trong kinh doanh chỉ làm vì lợi ích doanh nghiệp thì doanh nghiệp ấy rất khó tồn tại và phát triển. Muốn doanh nghiệp lớn mạnh, phát triển được thì chúng ta phải làm việc bằng cái tầm và cái tâm. Với MAICOM, những ngày bắt đầu khởi nghiệp, chúng tôi đã luôn đề cao tinh thần: “Một thương hiệu - triệu trái tim”, lấy lợi ích khách hàng làm trọng tâm hàng đầu, lấy lợi ích xã hội làm tiền đề phát triển, để trên hành trình phát triển lớn mạnh theo thời gian chúng tôi không đánh mất chính mình.

Mai Đức Huy - Ceo MAICOM: Hình thành 15 năm “Lao tâm khổ tứ” cùng nghề sale BĐS - Ảnh 1

Với tôi đặt tên doanh nghiệp là một vấn đề rất quan trọng vì nó không chỉ đơn giản là một cái tên xuất hiện trên các văn bản pháp lý mà còn tạo ra sự khác biệt, gây ấn tượng cho khách hàng, thể hiện được tầm nhìn và giá trị của một doanh nghiệp. Nên khi đặt thương hiệu MAICOM, tôi cũng có những ý cho riêng mình. Trước hết, doanh nghiệp phải đặt một cái tên đơn giản, có thể định vị được toàn cầu, ai cũng có thể gọi tên, lấy cảm hứng những thương hiệu trên thế giới như: Samsung, Toyota, Honda…. MAICOM cũng xuất phát từ dòng tộc họ Mai. Tôi là con cháu của họ Mai nên khi lấy chính họ của mình đặt tên cho doanh nghiệp mình, trong sâu thẳm chính bản thân tôi luôn có nội lực mạnh mẽ để vươn lên trong bất cứ nghịch cảnh nào. Điều quan trọng nhất là thương hiệu MAICOM được bắt đầu và kết thúc bằng từ “M” - đại diện cho từ Master có ý nghĩa là bậc thầy trong ngành BĐS.

Được biết, nhân viên của MAICOM đang ở trong độ tuổi rất trẻ, anh có thể cho biết lý do anh chọn những người đồng hành cùng mình là những bạn trẻ? Thực tế, nhân  sự tốt là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng. Anh có cách quản lý và sử dụng nhân lực của mình như thế nào để có thể thành công?

Tại hệ thống MAICOM, chúng tôi có Trung tâm đào tạo Sale BĐS theo giáo trình Hoa Kỳ và ứng dụng nền tảng công nghệ trong quản lý đào tạo và bán hàng thúc đẩy phát triển tư duy - kỹ năng - bản lĩnh cho các bạn trẻ tự tin tỏa sáng. Trong chiến lược phát triển doanh nghiệp, mỗi CEO đều có một chiến lược sử dụng nhân sự. Nhưng riêng với tôi, tôi thích thế hệ trẻ, khi làm việc với các bạn trẻ tôi nhìn thấy được đam mê – nhiệt huyết – sáng tạo – và thấy cả tôi của những ngày khởi nghiệp. Tất nhiên rằng với những bạn trẻ thì họ sẽ thiếu rất nhiều kỹ năng và kinh nghiệm. Chính vì thế, khi đào tạo các thế hệ trẻ thành công, chúng tôi thấy được những giá trị của doanh nghiệp cho đi. Tôi rất tâm đắc một câu nói “Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân”. Trong kinh doanh cũng thế, yếu tố kiên trì, nỗ lực, bản lĩnh, quyết đoán, luôn là triết lý và sứ mệnh của tôi.

Khó khăn là điều có thể nhận thấy trong năm 2023 về kinh tế nói chung và ngành BĐS nói riêng. Là một người có nhiều kinh nghiệm trong nghề, anh đánh giá thế nào về tình hình BĐS trong năm 2024? Liệu sẽ có một cú hích hay một dấu hiệu nào đó cho sự khởi sắc của BĐS?

Năm 2023, mặc dù Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo tới các Bộ, ngành liên quan và các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về vốn, quy hoạch, pháp lý cho các dự án BĐS… Tuy nhiên, các chính sách thường có độ trễ nhất định, cần thời gian để có thể thẩm thấu và phải bước sang năm 2024 thị trường BĐS mới dần phục hồi.

Mai Đức Huy - Ceo MAICOM: Hình thành 15 năm “Lao tâm khổ tứ” cùng nghề sale BĐS - Ảnh 2

Rất nhiều chính sách từ ngân hàng Nhà nước đang hỗ trợ, thúc đẩy, phát triển BĐS. Điển hình là việc ngân hàng Nhà nước (NHNN) hướng dẫn các tổ chức tín dụng để xem xét và áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp cho các khoản nợ thuộc lĩnh vực BĐS (gia hạn trả nợ gốc/lãi hoặc duy trì nhóm nợ); Khuyến khích các ngân hàng thương mại cho vay với các chủ đầu tư đủ điều kiện qua gói hỗ trợ tín dụng quy mô 120 ngàn tỷ đồng; NHNN điều chỉnh hệ số rủi ro, làm giảm các giới hạn cho vay với nhóm doanh nghiệp BĐS…

Theo tôi, thị trường BĐS dự báo sẽ phục hồi rõ nét hơn vào năm 2024, bởi hiện tại BĐS năm 2023 đã đi đến giai đoạn cuối của kỳ suy thoái. Vấn đề là thị trường nào cũng thế khi đã chạm đến cuối kỳ suy thoái cần có thời gian nhất định để tăng trưởng trở lại. Giai đoạn 2024 sẽ có rất nhiều hạng mục đầu tư công tác động trực tiếp đến thị trường BĐS.

Xin cảm ơn anh!

 

Bức tranh thị trường BĐS 2024 sẽ còn rất nhiều biến động và khó khăn. Nhưng tôi hiểu rằng trong kinh doanh cũng giống như trong cuộc đời phải có lúc thăng lúc trầm, quan trọng nhất chúng ta phải giữ vững tâm thế, niềm tin và cả sự lạc quan, tô thêm một ý chí vững vàng để vượt qua giai đoạn khó khăn của thị trường BĐS trong năm 2024.

Tin Cùng Chuyên Mục