Mitsubishi UFJ ghi nhận lợi nhuận ròng tăng 47%, minh chứng cho thấy hoạt động tài chính vẫn "kiếm lời" tốt ngay trong đại dịch

Như Quỳnh

Tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ vừa công bố báo cáo tài chính năm 2020. Trong đó ghi nhận lợi nhuận ròng của ngân hàng này đã tăng đột biến, lên đến 7,1 tỷ USD.

Ảnh: Japan Times.
Ảnh: Japan Times.

Trong báo cáo tài chính được công bố ngày 17 tháng 5, Mitsubishi UFJ (MUFG) cho biết lợi nhuận ròng của tập đoàn tăng vọt 47% lên mức 777 tỷ yên (tương đương 7,1 tỷ USD) trong năm tài chính 2020 kết thúc vào tháng 3 năm 2021. 

Thành công của Mitsubishi UFJ là bằng chứng cho thấy các ngân hàng vẫn hoàn toàn có thể hoạt động tốt trong đại dịch Covid-19. 

Để giảm thiểu chi phí, ngân hàng lớn nhất Nhật Bản đã tích cực áp dụng các thay đổi để số hóa giao dịch của mình. Không những vậy, Mitsubishi UFJ còn hợp tác với các đối tác công nghệ như nhà cung cấp dịch vụ di động NTT Docomo và dịch vụ gọi xe Grab để cung cấp các dịch vụ ngoài ngân hàng truyền thống. 

Những thay đổi trên đã giúp MUFG duy trì mức lợi nhuận cao, bất chấp việc tập đoàn tài chính phải trích dự phòng 5 tỷ USD cho các khoản nợ xấu - hậu quả do đại dịch Covid-19 để lại. Trong khi đó Nhật Bản cũng chưa thể mở cửa lại nền kinh tế khi chính quyền nước này vừa ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ 3 trong năm nay.

"Chúng tôi dự kiến sẽ mất 2 năm nữa, tức đến năm 2023 thì nền kinh tế Nhật Bản mới trở lại mức trước khủng hoảng" - Ông Hironori Kamezawa, CEO MUFG dự đoán. 

Dù còn rất nhiều khó khăn, MUFG vẫn dự kiến lợi nhuận ròng sẽ tăng 9% lên 850 tỷ yên (tương đương 7,8 tỷ USD) trong năm tài chính 2021. Để đạt được mục tiêu này, MUFG hiện đang đẩy mạnh áp dụng công nghệ, cho phép khách hàng dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ trực tuyến, bao gồm cả việc mở hay đóng tài khoản.

Tập đoàn cũng đặt mục tiêu hoàn thành kế hoạch giảm 40% số lượng chi nhánh trong năm 2021 và giảm một nửa số chi nhánh còn lại vào năm 2023. 

"Cách khách hàng sử dụng ngân hàng đang thay đổi, vì vậy chúng tôi cũng phải thay đổi để phù hợp với thị hiếu. Thay vì thực hiện các công việc đơn giản tại quầy, nhân viên của chúng tôi bây giờ sẽ cần tìm hiểu về các sản phẩm tài chính và tư vấn tài chính cho khách hàng" - ông Hironori Kamezawa nói. 

Trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2018, lợi nhuận ròng của MUFG luôn dao động trong khoảng 1 nghìn tỷ yên. Tuy nhiên trong những năm gần đây, hoạt động kinh doanh của tập đoàn tài chính này bị ảnh hưởng nặng nề bởi nhiều yếu tố như: lãi suất âm của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (bắt đầu từ năm 2016), thoái 94% số vốn tại Bank Danamon - ngân hàng lớn thứ 5 Indonesia (năm 2019) và mới đây nhất là đại dịch virus Corona vào năm ngoái. 

Theo Nikkei Asia, số hóa đang là con đường được nhiều ông lớn ngành tài chính Nhật Bản lựa chọn để tồn tại hậu Covid-19. Các ông lớn tiên phong thay đổi có thể kể đến: Sumitomo Mitsui Financial Group, Mizuho Financial Group (lần lượt là ngân hàng lớn thứ 2 và 3 Nhật Bản), SoftBank,...

Tin Cùng Chuyên Mục