Fintech đe dọa đến hoạt động kinh doanh của các ngân hàng truyền thống như thế nào?

Như Quỳnh

Các tập đoàn fintech (công nghệ tài chính) lớn trên thế giới hầu hết đều bắt nguồn từ các ứng dụng công nghệ được khách hàng sử dụng thường xuyên mỗi ngày.

Ảnh: Economist.
Ảnh: Economist.

Mô hình kinh doanh của các ngân hàng truyền thống là sử dụng tiền gửi của khách hàng để cho vay. Tuy nhiên trong trường hợp khoản vay không thể thu hồi hoặc báo lỗ, ngân hàng sẽ phải gánh chịu mọi tổn thất bởi họ cần phải trả lại đầy đủ cả gốc và lãi cho người gửi tiền. 

Quá trình này có thể khiến các ngân hàng không ổn định, nhưng nó cũng mang lại cho họ lợi thế lớn trong các dịch vụ tài chính vì hoạt động nhận tiền gửi và cho vay là bổ sung cho nhau. Do đó, các ngân hàng thường trở thành nhà cung cấp cho tất cả dịch vụ tài chính mà khách hàng cần, từ thẻ tín dụng, thế chấp cho đến tư vấn đầu tư.

Sự trỗi dậy của fintech

Tuy nhiên sức ảnh hưởng ngày càng tăng của các công ty tài chính phi ngân hàng, nhất là các tập đoàn công nghệ tài chính (fintech) đang đe dọa sự thống trị của các ngân hàng truyền thống. 

Grab Financial Group mới được rót vốn 300 triệu USD vào tháng 1 năm nay. Ảnh: Cafef
Grab Financial Group mới được rót vốn 300 triệu USD vào tháng 1 năm nay. Ảnh: Cafef

Các tập đoàn fintech lớn trên thế giới hầu hết đều bắt nguồn từ các ứng dụng công nghệ được khách hàng sử dụng thường xuyên mỗi ngày. Ở Đông Nam Á chúng ta có Grab (Singapore), Gojek (Indonesia) đều xuất phát là các dịch vụ gọi xe. Trong khi đó Mercado Pago là chi nhánh tài chính của MercadoLibre, trang web thương mại điện tử lớn nhất châu Mỹ Latinh.

Một ví dụ tiêu biểu khác về fintech chắc chắn không thể không nhắc đến AliPay và WeChat Pay. Cả hai ứng dụng này cùng nhau xử lý khoảng 90% giao dịch di động ở Trung Quốc.

Alipay hay Ant Group, những "con đẻ" ngành tài chính của Alibaba được thành lập từ thực tế là người mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử của tập đoàn này thiếu các phương thức thanh toán an toàn. 

Alipay ban đầu chỉ là một tài khoản ký quỹ để chuyển tiền cho người bán sau khi người mua đã nhận được hàng. Tuy nhiên kể từ khi phát triển thành một ứng dụng di động riêng, Alipay nhanh chóng được ưa chuộng.  

Alipay hiện có hơn 1 tỷ người dùng đang hoạt động và xử lý số giao dịch trị giá 16.000 tỷ USD vào năm 2019, gấp gần 25 lần so với PayPal, nền tảng thanh toán trực tuyến lớn nhất bên ngoài Trung Quốc.

WeChat Pay thì được tính hợp trên WeChat (Tencent) vào năm 2013. WeChat tận dụng ưu thế là ứng dụng nhắn tin chính ở Trung Quốc và ngay lập tức giúp WeChat Pay có lượng người dùng khổng lồ. 

Ưu thế của fintech

Một trong những ưu điểm vượt trội của các fintech so với ngân hàng truyền thống nằm ở mức phí giao dịch hấp dẫn. WeChat Pay và Alipay chỉ đánh phí khoảng 0,1% trên mỗi giao dịch, ít hơn nhiều so với mức phí mà các ngân hàng truyền thống thu của người dùng thẻ ghi nợ (debit). 

Theo nhiều chuyên gia, sự xuất hiện của fintech đã buộc các ngân hàng phải giảm mức phí giao dịch trên toàn thế giới. 

Tuy nhiên mối đe dọa thực sự của fintech đối với các ngân hàng nằm ở nền tảng thanh toán, điều giúp các tập đoàn công nghệ tài chính thu hút nhiều người dùng hơn. Từ những dữ liệu thu thập được từ các giao dịch thanh toán, Ant Group, Grab hay Tencent có thể xác định được mức độ tín nhiệm của người vay. 

Sử dụng cơ chế này, Ant Group, mặc dù chỉ bắt đầu cho vay tiêu dùng vào năm 2014 tuy nhiên đến năm 2020, Ant đã chiếm khoảng 10% thị trường tài chính tiêu dùng ở Trung Quốc - trước khi bị các nhà quản lý hạn chế hoạt động. 

Trong khi đó các ngân hàng chỉ có những cách truyền thống để đánh giá mức độ tín nhiệm của người đi vay, như lịch sử tín dụng hoặc thế chấp tài sản. Các khoản vay thường được bảo đảm bằng tài sản thế chấp như nhà, ô tô,...

Việc buộc phải có tài sản thế chấp khiến nhiều người e ngại khi muốn vay vốn ngân hàng. Thay vào đó họ tìm đến các tập đoàn công nghệ tài chính, như những gì Agustin Carstens, ông chủ của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế nói: 
“Dữ liệu có thể thay thế cho tài sản thế chấp”.

Đánh vào các lợi thế lâu nay của ngân hàng

Bên cạnh cho vay, ngân hàng cũng cung cấp các sản phẩm tài chính khác như quản lý tài sản và bảo hiểm. Và các lĩnh vực kinh doanh này cũng đang bị các fintech đe dọa nghiêm trọng. 

Năm 2013, Ant Group đã ra mắt quỹ Yu’e Bao tập trung vào quản lý tài sản. Người sử dụng Yu'e Bao có thể kiếm được một khoản lợi nhuận nhỏ khi gửi tiền vào đây. Vào năm 2019, Yu'e Bao đã trở thành quỹ thị trường tiền tệ lớn nhất thế giới theo quy mô, trước khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc gây áp lực buộc Ant phải thu hẹp quỹ. 

Các fintech đang sử dụng nền tảng của mình để đảo ngược cách vận hành của ngân hàng. Điều này thậm chí đang bắt đầu xảy ra tại Mỹ, nơi người dùng vốn ưa chuộng thẻ tín dụng (credit-card: cho phép bạn "tạm" vay của ngân hàng để mua sắm). 

Nắm bắt xu hướng của người tiêu dùng, PayPal hiện còn chấp nhận thanh toán các giao dịch bằng tiền điện tử. Ảnh: Ledger Insights.
Nắm bắt xu hướng của người tiêu dùng, PayPal hiện còn chấp nhận thanh toán các giao dịch bằng tiền điện tử. Ảnh: Ledger Insights.

Sự thay đổi xu hướng của người tiêu dùng Mỹ bắt đầu từ Covid-19. Đại dịch bùng phát khiến nhiều người buộc phải mua sắm trực tuyến, giúp các nền tảng thanh toán như PayPal hưởng lợi. Giá trị thị trường của PayPal đã tăng gần gấp đôi trong 12 tháng qua, chạm mốc 310 tỷ USD và là nền tảng thanh toán có giá trị lớn nhất thế giới. 

Stripe, một nhà cung cấp dịch vụ thanh toán cho doanh nghiệp, hiện được định giá 95 tỷ USD và cũng là công ty công nghệ tư nhân lớn nhất ở Mỹ. Thành công của Stripe cho thấy không chỉ ngân hàng bán lẻ, mà cả các ngân hàng doanh nghiệp cũng có thể bị đe dọa bởi fintech.

Stripe được các công ty nhỏ ưa chuộng bởi hình thức thanh toán trực tuyến tiện lợi. Tập đoàn này cũng cung cấp các dịch vụ mới cho khách hàng như trả lương và quản lý tiền mặt. 

Tuy nhiên cũng có những điều mà fintech không thể làm như ngân hàng. Đó là lợi thế từ nguồn vốn vững mạnh nhờ tiền gửi của khách hàng, ngay cả khi họ không biết mình nên cho ai vay. Trong khi đó lợi thế của các công ty công nghệ là họ biết phải cho ai vay nhưng họ lại không có đủ tiền. 

Vì vậy, một số tập đoàn công nghệ tài chính đang muốn áp dụng cách làm như các ngân hàng để tận dụng lợi thế tiền gửi. Grab, công ty sắp ra mắt công chúng với mức định giá khoảng 40 tỷ USD đã được cấp giấy phép hoạt động ngân hàng, cho phép nó nhận tiền gửi từ người tiêu dùng.

Trụ sở ngân hàng JPMorgan Chase. Ảnh: eToro Support.
Trụ sở ngân hàng JPMorgan Chase. Ảnh: eToro Support.

Nếu có thêm nhiều fintech đi theo con đường giống Grab, trong tương lai các ngân hàng vẫn có thể là trung tâm của hệ thống tài chính nhưng thay vì những cái tên quen thuộc HSBC, JPMorgan,... thì nay rất có thể sẽ là Grab hay Ant Group. 

Độc quyền công nghệ

Các tranh cãi xung quanh vấn đề độc quyền công nghệ của các tập đoàn tài chính chủ yếu xoay quanh việc nắm giữ dữ liệu khách hàng. Các fintech có thể theo dõi hành vi trực tuyến, từ đó xác định các khách hàng có đủ điều kiện vay vốn. Nhiều ý kiến cho rằng sẽ tốt hơn cho toàn ngành tài chính nếu những thông tin hữu ích như vậy được các fintech chia sẻ với các tổ chức tài chính khác. 

Ý tưởng chia sẻ dữ liệu theo cách này được gọi là “ngân hàng mở”, đã được các cơ quan quản lý ở Châu Âu chấp nhận.

"Các nhà chức trách đang đối mặt với viễn cảnh rằng các fintech sẽ ngày càng thu thập nhiều dữ liệu riêng tư hơn, tuy nhiên nó không được dùng cho mục đích cho vay mà dùng vào các mục đích mờ ám khác. Bảo mật quyền riêng tư là một ưu tiên ở châu Âu và các công ty trên không thể không xem xét lại về các ưu tiên dữ liệu của mình" - Jean-Pierre Landau, cựu phó thống đốc của Banque de France nhận định. 

Trong khi đó tại Trung Quốc, chính quyền đang bắt đầu quay lưng với các gã khổng lồ fintech của mình. Kế hoạch ra mắt công chúng của Ant Group buộc phải hoãn lại trong khi nhiều công ty cùng ngành khác của Ant thì đang buộc phải dừng cung cấp một số sản phẩm tín dụng, xin giấy phép kinh doanh mới, huy động thêm vốn,...Đây được cho là những biện pháp để biến fintech ngày càng giống như một ngân hàng truyền thống hơn. 

Tin Cùng Chuyên Mục