Nghệ nhân Hà Thị Vinh - Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam; Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh: Người “thổi hồn” và “giữ lửa” làng nghề gốm sứ Bát Tràng

Vân Trang

Bát Tràng là một làng nghề cổ có tuổi đời gần 1000 năm. Làng nghề gốm sứ Bát Tràng có hai thứ rất khác biệt với các làng nghề khác, đó là có nghề trước khi có làng và có làng nhưng không có ruộng. Hai sự khác biệt này đã góp phần tạo lên những dấu ấn của làng gốm cổ Bát Tràng trong suốt chiều dài lịch sử. Một trong những người có công phục dựng, “thổi hồn” và “giữ lửa” truyền thống của làng nghề chính là nghệ nhân Hà Thị Vinh – Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam; Chủ tịch Hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội; Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh.

“Thổi hồn” kinh doanh…

Nhớ lại thời kỳ đầu lập làng nghề, nghệ nhân Hà Thị Vinh cho biết: Khởi nguồn của làng gốm Bát Tràng là các cụ tổ nghề từ Bồ Bát - Yên Mô - Ninh Bình rời chốn tổ theo Vua Lý Công Uẩn ra lập nghiệp tại ven bến sông này đến đây, các cụ nhìn thấy 72 gò đất trắng khẳng định đây là vùng đất đắc địa nên đã dựng đất làm ăn, nghề gốm sứ cũng phất lên từ đó.

Nghệ nhân Hà Thị Vinh - Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam; Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh: Người “thổi hồn” và “giữ lửa”  làng nghề gốm sứ Bát Tràng - Ảnh 1

Nghệ nhân Hà Thị Vinh là truyền nhân đời thứ 15 của dòng họ, là một trong 19 dòng họ gốc ở Bát Tràng và cũng là thế hệ đầu tiên từ Nhà nước mở doanh nghiệp tư nhân. Thời kỳ làm việc trong Nhà nước, bà Vinh trải qua rất nhiều phòng, ban, đặc biệt những kinh nghiệm từ khi làm Trưởng ban Xuất khẩu (Công ty Gốm sứ Bát Tràng) đã giúp bà rất nhiều trong quá trình thành lập công ty riêng của mình sau này. Từ quy trình xuất khẩu cho một sản phẩm đến xuất khẩu hàng loạt sản phẩm đến tất cả các quốc gia một cách suôn sẻ, thuận lợi. Qua rất nhiều thăng trầm, Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh do bà làm Chủ tịch HĐQT đã triển khai hoạt động xuất khẩu sang 30 quốc gia, trong đó có những nước khó tính, 90% sản phẩm của công ty được xuất khẩu ra nước ngoài.

Để ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất và xuất khẩu thành công là một câu chuyện rất dài với bản thân bà Vinh cũng như Công ty Quang Vinh. Nữ nghệ nhân bồi hồi nhớ lại: Thập niên 80 – 90, Bát Tràng chủ yếu đốt bằng lò than, giai đoạn cao điểm những năm 94 - 95, mỗi đêm Bát Tràng đốt lên bầu trời cỡ 300 tấn than cám. Ô nhiễm môi trường khủng khiếp… Trên các mảng tường khu vực đốt lò, than bám đen kịt, không gian mịt mù khói bụi. Mùa khô, bụi bay mù trời.  Mùa mưa, bùn ngoài đường ngập đến mắt cá chân… Đúng thời điểm đó, bà may mắn gặp một đối tác người Đài Loan (Trung Quốc), ông đã động viên bà chuyển sang đốt bằng lò ga. Khi đó, kinh phí chưa có nhiều nên bà cũng hơi lăn tăn nhưng đối tác tự nguyện cho vay vốn và hỗ trợ lắp đặt lò nên bà mạnh dạn chuyển đổi.

Nghệ nhân Hà Thị Vinh - Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam; Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh: Người “thổi hồn” và “giữ lửa”  làng nghề gốm sứ Bát Tràng - Ảnh 2

Từ ngày có lò đốt mới, không những giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực làng nghề, chất lượng sản phẩm, công suất cũng tăng lên. Ngoài phục vụ hoạt động sản xuất trong công ty, bà Vinh còn cho thuê lò đốt, khuyến khích các hộ sử dụng công nghệ đốt lò mới. Tiếp theo đó, cuối thập niên 90, Gốm sứ Quang Vinh may mắn là một trong 4 doanh nghiệp được cử sang Thái Lan tham gia khoá học về ứng dụng công nghệ lò đốt (lò bông). Sau khoá học, Quang Vinh chuyển giao công nghệ mới cho bà con làng nghề. Tính đến thời điểm này, Bát Tràng đều đã áp dụng các công nghệ mới trong đốt lò, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, tạo lên sức sống mới, khuôn mặt mới, tầm vóc mới cho làng nghề ngàn năm tuổi.

“Giữ lửa” truyền thống làng nghề…

Xây dựng một bảo tàng gốm sứ cho làng nghề là mong ước bấy lâu nay của bà Vinh cũng như các chủ cơ sở sản xuất kinh doanh ở đây. Để thực hiện ước mơ đó, thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, bà Vinh đã đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm làm du lịch, xây dựng bảo tàng ở một số quốc gia. Bà phát hiện họ có rất nhiều câu chuyện hay để kể và những câu chuyện này đặc biệt thu hút khách tham quan, kích thích mua sắm… “Tôi tự nói với mình rằng, quê mình có rất nhiều câu chuyện hay nhưng tại sao mình không kể được như họ?!” – nữ nghệ nhân tự hỏi. Sự đau đáu ấy rồi cũng được thực hiện khi bà tạo dựng nền móng vững chắc cho Công ty Quang Vinh. Được sự đồng lòng ủng hộ của bà con làng nghề, bà Vinh xúc tiến xây dựng Trung tâm Bảo tàng gốm sứ. Từ đây, rất nhiều câu chuyện hay, hấp dẫn của làng nghề đã được kể, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Nghệ nhân Hà Thị Vinh - Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam; Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh: Người “thổi hồn” và “giữ lửa”  làng nghề gốm sứ Bát Tràng - Ảnh 3

Sự đặc sắc, độc, lạ của Trung tâm Bảo tàng gốm sứ Bát Tràng là khi ta bước vào sẽ nhìn thấy các trụ xoáy hút sản phẩm lên. Trụ nọ nối trụ kia làm một cái cửa đưa hàng vào trong lò. Càng đi sâu vào trong, là chúng ta đang đi vào trong lò. Khi đi trên quảng trường tầng 1 chính là đang đi trên nền gạch cổ và đây là chất liệu mà nghệ nhân Hà Thị Vinh và các nghệ nhân làng nghề đã dày công nghiên cứu mới có được.

Cùng với Trung tâm Bảo tàng gốm sứ, Bát Tràng còn có khu tưởng niệm nghệ nhân các giai đoạn của lịch sử phát triển làng nghề, ông tổ nghề… Bởi lẽ, khi Bát Tràng ra đời thì tinh hoa nghề cũng ra đời và văn hoá làng nghề cũng hình thành. Cư dân Bát Tràng đều hiểu tri thức là quan trọng, vì vậy khi kinh tế phát triển, họ đầu tư cho con em học hành. Bát Tràng còn có trạng nguyên, quận công, văn chỉ… Ngày giỗ Tổ rất quan trọng với cư dân nơi đây, trong ngày đó mọi người ôn lại lịch sử của làng nghề để cùng tự hào, nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn của mình…

Nghệ nhân Hà Thị Vinh
Nghệ nhân Hà Thị Vinh

Nghệ nhân Hà Thị Vinh cho hay: “Trong Trung tâm Bảo tàng gốm sứ trưng bày các tác phẩm nghệ thuật của các nghệ nhân trong 19 dòng họ để nhắc nhở rằng tinh thần đoàn kết của chúng tôi rất cao. Đây cũng là nơi tập trung văn hoá của cả cộng đồng, vừa là để báo công với tổ tiên con cháu giờ làm được gì, cũng như giới thiệu cho du khách những tinh hoa của Bát Tràng.

Trung tâm ra đời đóng góp được rất nhiều cho sự phát triển của làng nghề. Các kiốt trưng bày ở Trung tâm được miễn thuế trong 1 năm rưỡi để bà con có cơ hội phát triển cũng như giới thiệu sản phẩm ra thị trường. Trong 6 tháng cuối năm, chúng tôi có thu một khoản chi phí rất nhỏ để hỗ trợ hoạt động. Trung tâm rất đông khách, có những ngày đại lễ có tới 4 - 5 ngàn du khách đến tham quan. Bình quân 1 tháng có tới trên dưới 20.000 khách vào tham quan. Có những đoàn thuộc trường quốc tế, các trường cấp 1, cấp 2 đến tham quan, học tập, kéo theo dịch vụ phát triển, tăng thu nhập cho người dân. Đây cũng là thỏi nam châm hút khách từ bên ngoài” – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh chia sẻ.

Gìn giữ cho muôn đời sau!

Bà Vinh cho biết, Trung tâm Bảo tàng gốm sứ Bát Tràng mới hoàn thành giai đoạn 1. Bà đang trao đổi với Ban lãnh đạo địa phương trong giai đoạn 2 xin đưa làng nghề thành một bảo tàng mở để trên các ngõ nhỏ, tường cao, những câu chuyện của dòng họ, các di sản đều đưa vào trong đó, được kể lại cho mọi người nghe, để mỗi người dân làng nghề thêm hiểu, yêu và tự hào về làng nghề truyền thống của mình.

Một trong những ấn tượng của du khách khi mua sản phẩm của làng nghề là sự sáng tạo của các chủ cơ sở sản xuất. Các cơ sở sản xuất nghiên cứu, thay đổi mẫu mã liên tục. Nghệ nhân Hà Thị Vinh cho hay: Quang Vinh 1 năm có 2 mùa đàm phán đáp ứng nhu cầu khách. Bởi 1 vòng đời thiết kế có thể sống tới 5 - 7 năm, nhưng cũng có khi chỉ 1 - 2 năm phải ra 1 vòng đời thiết kế khác. “Xuất khẩu vào thị trường nào phải nghiên cứu, nắm bắt được thị hiếu của thị trường đó. Chúng tôi phải làm sao chạm vào trái tim của khách hàng. Bát Tràng là làng nghề có nhiều nghệ nhân nhất. Hiện làng nghề có trên 100 nghệ nhân, họ đều là những nghệ nhân rất giỏi, linh hồn trong làng nghề, để vừa giữ nghề, vừa truyền nghề, phải làm sao thúc đẩy cho những ý tưởng thiết kế của họ, cho cộng đồng cùng phát triển!” – bà Vinh bày tỏ.

Nghệ nhân Hà Thị Vinh - Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam; Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh: Người “thổi hồn” và “giữ lửa”  làng nghề gốm sứ Bát Tràng - Ảnh 4

Cũng theo nữ nghệ nhân: Đáp ứng thị trường xuất khẩu nước ngoài, các sản phẩm phải có tiêu chí rất rõ ràng, vì hiện tại chúng ta đã có quan hệ sâu rộng với thế giới. Ngoài hệ thống pháp luật chung của quốc tế, chúng ta còn phải tuân thủ các đạo luật riêng của châu Âu, Mỹ. Để có thể hoà nhập, Quang Vinh phải cập nhật liên tục các thủ tục pháp lý. Ngoài hệ thống quy định chặt chẽ, họ còn test nhà máy, khi đạt mới đưa lên hệ thống. Khó khăn rồi khó khăn, nhưng Quang Vinh có rất nhiều chính sách để đáp ứng (chính sách về lao động, chính sách về tiền lương…).

Gốm sứ Quang Vinh có tổng số hơn 300 lao động thì có đến 90% lao động nữ nên doanh nghiệp rất quan tâm đến chính sách cho lao động nữ.  “Quang Vinh xây dựng Quỹ “Tương thân, tương ái”, cho công nhân vay. Công đoàn quản lý quỹ, Giám đốc bảo lãnh và chịu trách nhiệm… Mỗi người được vay (5 - 20 triệu đồng) nhưng giúp cho hàng trăm cán bộ công nhân viên được vay xây nhà, phụ kinh tế gia đình, con cái ăn học, chăm lo cho cha mẹ khi về già. Không chỉ vậy, doanh nghiệp còn có Quỹ khuyến học hỗ trợ con em ăn học, hỗ trợ nghiên cứu khoa học… Mỗi năm, công ty tổ chức một trại Hè, các thành viên trong làng được tham gia các hoạt động, học nghề truyền thống của làng mình” – nghệ nhân Hà Thị Vinh tự hào khoe.

Kết ngắn

Mọi chính sách Quang Vinh đưa ra đều rất nhân văn nhưng trên cơ sở của sự công bằng. Thực tế, công ty có một bộ phận chuyên xử lý rủi ro, ai khó khăn thực sự sẽ được hỗ trợ. Chính điều đó đã làm cho trái tim của nhân viên và thủ trưởng gắn kết với nhau, trên một tinh thần “văn hoá doanh nghiệp” vô cùng chặt chẽ, nhân văn... Bà Vinh có 3 người con thì cô con gái học cao học bên Anh về phụ trách mảng xúc tiến thương mại, công tác nghiên cứu thị trường. Con trai út theo học Đại học gốm sứ Trung Hoa ở Giang Tây (Trung Quốc) chuyên nghiên cứu vật liệu làm men, gốm để tạo lên các sản phẩm vừa nhẹ, vừa mỏng vừa đẹp. Con dâu làm thiết kế sản phẩm… Tất cả tạo nên một Gốm sứ Quang Vinh vừa trẻ trung, hiện đại, vừa truyền thống và nhân văn, cùng nhau dựng xây, gìn giữ những giá trị, tinh hoa văn hoá làng gốm cổ truyền.

 

Bát Tràng là một trong những làng nghề phát triển rực rỡ, nghề hoạt động cả năm. Hiện tại, Bát Tràng có trên 1.000 chủ thể sản xuất kinh doanh nghề gốm, trong đó có trên 200 là mô hình doanh nghiệp tập trung vào sản xuất các dòng sản phẩm chính như: Sản phẩm tâm linh (đồ thờ), trang trí ngoại thất, nội thất, đồ gia dụng…

Tin Cùng Chuyên Mục