Người Việt “vô tư” phạm luật trên mạng xã hội

PV

(Doanhnhan.vn) - Với sự phát triển mạnh mẽ và tốc độ lan truyền của mạng xã hội (MXH) Facebook hiện nay, việc tung tin thất thiệt, thông tin chưa được kiểm chứng, thậm chí cố ý bôi nhọ, xúc phạm người khác đã và đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nhiều cá nhân, tổ chức.

Theo luật pháp Việt Nam, người dùng mạng xã hội có nguy cơ bị xử lý chế tài bất cứ lúc nào nếu đưa những thông tin chưa được kiểm chứng lên đây. Tuy nhiên, có một sự thật đáng lo ngại là khá nhiều người dùng mạng xã hội Việt đang vô tư phạm luật mà không biết.

Mạng xã hội - nơi ai cũng có thể trở thành “Người phán xử”

Hiện nay, Việt Nam khoảng hơn 30 triệu người dùng facebook, chưa kể các MXH khác. Với sự tiện lợi và kết nối nhanh chóng, mạng xã hội đang dần trở thành kênh để người dùng chia sẻ thông tin được yêu thích nhất hiện nay. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng mạng xã hội là ảo nên có quyền được tự do ngôn luận, thậm chí bịa đặt, sai sự thật, vu khống, xúc phạm làm ảnh hưởng tới uy tín của các cá nhân, tổ chức và gây hoang mang dư luận.

Điều này để lại hậu quả nghiêm trọng đối với các nạn nhân bởi sự lan tỏa của MXH, đặc biệt facebook là rất lớn. Chỉ cần một thông tin được đưa lên, sẽ có hàng nghìn người like, chia sẻ, bình luận… và hậu quả của những thông tin thất thiệt này là uy tín, thương hiệu của tổ chức, doanh nghiệp, danh dự của cá nhân bị xâm hại nghiêm trọng.

Đại diện chuỗi bán lẻ mẹ và bé Bibo Mart chia sẻ, trong kinh doanh các doanh nghiệp sẽ không tránh khỏi trường hợp khách hàng khiếu nại, thắc mắc về sản phẩm và dịch vụ, đặc biệt là trong lĩnh vực bán lẻ. Đó là điều hoàn toàn bình thường. Và để giải quyết các trường hợp khiếu nại khách hàng, các doanh nghiệp trong đó có Bibo Mart luôn có một bộ phận chăm sóc khách hàng để có thể giải quyết một cách nhanh nhất các vấn đề khách hàng gặp phải nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi của khách hàng.

Tuy nhiên, trong quá trình kinh doanh, chúng tôi không ít lần gặp những những trường hợp khi khách hàng có khiếu nại, trong quá trình sự việc vẫn đang được giải quyết và chưa có kết luận cuối cùng thì đã bị mạng xã hội đưa tin theo một chiều hướng khác, không đúng với bản chất của sự việc. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín, thương hiệu và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp như chúng tôi.

Người Việt “vô tư” phạm luật trên mạng xã hội - Ảnh 1
Ảnh chụp khách hàng tung tin về Bibo Mart.

Theo Luật sư Dương Thị Hường - Công ty Luật Tài Trung, khá nhiều người dân vẫn chưa nhận thức được việc đưa tin không đúng sự thật là một việc làm sai trái hoặc biết là sai trái nhưng nghĩ rằng những việc mình làm sẽ khó bị pháp luật “sờ đến”. Tuy nhiên người dùng mạng xã hội có nguy cơ bị xử lý chế tài bất cứ lúc nào nếu đưa những thông tin chưa được kiểm chứng lên đây

Chia sẻ như thế nào để tránh phạm luật?

Theo Luật sư Hường: “Khi có vấn đề tranh chấp, khiếu kiện giữa các bên liên quan, luật pháp luôn có những điều luật để đảm bảo sự công bằng và lợi ích của tất cả các bên”.

Trách nhiệm của doanh nghiệp là phải tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của khách hàng. Bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa do mình cung cấp gây thiệt hại đến người tiêu dùng. Nhưng đồng thời doanh nghiệp cũng có quyền yêu cầu khách hàng trình bày, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến sự việc khiếu nại.

Về phía khách hàng khi khiếu nại, khách hàng có trách nhiệm khai báo rõ tên tuổi, địa chỉ và có thái độ đúng mực đối với người bị khiếu nại. Khách hàng phải trình bày trung thực, khách quan, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến sự việc khiếu nại và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung khiếu nại của mình.

Khách hàng có quyền được trình bày nội dung khiếu nại, được hướng dẫn, giải thích về nội dung liên quan đến khiếu nại và được quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng bảo vệ quyền lợi của mình.

Đối với những cá nhân, tổ chức không liên quan tới sự việc, khi chia sẻ, đưa tin, đánh giá, bình luận… về vấn đề cũng phải tuân thủ theo pháp luật. Theo điểm g, khoản 3, điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”

Luật sư Hường cho biết thêm, khi khách hàng khiếu nại cần tuân thủ theo quy trình xử lý khiếu nại của Doanh nghiệp. Khách hàng có quyền tự do ngôn luận nhưng không được lạm dụng quyền này để xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác. Nội dung này được quy định tại Hiến pháp, bộ Luật Dân sự và bộ Hình sự:

Giả sử sản phẩm khách hàng khiếu nại không đảm bảo chất lượng như khách hàng phản ánh, việc điều tra nguồn gốc, kiểm định chất lượng sản phẩm được thực hiện và đó chính là chứng cứ trong vụ án. Giả sử có tài liệu hợp pháp chứng minh sản phẩm đó là không đảm bảo thì phải có chứng cứ chứng minh sản phẩm đó có nguồn gốc từ doanh nghiệp, được khách hàng mua và bảo quản đúng quy định và khuyến nghị.

Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì tùy mức độ vi phạm sẽ, người vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, nặng nhất có thể bị xử lý hình sự.

Với các trường hợp share và comment những ý kiến mang tính phán xét khi chưa đầy đủ chứng cứ chứng minh có thể bị xem là xâm phạm đến danh dự, uy tín của doanh nghiệp và có thể bị doanh nghiệp khởi kiện theo quy định của pháp luật và có thể bị yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do xâm phạm đến danh dự, uy tín của doanh nghiệp. Việc bồi thường thiệt hại này có thể là xin lỗi công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, bồi thường các khoản thiệt hại thực tế mà doanh nghiệp bị thiệt hại (chi phí để ngăn chặn thiệt hại, tổn thất doanh thu…)

Rõ ràng, các hành động tung tin đồn sai sự thật, bịa đặt, gây hoang mang dư luận, gây ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức là vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Và đã đến lúc người dùng mạng xã hội Việt Nam cần có trách nhiệm với lời nói, hành vi của mình để tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc cho bản thân và xã hội.

Tin Cùng Chuyên Mục