Nhiều dự án nghỉ dưỡng bị chậm tiến độ do Covid-19

Hà Giang

(Doanhnhan.vn) - Savills cho biết có 53% số dự án được khảo sát đang bị chậm trễ so với tiến độ dự kiến ban đầu.

Savills Hotels cho biết vừa tiến hành khảo sát và nghiên cứu về mức độ ảnh hưởng của đại dịch đối với các dự án bất động sản nghỉ dưỡng đang được triển khai xây dựng hoặc sắp đi vào hoạt động.  Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng nguồn cung tương lai lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á, với mức tăng trưởng kép hàng năm ấn tượng, đạt 20% trong vòng 3 năm qua.

Kết quả cho thấy, sau dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã và đang gặp phải nhiều khó khăn trong việc đáp ứng tiến độ dự án với nguyên nhân chủ yếu đến từ tình trạng thiếu nguyên liệu, thiếu nhân công. 

Nhiều dự án nghỉ dưỡng bị chậm tiến độ do Covid-19 - Ảnh 1
Bãi biển tại Nha Trang - nơi có nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng.

Theo số liệu của Savills Hotels, có 49 dự án bất động sản nghỉ dưỡng thuộc phân khúc 4 & 5 sao tại các điểm đến nghỉ dưỡng chính đang được triển khai xây dựng và dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2020, bổ sung khoảng 16.900 phòng cho thị trường.

Khảo sát cho thấy 53% trong số các dự án này, dù có phần chậm trễ so với tiến độ dự kiến ban đầu song cũng đang gấp rút hoàn thiện những bước cuối cùng để kịp thời mở cửa đón khách trong năm nay. 23 dự án còn lại tạm hoãn thời gian hoàn thiện qua năm 2021, trong số đó, hơn 60% dự kiến hoàn thiện vào quý I và II/2021, số còn lại vẫn chưa có thời gian dự kiến hoàn thành cụ thể. Phần lớn các dự án chậm tiến độ (90%) tập trung ở khu vực ven biển.

"Chúng tôi không loại trừ khả năng tiến độ các dự án này trong tương lai có thể bị ảnh hưởng do những tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, cho đến nay, phần lớn các dự án vẫn đang được triển khai", ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương cho hay. 

Riêng đối với việc mở bán các dự án mới, các chủ đầu tư dự án ngôi nhà thứ hai và condotel đều đẩy lùi tiến độ ra mắt để chờ nhu cầu trong nước hồi phục trở lại.

Savills Hotels cũng vừa vừa tiến hành khảo sát 635 khách sạn và khu nghỉ dưỡng thuộc phân khúc bốn và năm sao tại Việt Nam. Theo kết quả khảo sát, có 493 cơ sở lưu trú, tương đương 78% đã mở cửa đón khách. Trong đó đa phần các khách sạn và khu nghỉ dưỡng đã cung cấp đầy đủ tiện ích đi kèm, chỉ có một số ít các cơ sở áp dụng chiến lược tạm ngưng một phần để cắt giảm chi phí. Cuộc khảo sát cũng cho thấy 22% cơ sở vẫn tạm dừng hoạt động cho đến khi khách quốc tế quay trở lại.

Savills cũng cho biết, phần lớn các cơ sở lưu trú ở TPHCM và Hà Nội đều mở cửa hoạt động trở lại nhằm giữ chân các nhân sự chủ chốt và tránh mất thị phần trong trường hợp thị trường có sự phục hồi nhanh chóng sau đại dịch. Các cơ sở lưu trú tại thị trường ven biển dường như thận trọng hơn trong quyết định mở cửa đón khách, điển hình như Phú Quốc hay Quảng Nam với tỷ lệ mở lại lần lượt là 58% và 55%.

Ông Mauro nhận xét, sự giảm mạnh của lượng khách du lịch đã khiến cho giá phòng trung bình trong tháng 4 vừa qua tại các cơ sở lưu trú, đặc biệt là phân khúc phụ thuộc vào nguồn khách quốc tế bị sụt giảm đáng kể. Cụ thể, giá phòng trung bình của thị trường trong tháng 4 đã giảm 29% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó có thể thấy các khách sạn và khu nghỉ dưỡng cao cấp đã bắt buộc phải giảm giá phòng.

Khoảng 95% cơ sở lưu trú đã mở cửa trở lại cho biết các tiện ích phòng họp và hội nghị phục vụ nhóm khách hội nghị (MICE) đã sẵn sàng đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, ông Mauro cho biết, theo chia sẻ từ đại diện các cơ sở lưu trú, nguồn cầu về phân khúc này hiện vẫn được ghi nhận ở mức thấp kể từ khi mở cửa hoạt động trở lại. 

Tin Cùng Chuyên Mục