Nợ chiếm quá 50% tổng tài sản, Quốc tế Sơn Hà (SHI) vẫn tiếp tục đi vay qua trái phiếu

Quỳnh Chi

Tính đến thời điểm 30/6/2021, tổng nợ vay tài chính của Sơn Hà lên đến 2.392 tỷ đồng, chiếm đến 50% tổng tài sản. Lãi vay phải trả trong 6 tháng đầu năm là hơn 71 tỷ đồng, ăn mòn đáng kể lợi nhuận.

Liên tục mượn nợ qua kênh trái phiếu

Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà (Mã CK: SHI) vừa phát hành thành công 280 tỷ đồng trái phiếu cho một công ty bảo hiểm.

Nợ chiếm quá 50% tổng tài sản, Quốc tế Sơn Hà (SHI) vẫn tiếp tục đi vay qua trái phiếu - Ảnh 1

Tài sản đảm bảo là 38,5 triệu cổ phiếu SHI (tương ứng 38,3% số cổ phiếu SHI đang lưu hành) và toàn bộ quyền phát sinh từ cổ phiếu như cổ tức bằng cổ phiếu, cổ phiếu thưởng, cổ phiếu do chia tách, ngoại trừ quyền mua cổ phần phát hành tăng vốn cho cổ đông hiện hữu.

Bên cạnh đó, tài sản đảm bảo còn bao gồm thêm 12 triệu cổ phần của công ty con SHI là Tập đoàn Toàn Mỹ cùng toàn bộ quyền phát sinh từ cổ phần này cũng được đưa vào tài sản đảm bảo. Tính đến thời điểm 30/6/2021, SHI đang sở hữu 74,34% vốn tại Tập đoàn Toàn Mỹ.

Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền. Lô trái phiếu với kỳ hạn 36 tháng, đáo hạn tại ngày 28/7/2024. Số tiền huy động được Sơn Hà dự kiến sẽ sử dụng để tăng quy mô vốn hoạt động và đầu tư dự án.

Trước lần huy động vốn này, tổng vay tài chính của Sơn Hà lên đến 2.392 tỷ đồng, chiếm đến 50% tổng tài sản, theo số liệu tới ngày 30/6/2021. Nợ ngắn hạn vay của các ngân hàng thương mại như BIDV, Vietcombank, VietinBank chiếm 91% tổng nợ của Sơn Hà. Lãi suất dao động trong khoảng 6% - 9%/năm.

Quốc tế Sơn Hà được biết tới tiền thân với tên gọi là Công ty TNHH Cơ Kim khí Sơn Hà, thành lập từ năm 1998 với vốn điều lệ ban đầu là 600 triệu đồng. Lĩnh vực kinh doanh chủ lực là sản xuất đồ gia dụng, điện gia dụng. Công ty chuyển đổi sang mô hình Công ty cổ phần từ tháng 10/2007 và chính thức lên sàn vào cuối tháng 12/2009.

Trải qua nhiều lần tăng vốn, vốn điều lệ của Sơn Hà đã tăng lên hơn 1.000 tỷ đồng. Ông Lê Vĩnh Sơn, người sáng lập Sơn Hà từ những ngày đầu hiện đang là Chủ tịch HĐQT cũng đồng thời là cổ đông lớn nhất trực tiếp nắm giữ 14,58% cổ phần.

Gần đây nhất, tháng 5/2021, Sơn Hà đã bổ nhiệm ông Đào Nam Phong giữ chức Tổng giám đốc thay cho ông Nguyễn Viết Hà. Ông Phong có bằng Thạc sỹ quản trị kinh doanh Đại học Columbia Southern, được bổ nhiệm vị trí Tổng giám đốc Sơn Hà sau 8 tháng là Phó tổng giám đốc công ty.

Trước khi về với Sơn Hà, ông Phong từng có kinh nghiệm quản trị tại một số doanh nghiệp. Cụ thể, từ năm 2019 đến giữa năm 2021, ông Phong làm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Unimex (thuộc Tập đoàn T&T); Phó tổng giám đốc Tập đoàn FLC từ tháng 8/2018 đến giữa năm 2019. Trước đó, tân Tổng giám đốc của Sơn Hà từng có thời gian làm Giám đốc Công ty cổ phần Halico.

Gánh nặng tài chính

Sơn Hà đứng trước gánh nặng tài chính khi thường xuyên duy trì vay nợ. Lợi nhuận của doanh nghiệp bị ăn mòn đáng kể khi mỗi năm doanh nghiệp phải gánh hàng trăm tỷ đồng chi phí nợ vay. Năm 2020, Sơn Hà phải trả hơn 155 tỷ đồng chi phí lãi vay. Con số này trong 6 tháng đầu năm 2021 là hơn 71 tỷ đồng.

Mặc dù tăng trưởng nhờ doanh thu 6 tháng đầu năm tăng mạnh 39% so với cùng kỳ, lên mức 3.286 tỷ đồng, lãi ròng ở mức 81 tỷ đồng (gấp 3,3 lần cùng kỳ), tuy nhiên biên lợi nhuận của Sơn Hà vẫn ở mức thấp. 

Nợ chiếm quá 50% tổng tài sản, Quốc tế Sơn Hà (SHI) vẫn tiếp tục đi vay qua trái phiếu - Ảnh 2

Giá vốn tăng cao khiến biên lãi gộp không được cải thiện trong khi khả năng quản lý chi phí chưa hiệu quả khi các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Điều này dẫn đến biên lợi nhuận ròng của Sơn Hà chỉ ở mức 1,7% tức là 100 đồng doanh thu chỉ mang về 1,7 đồng lãi.

Bên cạnh đó, dòng tiền kinh doanh của Sơn Hà trong 6 tháng đầu năm âm gần 285 tỷ đồng. Khả năng thu hồi công nợ kém hiệu quả khiến dòng tiền bị tắc tại các khoản phải thu và một phần trong tồn kho. Các khoản phải thu và tồn kho cuối kỳ đều tăng mạnh, chiếm hơn 70% tổng tài sản của Sơn Hà.

Áp lực từ dòng tiền kinh doanh có thể là một phần nguyên nhân khiến Sơn Hà tiếp tục phải vay nợ để bù đắp. 6 tháng đầu năm, công ty đã thu từ đi vay đến gần 2.850 tỷ đồng, cao hơn 727 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, doanh nghiệp phải trả nợ gốc vay trong nửa đầu năm là 2.700 tỷ đồng.

Tin Cùng Chuyên Mục