Nợ phải trả gần 12.000 tỷ nhưng vẫn không ngừng đi vay, công ty tài chính Mirae Asset đang làm ăn ra sao?

Quỳnh Chi

Thu nhập lãi thuần liên tục tăng mạnh qua từng năm nhưng biên lợi nhuận ròng của công ty tài chính Mirae Asset lại ngày càng mỏng do áp lực từ đòn bẩy tài chính và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.

Nợ phải trả gần 12.000 tỷ nhưng vẫn không ngừng đi vay, công ty tài chính Mirae Asset đang làm ăn ra sao?

Nợ phải trả gần 12.000 tỷ đồng

Công ty tài chính Mirae Asset Việt Nam (MAFC) vừa thông báo đã hoàn tất phát hành lô trái phiếu MFFCH2333001 vào ngày 22/12/2023. Tổng số lượng trái phiếu phát hành là 8.000 trái phiếu với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, tổng giá trị 800 tỷ đồng và kỳ hạn 10 năm.

Đây là lô trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo. Trong 5 năm đầu kể từ ngày phát hành lô trái phiếu chịu lãi suất 11,5% và 5 năm còn lại đến khi đáo hạn là 13,5%.

Tính đến cuối năm 2022, giá trị phát hành giấy tờ có giá của MAFC ở mức 3.160 tỷ đồng, chiếm 27% tổng nợ phải trả. Bên cạnh đó, công ty tài chính này còn vay tổ chức tín dụng (TCTD) khác gần 8.100 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả của MAFC đã liên tục tăng mạnh qua từng năm, lên đến hơn 11.700 tỷ đồng vào cuối năm 2022.

Nợ phải trả gần 12.000 tỷ nhưng vẫn không ngừng đi vay, công ty tài chính Mirae Asset đang làm ăn ra sao? - Ảnh 1

Trong khi đó, năng lực về vốn của MAFC khiên tốn hơn nhiều khi vốn điều lệ của công ty tài chính này chỉ ở mức 1.500 tỷ và vốn chủ sở hữu hơn 1.700 tỷ đồng vào cuối năm 2023. Tháng 10/2023, MAFC đã được Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam chấp thuận tăng vốn điều lệ của công ty từ 1.500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng.

Nhìn chung, quy mô của MAFC đã liên tục được mở rộng trong những năm qua nhờ vào đòn bẩy tài chính cao. Đến cuối năm 2022, tổng tài sản của công ty tài chính này đạt 13.453 tỷ đồng, tăng thêm 2.120 tỷ đồng so với đầu năm và là mức cao nhất kể từ khi hoạt động. Con số này cao gấp 6,7 lần sau 5 năm.

Sự gia tăng tài sản chủ yếu đến từ hoạt động cho vay khách hàng. Cuối năm 2022, dư nợ cho vay khách hàng của công ty tài chính này lên đến gần 10.900 tỷ đồng, tăng 33% so với đầu năm và gấp hơn 6 lần thời điểm cuối năm 2017. Nhìn chung, cho vay khách hàng thường chiếm tỷ trọng khoảng 80% tổng tài sản có của MAFC.

Biên lợi nhuận ngày càng mỏng

Việc mở rộng hoạt động cho vay khách hàng giúp thu nhập lãi thuần, nguồn thu chủ lực của MAFC cũng liên tục tăng qua từng năm. Năm 2022, công ty tài chính này ghi nhận thu nhập lãi thuần cao kỷ lục, hơn 2.600 tỷ đồng, tăng gần 18% so với năm trước và cao gấp 7,7 lần năm 2017. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ và hoạt động khác của MAFC cũng tăng đều đặn qua các năm.

Dù vậy, chi phí hoạt động cũng liên tục tăng mạnh qua từng năm, nhiều khả năng đến từ các khoản lãi vay phải trả do sử dụng đòn bẩy cao. Năm 2022, MAFC phải gánh hơn 1.000 tỷ chi phí hoạt động, tăng 44% so với năm trước. Đây cũng là mức chi phí cao kỷ lục của công ty tài chính này kể từ khi hoạt động.

Bên cạnh đó, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng phình to qua từng năm cũng ăn mòn đáng kể lợi nhuận của MAFC. Năm 2022, MAFC chi đến hơn 2.000 tỷ đồng cho hoạt động dự phòng rủi ro tín dụng, tăng gần 21% so với năm trước và là mức cao nhất từ trước đến nay. Điều này cho thấy chất lượng cho vay của MAFC đang đi xuống rõ rệt.

Kết quả, MAFC lãi ròng 127 tỷ đồng, gần như đi ngang so với năm ngoái. Xét trên con số tuyệt đối, mức lợi nhuận này chỉ kém so với con số đạt được năm 2019 (151 tỷ đồng). Tuy nhiên, biên lợi nhuận ròng của công ty tài chính này đã bị thu hẹp đáng kể và chỉ còn chưa đến 5% vào năm 2022, tức là 100 đồng doanh thu mới mang về 5 đồng lãi.

Thực tế, biên lợi nhuận ròng của MAFC đã liên tục suy giảm qua từng năm, đặc biệt là trong năm 2020. Từ mức 14,5% năm 2017, con số này đã giảm xuống 13,4% vào năm 2018, 11% vào năm 2019 và bất ngờ rơi mạnh xuống 6,5% vào năm 2019. Sự sụt giảm của chỉ tiêu sinh lời này khiến giới phân tích đặt dấu hỏi vào khả năng quản lý chi phí của công ty tài chính này.

Tin Cùng Chuyên Mục